Cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu cá da trơn vào Mỹ Xuất khẩu cá tra: Tính chuyện đường xa Xuất khẩu cá tra sang EU khởi sắc Xuất khẩu cá tra vào thị trường Mỹ: Cần thực hiện đúng cam kết về chất lượng |
Lạc quan kim ngạch 2,1 tỷ USD
Theo báo cáo chiến lược tháng 10/2018 vừa được Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt công bố, ngành thủy sản Việt Nam nói chung và cá tra nói riêng đang được hưởng lợi từ diễn biến căng thẳng thương mại khi Mỹ giảm các quy định và thuế áp đặt lên một số mặt hàng thủy sản nhập khẩu từ Việt Nam. Trong khi đó, Trung Quốc cũng cắt giảm thuế nhập khẩu nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước.
Thực tế cho thấy, xuất khẩu cá tra của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm nay đã có sự tăng trưởng ấn tượng với kim ngạch đạt 1,6 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2017.
Nguồn nguyên liệu cá tra đang thiếu hụt khiến nhiều doanh nghiệp không dám nhận thêm đơn hàng từ đối tác |
Trao đổi với phóng viên Vuasanca , ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) - cho biết, từ cuối tháng 9/2018 đến nay, giá cá tra nguyên liệu ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long phổ biến từ 35.000 - 36.000 đồng/kg. Với mức giá hiện tại, người nuôi cá tra thu lãi từ 6.000 - 9.000 đồng/kg. Hiện các doanh nghiệp (DN) chế biến cá tra cũng đang đẩy mạnh thu mua để xuất khẩu vào thị trường Mỹ, Trung Quốc khi rào cản thương mại được nới lỏng.
Ông Hòe cho biết, xuất khẩu cá tra sẽ tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm và dự kiến kim ngạch cá tra năm 2018 sẽ cán đích 2,1 tỷ USD, tăng 22% so với năm 2017.
Băn khoăn bài toán nguyên liệu
Mặc dù giá trị kim ngạch và đơn hàng xuất khẩu liên tục tăng nhưng các DN cá tra lại đang đối mặt với tình trạng thiếu nguyên liệu trầm trọng. Ông Hòe cho biết, do thiếu cá giống nên thời gian gần đây rất nhiều hộ nông dân phải treo ao, còn DN thì không có đủ nguyên liệu để phục vụ chế biến xuất khẩu.
Bà Nguyễn Thị Ánh - Giám đốc Công ty Thủy sản Sông Tiền (SOTICO) - chia sẻ, đơn hàng cuối năm với đối tác dồn dập, nhiều nhà nhập khẩu muốn ký tiếp hợp đồng nhưng chúng tôi không dám nhận vì “không có hàng” để bán. Mặc dù SOTICO đã tự quy hoạch vùng ao nuôi, có sự liên kết chặt chẽ với người nông dân nhưng mấu chốt nằm ở nguồn cá giống thiếu hụt nên dù DN có xoay sở cũng không thể đủ nguyên liệu để chế biến.
Cũng theo bà Ánh, hiện tại vẫn chưa đủ cá tra giống chất lượng cao trên thị trường. Thời tiết xấu khiến tỷ lệ cá tra giống trọng lượng dưới 20 gram chết cao. Đáng lo hơn, việc thiếu cá tra giống sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới nguồn cung cá tra xuất khẩu trong các tháng cuối năm 2018, đồng thời khiến giá cá tra giống tăng.
Để có nguồn nguyên liệu cá tra ổn định, nhiều ý kiến cho rằng, một trong những giải pháp then chốt là các địa phương phải quy hoạch lại sản xuất từ khâu giống, thức ăn, nuôi và chế biến xuất khẩu; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ; đa dạng hóa sản phẩm; ưu tiên hàng giá trị gia tăng, đặc biệt là đa dạng thị trường xuất khẩu”.