Du lịch canh nông ở xứ ngàn hoa Đắk Nông: Phát triển du lịch canh nông Lâm Đồng: Chấm dứt Quy chế tạm thời về kinh doanh du lịch canh nông |
Chiều 18/10, trao đổi với phóng viên Vuasanca , bà Nguyễn Thị Bích Ngọc – Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (Sở VH,TT&DL) tỉnh Lâm Đồng cho biết, đơn vị đang hoàn thiện báo cáo rà soát, đánh giá phát triển du lịch canh nông trên địa bàn tỉnh. Báo cáo sẽ nêu rõ những thế mạnh, tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp đã được phát huy để khai thác hiệu quả các nguồn tài nguyên, tạo ra những sản phẩm mới phục vụ du lịch, tạo thêm nguồn thu nhập, giải quyết việc làm và quảng bá sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. Đồng thời, cũng phân tích, đánh giá những khó khăn, vướng mắc trong phát triển du lịch canh nông trên địa bàn.
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc – Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng phát biểu tại một buổi hội nghị đánh giá về du lịch canh nông trên địa bàn. Ảnh: Lê Sơn |
Theo bà Ngọc, từ khi UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2644/QĐ-UBND phê duyệt Đề án thí điểm xây dựng các mô hình du lịch canh nông trên địa bàn tỉnh vào năm 2015, Lâm Đồng là địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai thí điểm mô hình du lịch canh nông này, kết hợp du lịch và sản xuất nông nghiệp.
Năm 2018, sau khi thẩm định và công nhận điểm du lịch canh nông cho 33 tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh, sản phẩm du lịch canh nông đã từng bước phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử địa phương. Mô hình du lịch canh nông phần lớn tập trung tại TP. Đà Lạt với 23 mô hình, huyện Đức Trọng có 3 mô hình, Lâm Hà có 2 mô hình, Lạc Dương 2 mô hình, các huyện Đơn Dương, Bảo Lâm và Đạ Huoai mỗi huyện có 1 mô hình.
Đặc biệt, cộng đồng cư dân nơi triển khai mô hình được hưởng lợi từ việc phát triển các mô hình du lịch canh nông. Cuộc sống của người dân trong vùng ổn định, an ninh trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo; môi trường cũng được quan tâm bảo vệ. Theo thống kê, tổng lượt khách đến tham quan các mô hình du lịch canh nông trên địa bàn tỉnh từ năm 2018 đến nay đạt hơn 10 triệu lượt khách; giải quyết việc làm cho khoảng 1.000 lao động tại các địa phương.
Thế nhưng, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và thay đổi định hướng trong kinh doanh nên hiện nay có 14/33 mô hình kinh doanh du lịch canh nông đã được công nhận ngừng hoạt động. Cùng với đó, sau khi Lâm Đồng chấm dứt hiệu lực thi hành quy chế tạm thời về đầu tư và quản lý hoạt động kinh doanh du lịch canh nông trên địa bàn tỉnh vào cuối năm 2023 vì không còn phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương và các quy định liên quan đến loại hình du lịch canh nông, hiện chỉ có 3 điểm du lịch có sản phẩm du lịch canh nông được UBND tỉnh Lâm Đồng công nhận.
“Rào cản lớn nhất đối với hoạt động du lịch canh nông là vướng mắc về quy định. Do đó, cần sớm được tháo gỡ, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị có tiềm năng nghiên cứu áp dụng để phát triển sản phẩm du lịch canh nông theo đúng quy định của pháp luật, nhất là kịp thời hướng dẫn thực hiện Luật Đất đai năm 2024 và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai trên địa bàn tỉnh” – Bà Ngọc cho hay.
Cũng theo bà Ngọc, các vấn đề về tiêu chí về xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, tỷ lệ công trình có mái và không có mái che trên đất nông nghiệp, phi nông nghiệp. Hơn nữa, hiện nay các bộ, ngành Trung ương vẫn còn thiếu các hướng dẫn cụ thể cho địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện điểm du lịch canh nông.
Từ năm 2018 đến nay, du lịch canh nông tại Lâm Đồng thu hút hơn 10 triệu lượt khách đến tham quan. Ảnh: Lê Sơn |
Thời gian qua, không phủ nhận du lịch canh nông là một thế mạnh cho du lịch Đà Lạt, nhưng bà Trần Thị Vũ Loan - Phó chủ tịch UBND TP. Đà Lạt, cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, vướng mắc của mô hình này trên địa bàn. Thực tế các mô hình hoạt động du lịch canh nông gần như có quy hoạch đất là thuần nông nghiệp. Thậm chí, nhiều cơ sở không có một m2 đất xây dựng nào.
“Nếu làm công trình kiên cố thì vi phạm trật tự xây dựng. Còn làm công trình tạm thì Luật Xây dựng cũng không quy định rõ về việc cấp phép, thời hạn, quy mô, đối tượng thế nào. Nếu yêu cầu các điểm du lịch canh nông phải chấp hành quy định về đất đai, xây dựng thì hầu hết đều vi phạm” - bà Loan phân tích.
Do vậy, TP. Đà Lạt mong muốn các sở, ngành sẽ cùng địa phương có định hướng, hướng dẫn. Cần căn cứ vào điều kiện của địa phương, của doanh nghiệp và cả người dân có nhu cầu làm du lịch canh nông để có phương án, tiêu chí thực hiện phù hợp với thực tế.
Du lịch canh nông giải quyết việc làm cho khoảng 1.000 lao động tại các địa phương. Ảnh: Lê Sơn |
Ông Phạm S - Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng, mô hình du lịch canh nông là loại hình du lịch hấp dẫn, khai thác tiềm năng, lợi thế của Lâm Đồng. Doanh nghiệp cần đổi mới sáng tạo liên tục, vì nếu du khách đến lần thứ 2 mà không thấy điều gì mới hơn, sáng tạo hơn thì họ không quay lại nữa.
Để loại hình du lịch canh nông phát triển bền vững, không gặp rào cản, vướng mắc, ông Phạm S đã giao cơ quan chức năng nghiên cứu Luật Đất đai, Luật Du lịch và Luật Xây dựng; đặc biệt, giao Sở Tài nguyên và Môi trường căn cứ quy định, tham mưu UBND tỉnh về phương án sử dụng đất đa mục đích. Việc hướng dẫn, bộ tiêu chí quy định phải đạt yêu cầu dễ làm, dễ hiểu, dễ thực hiện và có tính khả thi cao.
Ông Phạm S cũng yêu cầu Sở VH,TT&DL xây dựng bộ tiêu chí để xây dựng du lịch canh nông. Tiêu chí này phải phù hợp điều kiện thực thế, không thách thức, không viển vông, đảm bảo cao nhất về an toàn tính mạng du khách.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đề nghị, các chủ thể làm du lịch canh nông khi thực hiện phải được cấp thẩm quyền phê duyệt. “Được duyệt thế nào thì theo quy định. Điều này là để các chủ thể làm đúng, không phải lo lắng việc bị xử phạt vi phạm hành chính”- ông S nhấn mạnh.