Hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp
Tại Hội thảo "Xuất khẩu thông qua nền tảng TMĐT: Cơ hội với Amazon" do Cục XTTM phối hợp với Amazon tổ chức tại Hà Nội mới đây, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục XTTM - cho biết: Việc phối hợp với Amazon không chỉ giúp DN tiếp cận sâu hơn với phương thức xuất khẩu mới, hiệu quả mà còn hiện thực hóa định hướng đổi mới hoạt động XTTM.
Doanh nghiệp trực tiếp sản xuất có lợi thế khi bán hàng trên Amazon |
Bộ Công Thương đang phối hợp với Amazon thực hiện 3 cấu phần: Hỗ trợ DN, nhất là DN vừa và nhỏ tiếp cận thị trường Mỹ và thị trường toàn cầu thông qua hệ thống bán hàng trực tuyến của Amazon; đào tạo cho DN về kỹ năng tham gia môi trường TMĐT và bán hàng trên Amazon; phát triển thương hiệu hàng hóa, cấu phần này sẽ được thực hiện vào năm 2020, khi các DN Việt Nam đã bán hàng ổn định trên Amazon.
Đại diện Amazon nhấn mạnh, ngoài hệ thống kho vận thuận tiện, DN bán hàng trên Amazon còn được hưởng nhiều lợi ích, như: Tương tác đơn giản với các công cụ được dùng chung trên toàn thế giới; dễ dàng tiếp cận khách hàng mua sỉ và lẻ; xây dựng, quảng bá thương hiệu quốc tế với công cụ quảng cáo có chi phí hợp lý. Đặc biệt, thông qua dịch vụ hoàn thiện đơn hàng (FBA), Amazon sẽ chịu trách nhiệm nhận, vận chuyển và đưa hàng tới tay người tiêu dùng với thời gian nhanh nhất, giúp DN quản lý tốt hàng tồn kho, quay vòng vốn nhanh.
Kinh nghiệm thành công
Với kinh nghiệm hơn 7 năm bán hàng trên Amazon, bà Nguyễn Xuân Chiêu Hân - Trưởng phòng Online Market Place (Công ty Saigon Cube) - chia sẻ, Amazon có nền tảng công nghệ rất tốt, thuận lợi cho DN tương tác khi đưa hàng hóa lên hệ thống. Hơn nữa, trang TMĐT này còn là con đường ngắn nhất giúp DN tiếp cận với lượng khách hàng khổng lồ 300 triệu người trên toàn thế giới.
Amazon còn có những giải pháp hỗ trợ rất tốt cho DN như FBA, quảng cáo. Chỉ sau 1 năm Saigon Cube tham gia quảng cáo trên Amazon, doanh thu đã tăng gấp đôi. Hiện, doanh số bán hàng trên Amazon chiếm trên trên 35% tổng doanh thu của công ty và chiếm khoảng 70% doanh số bán hàng trực tuyến. Đầu năm 2019, công ty đã đăng ký thành công, bắt đầu bán hàng trên Amazon Nhật Bản và châu Âu.
Bà Nguyễn Xuân Chiêu Hân cũng cho hay, DN muốn đưa hàng lên Amazon cần thực hiện theo 4 bước: Tiến hành nghiên cứu thị trường; chuẩn bị sản phẩm gồm bao bì, giấy chứng nhận, hình ảnh và nội dung của sản phẩm, cơ cấu giá; tìm nhà cung cấp dịch vụ; bán hàng và sử dụng công cụ quảng cáo để tiếp cận khách hàng. Tuy nhiên, điểm khó khăn nhất đối với các DN lần đầu tiên bán hàng trên Amazon là tìm hiểu các thủ tục liên quan đến thuế, hải quan, dịch vụ vận chuyển, thanh toán, cách đưa sản phẩm lên hệ thống sao cho hiệu quả. Những thách thức này hiện đang được Bộ Công Thương phối hợp với Amazon đồng hành tháo gỡ cùng DN. Hy vọng, sự chung sức này sẽ giúp cộng đồng DN trong nước, nhất là DN nhỏ và vừa tiếp cận sâu và hiệu quả hơn với phương thức XK qua bán hàng trực tuyến.