Xuất khẩu gạo sang châu Âu: “Chắt chiu” cơ hội
Sản lượng gạo của Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu đang ở mức khiêm tốn |
Từ câu chuyện của những người tiên phong
Nhằm XK gạo vào các thị trường khó tính như Mỹ, EU… nhiều năm qua, Tập đoàn Lộc Trời đã đầu tư xây dựng mô hình cánh đồng lớn với vùng nguyên liệu hơn 90.000ha. Hàng ngàn kỹ sư nông nghiệp hàng ngày cùng bà con nông dân “xuống đồng” nhằm thay đổi từ gốc đến ngọn phương thức sản xuất, cải thiện chất lượng và nâng cao phẩm chất của từng hạt gạo. Lộc Trời còn xây dựng hệ thống nhà máy chế biến đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm HACCP của châu Âu.
Sau nhiều nỗ lực, tháng 11/2015, sản phẩm gạo “Hạt Ngọc Trời - Thiên Long”, làm từ giống lúa AGPPS103 của Tập đoàn Lộc Trời đã được công nhận đạt top 3 gạo ngon nhất thế giới. Chính nhờ cách làm bài bản của mình, không những chiếm lĩnh tốt thị trường nội địa với giá bán rất cao, nhiều sản phẩm gạo của Lộc Trời còn XK thành công sang các thị trường khó tính bậc nhất thế giới, trong đó có EU với giá bán lên đến 700 USD/tấn, cao gấp đôi giá gạo XK thông thường của nước ta.
Với số dân đông và sẵn sàng trả giá cao cho các sản phẩm nhập khẩu, thị trường EU là giấc mơ của không ít các DN Việt, trong đó có các DN XK gạo. Giấc mơ này đang có cơ hội trở thành hiện thực khi EU đã mở thêm cơ hội cho gạo Việt Nam với việc phê duyệt hạn ngạch nhập khẩu 100.000 tấn gạo/năm với mức thuế 0% khi FTA Việt Nam - EU có hiệu lực. Riêng gạo tấm không bị hạn chế hạn ngạch và sẽ giảm thuế theo lộ trình. Đây là cơ hội lớn nếu có nhiều mô hình như Lộc Trời được xây dựng thành công.
Đến bài toán nâng cao chất lượng
TS. Nguyễn Đình Bích – chuyên gia ngành lúa gạo cho hay: EU không phải là thị trường quá lớn và chỉ có vài quốc gia cạnh tranh XK gạo với nhau tại thị trường này, nhưng đây vẫn là thị trường tiềm năng bởi khả năng chi trả cao. Thực tế, những quốc gia XK gạo thành công sang EU đều đang sở hữu loại gạo ngon nhất thế giới như: Myanmar, Campuchia, Thái Lan… do đó, gạo Việt muốn bước chân vào thị trường này cần xây dựng thương hiệu và có chất lượng tốt.
Ông Đặng Hoàng Hải – Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - khẳng định, để chuyển dịch thói quen sản xuất từ phẩm cấp thấp sang phẩm cấp cao là việc không đơn giản, nhưng các nhà hoạch định chiến lược, DN và người nông dân đều đã có chung nhận thức và quyết tâm về vấn đề này. Chính phủ đã có Đề án Phát triển thị trường XK gạo đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Cùng với những nỗ lực của DN, gạo Việt đang nỗ lực tiến tới mục tiêu cạnh tranh được với sản phẩm gạo của các quốc gia XK khác tại thị trường EU và nhiều thị trường khó tính khác.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), năm 2015, Việt Nam đã XK 18.000 tấn gạo sang EU. Khi FTA Việt Nam - EU có hiệu lực, lượng gạo Việt Nam XK sang EU được kỳ vọng sẽ tăng lên khi thuế suất lùi về 0% giúp gạo Việt tăng sức cạnh tranh. |