Ảnh: Cấn Dũng
CôngThương - TRÊN 7 TRIỆU TẤN GẠO XUẤT KHẨU TRONG TẦM TAY
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), kết quả giao hàng từ ngày 1 - 13/10/2011 đạt 120.707 tấn, trị giá 63,587 triệu USD. Con số lũy kế xuất khẩu (XK) từ ngày 1/1 đến ngày 13/10/2011 đạt 5,999 triệu tấn, trị giá 2,880 tỷ USD. Giá lúa gạo Việt Nam liên tục tăng mạnh từ tháng 9 đến nay. Thời điểm này, khi lúa vụ thu đông đang bước vào thu hoạch, xu thế lũ về làm giá giảm như các năm trước đã không còn nữa mà ngược lại giá thu mua lúa trong nước đang nhích lên từng ngày. Cụ thể, lúa IR 50404 tươi thấp nhất từ 5.000 đồng/kg, giá lúa khô tại kho khu vực Đồng bằng sông Cửu long loại thường dao động từ 7.100-7.250 đồng/kg, lúa dài khoảng 7.250 – 7.400 đồng/kg. Giá gạo nguyên liệu loại 1, để làm gạo 5% tấm hiện khoảng 9.450-9.550 đồng/kg tùy từng địa phương, gạo nguyên liệu làm ra gạo 25% tấm là 9.350-9.450 đồng/kg tùy chất lượng và địa phương. Giá gạo thành phẩm 5% tấm không bao bì giao tại mạn hiện khoảng 11.450 - 11.600 đồng/kg, gạo 15% tấm 10.950-11.100 đồng/kg và gạo 25% tấm khoảng 10.300-10.450 đ/kg tùy chất lượng và địa phương.
Những thông tin tốt về thị trường gạo thế giới đã là xúc tác không nhỏ khiến giá gạo trong nước tăng cao, các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp cũng như những doanh nghiệp (DN) XK gạo đều đánh giá, đây là thời cơ tốt để gạo Việt Nam đẩy mạnh thương hiệu, chiếm lĩnh thị trường lúa gạo thế giới. Hiện nay, giá gạo 5% tấm trên thị trường thế giới đã tăng lên mức 570-590 USD/tấn, đây là mức giá cao nhất từ trước đến nay; giá gạo XK của Việt Nam cũng tăng tới 56 USD/tấn trong năm 2011. Theo Bộ Công Thương, XK gạo của Việt Nam năm 2011 chắc chắn vượt năm 2010, có thể đạt trên 7 triệu tấn, tăng hơn 3,5% so với năm 2010. Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên cho biết, thời gian qua XK có mức tăng về lượng của gạo đạt 11,14%, tăng về giá gấp đôi lượng, đạt hơn 22,6%.
Lạc quan hơn, trong Hội nghị Thương mại gạo thế giới 2011 diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh ngày 20/10, các chuyên gia nhận định, sắp tới giá gạo XK và giá lúa của Việt Nam vẫn sẽ đứng ở mức cao, dự báo giá gạo XK sẽ lên 700 USD/tấn vào đầu năm 2012.
Thị trường gạo thế giới hiện đang có sự phân chia rõ rệt về chất lượng và giá cả sản phẩm. Theo bà Cao Thị Ngọc Hoa, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Nam, hiện nay gạo Ấn Độ đang rẻ nhất thế giới (khoảng 320-450 USD/tấn gạo 25 và 15% tấm). Tuy nhiên, đây là gạo tồn kho, chất lượng thấp nên chỉ bán vào thị trường châu Phi, Trung Đông, còn khách hàng cần gạo cao cấp thì phải tìm đến Việt Nam và Thái Lan. Hiện tại đã có hơn 300 ngàn tấn gạo XK của Thái lan bị lùi thời hạn giao, buộc các nước có nhu cầu nhập khẩu phải tìm tới các nguồn thay thế khác từ Ấn Độ, Pakistan. Với tình hình lũ lụt của Thái Lan hiện nay sẽ làm giảm nguồn cung của nước này từ 2-3 triệu tấn so với năm trước. Nếu kịch bản này đúng và nếu hoạt động XK gạo của Việt Nam đạt được con số dự báo là 7,3-7,5 triệu tấn thì đây là lần đầu tiên Việt Nam vươn lên đứng đầu thế giới về XK gạo.
