Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ mong có thêm thông tin thị trường Tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu: Cơ hội và thách thức với doanh nghiệp ngành điện tử |
Phát triển dưới mức kỳ vọng
Theo ông Phạm Tuấn Anh – Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam những năm gần đây đã có sự phát triển khá tích cực. Cụ thể, với ngành sản xuất lắp ráp xe ôtô, dòng xe tải dưới 7 chỗ, Việt Nam đã chủ động được hơn 70%, tỷ lệ nội địa hoá được hơn 50%. Còn các dòng xe chở người trên 10 chỗ, đã đáp ứng được nhu cầu trong nước hơn 90%, trong đó tỷ lệ nội địa hoá hơn 40%.
Toyota đã xây dựng được hệ thống 58 nhà cung cấp trong nước, trong đó có 12 nhà cung cấp là doanh nghiệp Việt Nam |
Môt số tập đoàn ôtô lớn đầu tư tại Việt Nam cũng đã xây dựng được hệ thống các nhà cung cấp trong nước, cụ thể như Toyota đã xây dựng được hệ thống 58 nhà cung cấp trong nước, trong đó có 12 nhà cung cấp là doanh nghiệp Việt Nam. Một số sản phẩm của Toyota đã đạt được tỷ lệ nội địa hoá nhất định, ví dụ dòng xe Innova có tỷ lệ nội địa hoá lên đến 40%, ngoài ra một số sản phẩm dây điện, động cơ hộp số của Việt Nam cũng xuất khẩu ra nước ngoài với tỷ lệ tương đối lớn.
Bên cạnh lĩnh vực ôtô, ngành da giày cũng có tỷ lệ nội địa hoá lên đến 40%; điện tử có tỷ lệ nội địa hoá từ 5-10%. Điều đó cho thấy, dù chưa thể đáp ứng được nhu cầu cao của những tập đoàn lớn, nhưng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam cũng đã bắt đầu có sự chuyển mình đáng ghi nhận.
Ông Phạm Tuấn Anh cho rằng, kết quả trên có được là bởi, thời gian qua Đảng, Chính phủ đã dành sự quan tâm đặc biệt đến ngành công nghiệp nói chung và công nghiệp hỗ trợ nói riêng. Cụ thể, Chính phủ đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ngành công nghiệp hỗ trợ. Cụ thể như Nghị định 111/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ. Cùng với đó, Chính phủ đã ban hành Chương trình Phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2016-2025 tại Quyết định số 68/QĐ-TTg ban hành tháng 1/2017.
Gần đây nhất, năm 2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 115/NQ-CP về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ. Bên cạnh đó, tại Luật Đầu tư, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng có những chính sách thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ, tạo hành lang pháp lý quan trọng cho lĩnh vực này phát triển.
Với những chính sách đó, nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước đã chủ động đầu tư công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn lao động để đáp ứng yêu cầu của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước đang hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. Điển hình trong số đó phải kể đến: Công ty Cơ khí chính xác và chuyển giao công nghệ PMTT Group - hiện doanh nghiệp này đang là đối tác sản xuất linh, phụ kiện cho doanh nghiệp Hàn Quốc và Nhật Bản, còn tại Việt Nam doanh nghiệp cũng đang sản xuất linh, phụ kiện cho các doanh nghiệp như Vinfast và một số doanh nghiệp của Tập đoàn Viettel. Hay như Công ty HANPO VINA cũng đang trở thành đối tác cung cấp linh, phụ kiện cho rất nhiều tập đoàn nước ngoài lớn đang hoạt động tại Việt Nam, trong đó có Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc).
Ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu |
3 nguyên nhân cản trở doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ
Mặc dù đã có sự cải thiện nhất định, nhưng nhiều ý kiến vẫn cho rằng, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam vẫn phát triển dưới mức tiềm năng và chưa đáp ứng được yêu cầu, kỳ vọng của các tập đoàn lớn trên thế giới. Đặc biệt, so với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan thì lực lượng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam còn quá mỏng.
Thừa nhận về vấn đề này, ông Phạm Tuấn Anh đã chỉ ra một số nguyên nhân khiến doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước chưa có sự bứt phá. Trong đó, nguyên nhân thứ nhất là vấn đề cơ chế, chính sách chưa đủ mạnh, còn dàn trải và thiếu tập trung.
Phân tích rõ hơn về nguyên nhân này, ông Phạm Tuấn Anh cho rằng, hiện Việt Nam có nhiều văn bản quy phạm pháp luật với ngành công nghiệp hỗ trợ, nhưng mới chỉ dừng ở mức Nghị định, chứ chưa có Luật công nghiệp hỗ trợ. Chưa kể, nội dung chính sách tại các nghị định tham chiếu đến các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành khác vẫn thiếu sự đồng bộ từ cơ quan trung ương đến địa phương, nên các chính sách hỗ trợ đưa ra nhưng doanh nghiệp cũng khó áp dụng.
Thứ 2, đội ngũ nhân lực hoạt động về công nghiệp nói chung và công nghiệp hỗ trợ tại địa phương còn hạn chế, chỉ có khoảng 5-7 người. Với lực lượng mỏng như vậy rất khó thực thi chính sách hay tư vấn cho UBND các tỉnh trong tư vấn chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Thứ 3, năng lực của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ còn hạn chế về đội ngũ lao động, khoa học công nghệ, cùng với đó dung lượng thị trường thì lại nhỏ. Bên cạnh đó, Việt Nam đã hội nhập kinh tế quốc tế với khá nhiều Hiệp định Thương mại tự do, điều này mang đến cơ hội nhưng cũng mang đến những thách thức khá lớn với doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước khi phải cạnh tranh với cả những doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ từ nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.
Theo đó, để “hoá giải” những thách thức, tạo cơ hội cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phát triển, Bộ Công Thương cho biết tới đây sẽ tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật nhằm tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Cùng với đó, tăng cường kết nối với các tập đoàn lớn, để cung cấp những thông tin cần thiết cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước phát triển.