Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Lê Ngọc Hưng chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị còn có lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu, Vụ Thương mại Biên giới và Miền núi, Vụ Thị trường châu Á – Thái Bình Dương (Bộ Công Thương), Cục tác chiến (Bộ Quốc phòng), Cục Cửa khẩu (Bộ Tư lệnh bộ đội biên phòng), đại diện Tổng Cục hải quan (Bộ Tài chính), Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) và đại diện một số sở, ngành địa phương...
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại hội nghị |
Ông Lê Ngọc Hưng - Phó Chủ tịch UBDN tỉnh Lào Cai cho biết, để thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong nước theo chủ trương của Chính phủ, UBND tỉnh Lào Cai đã giao Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì phối hợp với các ngành chức năng và 2 huyện Bát Xát và Mường Khương khảo sát thực địa các địa điểm có khả năng xuất khẩu hàng hóa nông sản để khai thác, trong đó có địa điểm Na Lốc và Lũng Pô. Xét thấy đây là những địa điểm có thể tổ chức xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc thuận lợi, tỉnh đã đề xuất với các bộ, ngành trung ương và Chính phủ cho phép thực hiện thí điểm.
Tháng 6 năm 2014, Uỷ ban Hợp tác quản lý cửa khẩu phía Việt Nam đã tổ chức kiểm tra thực địa tại Na Lốc và Lũng Pô và đã thống nhất với Lào Cai cho mở 2 lối mở này; các Bộ Quốc phòng, Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… cũng ủng hộ nhằm thúc đẩy xuất khẩu nông sản.
Ngày 19/8/2015, Văn Phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng - Hoàng Trung Hải đồng ý cho thí điểm xuất khẩu nông sản qua địa điểm Na Lốc và Lũng Pô. Tiếp đó, Bộ Công Thương cũng đã có văn bản hướng dẫn Lào Cai về phạm vi và địa điểm, nguyên tắc, mặt hàng xuất khẩu, thời gian thực hiện thí điểm, trách nhiệm của UBND tỉnh Lào Cai, chế độ thông tin, báo cáo về việc thí điểm xuất khẩu các mặt hàng nông sản qua qua Na Lốc và Lũng Pô.
Như vậy, về chủ mặt trương, thí điểm xuất khẩu nông sản qua Na Lốc và Lũng Pô đã được sự ủng hộ của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan. Vấn đề đặt ra hiện nay là tổ chức việc này như thế nào cho có hiệu quả.
Đến nay, tỉnh Lào Cai đã phê duyệt phạm vi, ranh giới khu vực thực hiện thí điểm, đồng thời giao nhiệm vụ cho các lực lượng chức năng (biên phòng, hải quan, kiểm dịch, thuế…) xây dựng các phương án bố trí lực lượng, phương tiện, cơ sở vật chất đảm bảo kỹ thuật và giám sát, quản lý chặt chẽ hoạt động xuất khẩu 2 lối mở này. Phương án bố trí các lực lượng chức năng chuyên ngành để giám sát, quản lý… hoạt động xuất khẩu thí điểm nông sản qua Na Lốc và Lũng Pô cũng đã được tỉnh Lào Cai xây dựng.
Hàng hóa nông sản trong danh mục được phép xuất khẩu đi qua Na Lốc và Lũng Pô sẽ được tập kết tại các bãi tập kết thuộc phạm vi, ranh giới khu vực thí điểm để các lực lượng chức năng chuyên ngành kiểm tra, giám sát, thu phí và lệ phí theo quy định trước khi được thông quan. Doanh nghiệp được thông quan xuất khẩu hàng hóa khi đảm bảo được các điều kiện quy định. Chẳng hạn, đối với mặt hàng gạo, phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu do Bộ Công Thương cấp, các mặt hàng kinh doanh có điều kiện (như đường…) phải được các bộ, ngành trung ương liên quan đồng ý cho xuất khẩu; doanh nghiệp phải có quyết định của UBND tỉnh Lào Cai cho phép xuất khẩu qua Na Lốc và Lũng Pô…
Toàn cảnh hội nghị |
Để việc thí điểm sớm triển khai, UBND tỉnh Lào Cai đã kiến nghị các bộ, ngành liên quan hướng dẫn và cho phép xuất khẩu qua Na Lốc và Lũng Pô áp dụng loại hình xuất khẩu biên giới (mở tờ khai hải quan xuất khẩu biên giới) và không hoàn thuế VAT với lý do thực hiện thí điểm chưa có đủ cơ sở vật chất kỹ thuật để khai báo hải quan điện tử, tránh rủi ro trong kiểm soát hồ sơ hàng hóa của doanh nghiệp, tránh thất thu ngân sách Nhà nước... Điều kiện cơ sở hạ tầng tại Lũng Pô còn khó khăn, Lào Cai đã đề nghị các bộ, ngành ủng hộ chủ trương thực hiện quy trình kiểm tra, kiểm soát hàng hóa xuất khẩu qua địa điểm này tại khu vực cửa khẩu phụ Bản Vược, sau đó giám sát hàng hóa thực xuất tại địa điểm Lũng Pô...
Theo Thứ trưởng Trần Tuấn Anh, xuất khẩu nông sản là một ưu tiên trong chính sách của Nhà nước, trong đó có việc khai thác các lợi thế trong quan hệ thương mại biên giới. Tuyến đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai đi vào vận hành đã và đang tạo ra những cơ hội rất lớn để thúc đẩy thương mại giữa Việt Nam với Trung Quốc. Tỉnh Lào Cai đã có kinh nghiệm trong việc phối hợp tổ chức thực hiện các hoạt động thương mại không chỉ ở cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính mà ở cả cửa khẩu phụ, lối mở. Bộ Công Thương đánh giá cao tỉnh Lào Cai trong việc chuẩn bị các điều kiện để tổ chức thí điểm xuất khẩu nông sản qua 2 lối mở này trên cơ sở tiếp thu đầy đủ chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ cũng như lắng nghe quan điểm của các bộ, ngành liên quan.
Thời gian Chính phủ cho phép tổ chức thí điểm xuất khẩu nông sản qua Na Lốc và Lũng Pô đến 31/12/2015 còn không nhiều, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị tỉnh Lào Cai sớm hoàn thiện các thủ tục liên quan gửi các bộ, ngành để có hướng dẫn phương án thực hiện phù hợp. Trong quá trình thí điểm, tỉnh Lào Cai cần thực hiện tốt trách nhiệm báo cáo, thông tin về xuất khẩu các mặt qua Na Lốc và Lũng Pô để đảm bảo hiệu quả công tác quản lý và cân đối cung cầu hàng hóa…
Trong bối cảnh cạnh tranh phát triển gay gắt, việc tạo điều kiện cho các mặt hàng nông sản Việt Nam có đủ sức cạnh tranh xuất khẩu, tận dụng được các lợi thế là một yêu cầu rất quan trọng. Thứ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị đại diện các bộ, ngành liên quan tham dự hội nghị quan tâm thúc đẩy bộ, ngành mình sớm có trả lời, hướng dẫn tỉnh Lào Cai về các quy trình nghiệp vụ quản lý chuyên ngành trên cơ sở quy định của pháp luật và có tính linh hoạt./.