Thương mại điện tử xuyên biên giới: Xu hướng nhiều lợi ích |
Thành công từ chủ động
Năm 2011, Công ty TNHH Nhựa quốc tế Anh Tú bắt đầu tìm hiểu, kinh doanh và xuất khẩu qua các sàn thương mại điện tử (TMĐT). Đây được khẳng định là quyết định đúng đắn, bởi sau 10 năm chuyên tâm với hình thức kinh doanh này, doanh nghiệp (DN) đã xuất khẩu hàng hoá tới 10 thị trường, trong đó có những thị trường lớn và khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản…
Năm 2020, dù dịch bệnh khiến tiêu dùng sụt giảm, logistics gặp nhiều khó khăn, nguyên liệu tăng giá, tuy nhiên DN vẫn đạt 10 tỷ đồng doanh thu thực, chưa kể doanh thu còn nằm tại các đơn hàng đã sản xuất nhưng chưa vận chuyển. Năm 2021, Anh Tú kỳ vọng đạt gấp đôi mức doanh thu này.
Bà Hoàng Thị Hương - Trưởng phòng XK Công ty TNHH Nhựa quốc tế Anh Tú - cho rằng: “Lợi ích quan trọng nhất DN nhận được là xây dựng được tệp khách hàng trung thành, từ đó ổn định được sản xuất và xây dựng thương hiệu cho DN”.
Thông qua kênh trực tuyến, Công ty TNHH Nhựa quốc tế Anh Tú đã xuất khẩu sản phẩm tới 10 thị trường lớn |
Tuy còn khá non trẻ trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh mặt hàng thủ công mỹ nghệ nhưng Công ty Xuất nhập khẩu VIXEMCO cũng khá thành công khi xuất khẩu qua các sàn TMĐT. Theo bà Đoàn Phương Thúy - Quản lý vận hành Công ty Xuất nhập khẩu VIXEMCO: Với các sàn B2B, DN chủ yếu đưa hình ảnh mẫu mã, video giới thiệu về công dụng các sản phẩm. Ngoài các sàn TMĐT lớn như Alibaba.com, DN còn tận dụng mạng xã hội, sử dụng các tính năng miễn phí để quảng bá sản phẩm.
Nói về hiệu quả của hình thức xuất khẩu trực tuyến, bà Đoàn Phương Thúy cũng chia sẻ: Kinh doanh trực tuyến mang lại nhiều lợi ích. Do không bị giới hạn về mặt không gian, về khoảng cách địa lý, chênh lệch múi giờ với các thị trường nước ngoài nên DN có thể trả lời khách hàng 24 giờ trên 7 ngày. Đặc biệt, DN không cần phải có showroom với mặt bằng đắt tiền, tốn kém chi phí mà hiệu quả mang lại rất lớn.
“Ngay từ đầu chúng tôi đã chọn con đường xuất khẩu trực tuyến nên khi dịch Covid-19 diễn ra DN chỉ bị sụt giảm doanh thu do nhu cầu tiêu dùng giảm, chứ không gặp phải rào cản khi tiếp cận với khách hàng”, bà Thuý nói.
Thay đổi để nắm bắt cơ hội
Xuất khẩu trực tuyến không còn là xu hướng mà đã được hiện thực hoá bằng nhiều câu chuyện thành công của DN. Số DN tại Việt Nam biết tới hình thức xuất khẩu, kinh doanh trực tuyến cũng tương đối lớn, tuy nhiên không phải DN nào cũng hiểu cách thức cũng như sẵn sàng thay đổi bản thân để khai thác. Bởi, vấn đề ngôn ngữ hay chưa hiểu về cơ chế hoạt động của các sàn TMĐT, hạ tầng công nghệ thông tin, nhân lực là những rào cản lớn.
Là người từng trải qua bước đầu bỡ ngỡ, bà Hoàng Thị Hương cho hay: Ngay khi nhận được đơn hàng đầu tiên DN phải đối mặt với nhiều vấn đề khi làm việc với khác hàng nước ngoài, như: Văn hóa, nhu cầu và thói quen tiêu dùng xa lạ, bất đồng ngôn ngữ. Cùng với đó là hàng rào thuế quan, yêu cầu về quy tắc xuất xứ, các biện pháp phòng vệ thương mại…
Bà Hoàng Thị Hương cũng đưa ra khuyến cáo: Cơ hội mang lại từ xuất khẩu trực tuyến rất lớn nhưng bản thân DN cần chủ động, thay đổi để nắm bắt thời cơ. Do đó, với DN có mong muốn tham gia kinh doanh, xuất khẩu trực tuyến cần xây dựng đội ngũ nhân lực am hiểu về nghiệp vụ xuất khẩu; tham gia đào tạo để nắm vững kiến thức về các sàn TMĐT; hiểu sâu và rõ ràng về công nghệ sản xuất, kiến thức về sản phẩm để tự tin đàm phán với khách hàng; phân tích dữ liệu thống kê trên các sàn TMĐT để xác định được thị trường mục tiêu; nghiên cứu các quy định pháp luật, thị hiếu tiêu dùng của thị trường. “Bán hàng B2B xuất khẩu, dịch vụ chăm sóc khách hàng sau khi bán hàng rất quan trọng. Do vậy, cần đưa ra phương án cụ thể trong chính sách sau bán hàng, để xây dựng tệp khách hàng trung thành”, bà Hương nhấn mạnh.
Không chỉ DN Việt Nam nhận thấy tiềm năng lớn từ xuất khẩu trực tuyến, bản thân các sàn TMĐT lớn trên thế giới cũng đánh giá cao hiệu quả thị trường Việt Nam mang lại. Ông Roger Lou - Giám đốc quốc gia Alibaba.com Việt Nam - nhận định: Việt Nam có nhiều lợi thế về sản xuất, lại là thành viên của nhiều hiệp định thương mại tự do. Do đó, về lâu dài các DN vừa và nhỏ của Việt Nam sẽ có thêm cơ hội để giảm rào cản xuất khẩu sang các thị trường mới. Chính phủ Việt Nam cũng có nhiều chính sách khuyến khích DN mở rộng xuất khẩu. Tuy nhiên, để thành công nhận thức kỹ thuật số của các DN Việt Nam cần được tăng tốc hơn, đồng thời khả năng vận hành kỹ thuật số và nhu cầu về nhân lực làm TMĐT B2B cũng đang là thách thức cần tháo gỡ đối với các DN Việt Nam.
Để đồng hành cùng DN trong quá trình chuyển đổi số, tham gia kinh doanh thành công trên sàn TMĐT, Bộ Công Thương đã hợp tác với các sàn TMĐT lớn, có độ phủ rộng khắp toàn cầu để hướng dẫn DN. |