Triển vọng xuất khẩu rất khả quan
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Canada trong tháng 8/2021 đạt 12,6 triệu USD, giảm 38,8% so với tháng 8/2020. Trong 8 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Canada đạt 169,3 triệu USD, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2020.
Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, hoạt động sản xuất và chế biến gỗ tại nhiều tỉnh thành trên cả nước bị ngưng trệ là lý do chính khiến xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Canada giảm mạnh trong tháng 8/2021.
Số liệu từ Cơ quan Thống kê Canada cho biết, Trung Quốc, Việt Nam, EU và Mỹ là 4 thị trường cung cấp chính đồ nội thất bằng gỗ cho Canada trong 7 tháng đầu năm 2021, trị giá nhập khẩu từ 4 thị trường này chiếm 85,4% tổng trị giá nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Canada.
Xưởng sản xuất của Công ty CP chế biến gỗ nội thất Pisico (Bình Định) |
Trong cơ cấu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất khẩu tới thị trường Canada trong 7 tháng đầu năm 2021, đồ nội thất bằng gỗ là mặt hàng xuất khẩu chính với tỷ trọng chiếm 90,2% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Canada. Kim xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ sang Canada đạt 141,3 triệu USD, tăng 50,3% so với cùng kỳ năm 2020.
Ngoài ra, trong 7 tháng đầu năm 2021, các mặt hàng khác như gỗ, ván và ván sàn; đồ gỗ mỹ nghệ; khung gương xuất khẩu sang thị trường này tăng mạnh; chỉ có mặt hàng cửa gỗ đạt 1,6 triệu USD, giảm 9,4% so với cùng kỳ năm 2020.
Mặc dù xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Canada bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng kết quả đạt được trong nửa đầu năm 2021 cho thấy gỗ và sản phẩm gỗ, đặc biệt là các mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam đã đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ tại Canada.
Theo nguồn marketinsightsreports.com, dự báo thị trường đồ nội thất gia đình của Canada đạt tốc độ tăng trưởng bình quân là 6% trong giai đoạn 2021 – 2025. Sự tăng trưởng của thị trường đồ nội thất gia đình của Canada là nhờ sự cải thiện trong hoạt động xây dựng đặc biệt là lĩnh vực nhà ở tại nhiều vùng của Canada, phần lớn việc mua đồ nội thất được thúc đẩy bởi người tiêu dùng chuyển đến nhà mới.
Trong khi đó, ngành công nghiệp nội thất Canada là một trong 10 nhà sản xuất đồ nội thất hàng đầu trên thế giới và quốc gia này có chuyên môn lâu đời trong lĩnh vực sản xuất đồ nội thất. Tuy nhiên, trong những năm gần đây do nhập khẩu tăng nhanh và xuất khẩu giảm, Canada đã trở thành nước nhập khẩu ròng các sản phẩm đồ nội thất.
Triển vọng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang thị trường Canada vẫn rất khả quan, trước hết là nhờ nhu cầu tiêu thụ lớn tại thị trường Canada, tiếp theo là tác động tích cực từ các Hiệp định đã ký kết và có hiệu lực như CPTPP... Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh tiêm vắc-xin cho người lao động trong ngành gỗ sẽ thúc đẩy hoạt động sản xuất và chế biến gỗ phục hồi trở lại.
Những lưu ý cho doanh nghiệp xuất khẩu
Các doanh nghiệp ngành gỗ cần chú ý tới những xu hướng của người tiêu dùng Canada để đẩy mạnh xuất khẩu trong thời gian tới. Cụ thể, xu hướng gia tăng đối với đồ nội thất nhỏ gọn và đa năng cũng như người tiêu dùng thế hệ trẻ đang yêu cầu đồ nội thất được làm từ vật liệu thân thiện với môi trường. Hoạt động nhà ở được cải thiện và chi tiêu tăng cho các sản phẩm nội thất gia đình. Thị trường hướng đến người tiêu dùng, với doanh số bán đồ gia dụng cho đồ nội thất phòng ngủ, phòng khách và phòng ăn chiếm phần lớn, tiếp theo là chi tiêu cho các loại đồ nội thất khác.
Người Canada ưa chuộng sản phẩm có độ bền và thời gian sử dụng lâu dài, do đó ngày càng có nhiều nhu cầu về đồ nội thất cao cấp. Các sản phẩm bằng gỗ được ưa chuộng chủ yếu là nội thất phòng khách và phòng ăn. Gỗ là một trong những nguyên liệu được sử dụng rộng rãi để sản xuất đồ nội thất, chiếm trên 30% nguyên liệu dùng trong sản xuất đồ nội thất.
Các loài gỗ của Canada được sử dụng như Western Hemlock, Western Red Cedar, Douglas Fir và Spruce-Pine-Fir mang lại tính linh hoạt cao, độ bền cao phù hợp để sản xuất đồ nội thất chất lượng cho gia đình.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần lưu ý việc Canada thay đổi quy trình nhập khẩu hàng hóa. Mới đây, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cho biết, Cơ quan Dịch vụ biên giới Canada (CBSA) thông báo thay đổi quy trình nhập khẩu hàng hóa trong giai đoạn 2 của Dự án Đánh giá và Quản lý thuế (CARM 2), dự kiến có hiệu lực từ tháng 5/2022.
Theo đó, CBSA yêu cầu doanh nghiệp xuất khẩu sang Canada đang bị điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) theo Đạo luật về các biện pháp nhập khẩu đặc biệt (SIMA) đăng ký Mã số doanh nghiệp (Business Number) và Tài khoản SIMA (SIMA Program Account). Sau khi Dự án CARM 2 có hiệu lực, doanh nghiệp nhập khẩu vào Canada và doanh nghiệp xuất khẩu sang Canada muốn sử dụng giá trị thông thường, các khoản điều chỉnh giá xuất khẩu hay mức trợ cấp riêng biệt đối với từng lô hàng thì phải có Mã số doanh nghiệp và Tài khoản SIMA. Nếu không, hàng hóa nhập khẩu sẽ không được hưởng thuế suất riêng rẽ trong các vụ việc chống bán phá giá, chống trợ cấp mà phải chịu mức thuế suất toàn quốc của biện pháp phòng vệ thương mại đang áp dụng.