ĐƯA THỜI CƠ THÀNH “BỆ PHÓNG”
Giá trị gạo XK của Việt Nam ngày một nâng lên, năm 2011, bên cạnh yếu tố khách quan nhờ giá thế giới tăng cao còn do các thương lái,
DN thay vì mua lúa khô đã chủ động mua lúa tươi từ nông dân để sấy, xay xát, đánh bóng… giúp gạo đẹp hơn, ít tấm và chất lượng cũng tăng lên. Bên cạnh đó, gạo XK của Việt Nam cũng ngày một đa dạng hơn về chủng loại, ngoài những loại gạo cấp thấp, trung bình thì các các loại gạo cao cấp, gạo thơm, gạo đồ đã tăng mạnh về số lượng, góp phần nâng đáng kể kim ngạch xuất khẩu gạo Việt Nam.
Để cơ hội biến thành nền tảng vững chắc cho XK gạo trong thời gian tới, VFA cho rằng, tùy từng tình hình cụ thể để đưa ra kế hoạch, tiếp tục phát huy thị trường truyền thống, xúc tiến thương mại và có những chiến lược đồng bộ. Sản xuất lúa gạo sẽ theo mô hình mới để có sản phẩm lúa hàng hóa giá thành tốt nhất, hiệu quả sản xuất cao nhất. DN trong lĩnh vực XK gạo cũng phấn đấu đạt được hiệu quả trong thu mua, xây dựng hệ thống kho tàng và phải có chính sách thu, mua, tạm trữ lúa hàng hóa vào thời kỳ thu hoạch cao điểm.
Giáo sư Võ Tòng Xuân trong lần trả lời phỏng vấn Truyền hình Việt Nam mới đây đã bày tỏ, sự tác động của chính sách thu mua lúa của Thái lan đã tạo cơ hội cho Việt Nam. Đây là thời điểm để Việt Nam đưa người nông dân sản xuất lúa theo cách mới và cũng là dịp để các DN củng cố lại hệ thống kho, sân phơi, máy móc; gắn kết với vùng nguyên liệu để sản xuất và tạo ra những vùng nguyên liệu có giá trị. Ông Xuân cho rằng, cơ hội sẽ không trở lại nên cần tận dụng thời cơ để phát triển. Vấn đề quan trọng nhất là phải có chính sách có lợi cho người trồng lúa.
Năm 2011, nhiều tỉnh tại Đồng bằng sông Cửu long như: Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Cần Thơ… đã có nhiều chính sách hỗ trợ trong việc mở rộng hệ thống sấy lúa của người dân, tạo chuỗi sản xuất liên hoàn cho chất lượng cao. Các địa phương cũng tạo điều kiện, hỗ trợ để DN thu mua, XK gạo đạt được các tiêu chí theo tinh thần của Nghị định 109 nhằm đưa thị trường trở nên ổn định và tăng sức cạnh tranh. Bộ Công Thương cũng đã cấp 125 giấy chứng nhận cho các DN tham gia XK gạo, trong đó có khoảng 80 DN đủ điều kiện về kho chứa, hệ thống máy sấy, xay xát.
Theo chủ tịch VFA Trương Thanh Phong, trong 5 năm tới, VFA sẽ tập trung vào 5 hoạt động trọng tâm, cụ thể là: Chọn giống và thiết lập các vùng nguyên liệu chất lượng cao, từng bước hình thành thương hiệu sản phẩm riêng; đa dạng hóa sản phẩm gạo, đáp ứng nhu cầu thị trường; tăng cường quản lý điều hành XK gạo, chống bán phá giá; gắn kết giữa sản xuất và tiêu dùng, đảm bảo giá lúa ổn định cho nông dân.