Sản xuất chế biến gỗ thế mạnh của tỉnh Yên Bái
CôngThương - Năm 2013, dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh Yên Bái mà trực tiếp là Sở Công Thương, Trung tâm Khuyến công đã phối với các địa phương và các cơ sở sản xuất CNNT xây dựng đề án khuyến công đề nghị hỗ trợ kinh phí đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh cho cơ sở. Kết quả trong 6 tháng đầu năm đã được UBND tỉnh và Bộ Công Thương phê duyệt với tổng kinh phí 2.670 triệu đồng để hỗ trợ thực hiện 28 đề án và một số hoạt động khuyến công khác, trong đó:
Nguồn kinh phí khuyến công địa phương 2 tỷ đồng được hỗ trợ cho 24 cơ sở, doanh nghiệp và HTX. Các đề án tập trung hỗ trợ vào các ngành nghề như chế biến nông lâm sản, sản xuất gia công cơ khí, sản xuất vật liệu xây dựng ứng dụng công nghệ mới, sản xuất vật tư nông nghiệp… Đến hết tháng 6 đã nghiệm thu hoàn thành 22/24 đề án (đạt 91% về số lượng và 92% về giá trị được phê duyệt), tăng 84% giá trị thực hiện so với cùng kỳ 2012; các hoạt động khuyến công khác như: tham quan học tập kinh nghiệm trong nước, tuyên truyền công tác khuyến công trên các phương tiện thông tin đại chúng, đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác khuyến công,… đang được triển khai đúng theo tiến độ đề ra.
Tính đến hết quý II năm 2013 đã hỗ trợ tổng kinh phí 670 triệu đồng từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia. Trong đó, ưng dụng máy móc thiết bị hiện đại 1 đề án 100 triệu đồng; xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật 3 đề án 570 triệu đồng; 1/4 đề án đã nghiệm thu hoàn thành, các đề án còn lại dự kiến sẽ hoàn thành trong quý III.
Như vậy, trong 6 tháng đầu năm 2013, Trung tâm khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Yên Bái đã triển khai tương đối tốt và đúng tiến độ các chương trình khuyến công quốc gia cũng như địa phương. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai gặp không ít khó khăn, vướng mắc như công tác khuyến công quốc gia: giá trị phê duyệt còn thấp (đạt 46% so với cùng kỳ năm 2012), giá trị thực hiện đạt 48% so với cùng kỳ 2012. Nguyên nhân do Chương trình khuyến công quốc gia 2008 – 2012 được phê duyệt đã hết hiệu lực, do đó công tác thẩm định, phê duyệt kế hoạch kinh phí năm 2013 phải kéo dài hơn năm trước nên ảnh hưởng đến quá trình triển khai chương trình khuyến công quốc gia.
Để hoàn thành nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2013, Trung tâm Khuyến công đề ra những giải pháp thực hiện: Tăng cường bám sát cơ sở, tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện đầu tư, sản xuất để từ đó có những biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời cho các doanh nghiệp; Tìm hiểu các thông tin về công nghệ, sản phẩm, thị trường, thiết bị sản xuất để cung cấp và tư vấn cho các cơ sở sản xuất CNNT; Tăng cường công tác kiểm tra giám sát việc triển khai công tác khuyến công, giúp cho việc hoàn thành đề án đúng tiến độ, công tác thanh quyết toán được chính xác, đúng chế độ đồng thời tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho cơ sở; Liên hệ chặt chẽ với Cục CNĐP và các cơ sở thụ hưởng đã đăng ký đề án khuyến công quốc gia năm 2013 để triển khai ngay sau khi có quyết định phê duyệt; Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật mới về hoạt động khuyến công để nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác khuyến công, cán bộ phụ trách công tác khuyến công tại các địa phương để hoàn thành nhiệm vụ được giao; Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương và Trung ương đến mọi cấp, mọi ngành các tầng lớp nhân dân hiểu biết chính sách của Nhà nước về công tác khuyến công; Phối hợp chặt chẽ với các địa phương, các ngành trong việc tư vấn, hướng dẫn xây dựng, đăng ký kế hoạch khuyến công năm 2014, đảm bảo chất lượng, đúng thời gian quy định.