Hội thảo đào tạo Lãnh đạo doanh nghiệp- chương trình kết nối các nhà cung cấp Việt Nam |
Tại Hội thảo đào tạo Lãnh đạo doanh nghiệp- chương trình kết nối các nhà cung cấp Việt Nam, đại diện Cục Công nghiệp Việt Nam (Bộ Công Thương) cho biết, công nghiệp hỗ trợ (CNHT) luôn được coi là bộ phận công nghiệp rất quan trọng, đóng vai trò to lớn trong thay đổi cơ cấu ngành công nghiệp, góp phần quan trọng trong việc nâng cao sức cạnh tranh, thu hút đầu tư, gia tăng xuất khẩu, nâng cao quy mô, hiệu quả sản xuất của ngành công nghiệp. Bộ Công Thương cũng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để hỗ trợ ngành CNHT, khuyến khích phát triển CNHT, thành lập khu CNHT hay cụm CNHT.
Trước đó, ngày 24/5/2018, Cục Công Nghiệp đã phối hợp cùng Nhóm Ngân hàng Thế giới chính thức triển khai chương trình “Chương trình thí điểm Phát triển Nhà cung cấp Việt Nam” nhằm hỗ trợ các nhà cung cấp trong nước xuyên suốt chuỗi giá trị trong các ngành mục tiêu, cải thiện hiệu quả hoạt động để có thể đáp ứng yêu cầu của các công ty đa quốc gia (MNE) về chất lượng, giá thành, và giao hàng, cũng như các yêu cầu khác. Khi đã đáp ứng các yêu cầu này, nhà cung cấp sẽ được kết nối với các MNE để tiếp cận cơ hội cung ứng sản phẩm.
Sau đợt khảo sát doanh nghiệp lần thứ nhất (BR1), kết thúc vào ngày 31/8/2018, dựa trên kết quả đánh giá doanh nghiệp, các chuyên gia của Nhóm Ngân hàng thế giới đã xác định 1 số lĩnh vực chủ chốt mà các doanh nghiệp Việt Nam còn yếu và xây dựng nên một chương trình đào tạo. Chương trình này sẽ được thực hiện trong vòng 3 tháng, từ đầu tháng 10 cho tới đầu tháng 12.
Các công ty đa quốc gia đã triển khai nhiều dự án đầu tư lớn tại Việt Nam, đem lại cơ hội mở rộng nguồn cung ứng trong nước cho các công ty này. Tuy nhiên, một trong các trở ngại là trong nước còn thiếu nhà cung cấp đáp ứng được các chuẩn mực toàn cầu cần thiết. Trước thực trạng này, Chương trình Phát triển Nhà cung cấp Việt Nam được triển khai trong thời gian hai năm nhằm giúp đỡ các nhà cung cấp trong nước đáp ứng được yêu cầu của các MNE về chất lượng, giá thành, và giao hàng, cũng như các yêu cầu khác thông qua chuỗi giá trị trong các ngành mục tiêu. Sau đó, các doanh nghiệp này sẽ được kết nối với các MNE để tìm kiếm cơ hội cung ứng trong tương lai.
Nhận định về chương trình này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: Mục đích cuối cùng của chương trình là giúp các doanh nghiệp trong nước dịch chuyển lên các công đoạn tạo ra giá trị gia tăng cao hơn trong chuỗi giá trị để có thể sản xuất được các sản phẩm phức tạp hơn và cạnh tranh tốt hơn trên phạm vi toàn cầu.
Trong hai năm tới, chương trình sẽ phối hợp với tám công ty đa quốc gia trong các ngành ô tô, điện tử, năng lượng và hàng gia dụng, bao gồm Bosch, Canon, Datalogic, Denso, Ford, General Electric, Panasonic và Toyota. Các công ty đa quốc gia được mời tham gia đều thể hiện mối quan tâm của họ về phát triển nguồn cung trong nước và khả năng hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tìm kiếm cơ hội kinh doanh. 45 doanh nghiệp trong nước đã được lựa chọn tham gia chương trình theo sự giới thiệu của các công ty đa quốc gia tham gia chương trình và các tổ chức, hiệp hội ngành nghề.