Người trẻ khởi nghiệp trong nông nghiệp sẽ được hỗ trợ vốn từ chương trình Khởi nghiệp Xanh trên quê hương Việt Nam. Ảnh minh họa |
Thực tế cho thấy, kinh tế nông nghiệp đang từng bước khởi sắc không chỉ trên những con số về doanh thu mà còn thể hiện ở chất lượng, trong đó có sự góp sức không nhỏ của người trẻ mạnh dạn bỏ phố về quê khởi nghiệp. Điều đó có nghĩa, những người trẻ về làng chưa hẳn chạy theo phong trào mà họ đang góp sức xây dựng quê hương bằng niềm đam mê, bản lĩnh của mình.
Tuy nhiên, dù có nhiều lợi thế, nhưng đường về quê của những cử nhân đại học hoặc những người có ‘kinh nghiệm’ từ thành phố không phải lúc nào cũng thênh thang, rộng mở. Khó khăn lớn nhất với người trẻ hiện nay là vốn. Thời gian tích lũy chưa nhiều, chưa có tài sản thế chấp nên điều kiện để thanh niên mới tốt nghiệp đại học tiếp cận các nguồn vốn vay rất hạn chế.
Trong khi nông nghiệp là lĩnh vực chứa đựng nhiều rủi ro, giá trị làm ra không nhanh, không lớn như các ngành kinh tế khác, nên không có sức thu hút người trẻ. Vì vậy, để những người trẻ, nhất là người có trình độ cao trở về cống hiến cho nông nghiệp ở các địa phương đòi hỏi sự khích lệ, hỗ trợ lớn hơn bằng các cơ chế, chính sách và các tổ chức xã hội.
Với mục đích tiếp thêm một phần sức lực, đồng hành cùng những con người đó, chương trình Khởi nghiệp Xanh trên quê hương Việt Nam vừa được Viện Kinh tế Nông nghiệp Hữu cơ và Liên minh HTX Việt Nam chính thức phát động. Đây là chương trình hỗ trợ khởi nghiệp phát triển nông nghiệp nông thôn, thu hút tri thức trẻ khởi nghiệp; hỗ trợ thanh niên nông thôn - đặc biệt là đối tượng công nhân từ các khu công nghiệp không còn đủ điều kiện sức khoẻ để tiếp tục công việc - về quê lập nghiệp, ổn định cuộc sống và làm giàu bền vững trên mảnh đất quê hương.
Đề đồng hành cùng chương trình này Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công ty CP Đầu tư Saigon Peninsula cùng các đối tác đã huy động 200 tỷ đồng để tài trợ cho giai đoạn 1 của chương trình. Tiếp theo ban điều phối chương trình sẽ tiếp tục kêu gọi nhiều đơn vị khác tham gia để đồng hành cùng chương trình một cách lâu dài.
Số tiền này sẽ do ngân hàng Thương mại CP Sài Gòn quản lý và sẽ giải ngân cho những trường hợp theo tiêu chí của ban tổ chức chương trình Khởi nghiệp Xanh trên quê hương Việt Nam. Đối tượng nhận được sự giúp đỡ là thanh niên có hoàn cảnh khó khăn tham gia khởi nghiệp có phương án sử dụng vốn hiệu quả; thanh niên có nhu cầu làm kinh tế tại các xã nông thôn mới; thanh niên có nguyện vọng làm kinh tế, có ý tưởng sản xuất kinh doanh nhưng còn thiếu vốn; tài trợ một phần vốn cho các gia đình đặc biệt khó khăn, có công với cách mạng, gia đình bà mẹ Việt Nam anh hùng được lựa chọn theo tiêu chí của chương trình…
Chương trình Khởi nghiệp Xanh trên quê hương Việt Nam cũng sẽ có những nội dung hỗ trợ khác như đào tạo giúp các đơn vị khởi nghiệp trẻ nâng cao năng lực sản xuất, quản trị, hợp tác trao đổi chuyên gia trong và ngoài nước, hợp tác với các lãnh đạo doanh nghiệp để được huấn luyện; thành lập các vườn ươm phòng lab nghiên cứu, công nghệ mẫu, sản xuất mô hình; đẩy mạnh truyền thông về khởi nghiệp bằng hành trình Khởi nghiệp Xanh xuyên Việt đi qua 63 tỉnh thành…
Nói về việc khởi xướng chương trình Khởi nghiệp Xanh trên quê hương Việt Nam, ông Lê Thành, Viện trưởng Viện Kinh tế Nông nghiệp hữu cơ - người điều phối chương trình - cho biết, chương trình này được tổ chức để hưởng ứng chương trình khởi nghiệp quốc gia do Chính phủ phát động. Phạm vi hoạt động của chương trình này hướng về nông thôn nhằm tạo điều kiện đưa công nghệ, tri thức, dòng vốn về nông thôn. Đặc biệt đây là chương trình có ý nghĩa để đưa những công nhân không còn đủ điều kiện sức khỏe thực hiện lao động ở đô thị để trở về mãnh đất quê hương lập nghiệp.
“Chúng tôi sẽ hỗ trợ vốn, vật tư nông nghiệp, máy móc và tạo đầu ra cho sản phẩm họ làm ra. Như vậy họ vừa về quê làm giàu bền vững đồng thời vẫn có thời gian để chăm lo cho cha mẹ, ông bà ở quê nhà. Đây là một chương trình có tính nhân văn và trách nhiệm xã hội rất cao”, ông Lê Thành nói.