Ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất còn rất yếu
Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khi đánh giá tác động của Covid-19 đến hoạt động của doanh nghiệp và phân tích xu hướng ứng dụng chuyển đổi số để vượt qua khó khăn cho thấy, dịch Covid-19 đã giúp các doanh nghiệp nhận thức và thúc đẩy chuyển đổi số thông qua việc ứng dụng công nghệ số.
Theo đó, chỉ trong vòng 6 tháng năm 2021, kết quả đạt được đã bằng gần một nửa số doanh nghiệp chuyển đổi số trong nhiều năm trở lại đây. Đến nay, những doanh nghiệp còn lại cũng đã bắt đầu quan tâm đến chuyển đổi số.
Tỷ lệ các doanh nghiệp lớn ứng dụng các công nghệ số cao hơn, tuy nhiên các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng đã dần bắt kịp kể từ khi có Covid-19 |
Tỷ lệ các doanh nghiệp lớn ứng dụng các công nghệ số cao hơn, tuy nhiên các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng đã dần bắt kịp kể từ khi có Covid-19. Giảm chi phí là kỳ vọng lớn nhất của các doanh nghiệp trong ứng dụng công nghệ số. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng mong muốn có thể giảm tiếp xúc trực tiếp, giảm giấy tờ, phát triển kinh doanh hiệu quả, ít nhân viên hơn, xử lý sự cố nhanh hơn, nâng cao hiệu quả marketing,... Trong đó, các doanh nghiệp lớn kỳ vọng vào kết quả của chuyển đổi số bằng ứng dụng công nghệ số nhiều hơn.
Các doanh nghiệp đã ứng dụng công nghệ số vào các vấn đề như mua hàng, bán hàng, quản trị nội bộ, logistics, sản xuất và marketing. Trong đó, có các hoạt động như sử dụng thương mại điện tử, mạng xã hội, thanh toán điện tử, sử dụng các phần mềm quản lý nhân sự từ xa, quản lý chứng từ, kho hàng,... Tuy nhiên, việc ứng dụng trong sản xuất thì còn rất yếu, như ứng dụng thiết bị IoT, rô bốt, dây chuyền tự động hoá hay hệ thống điều hành sản xuất nhà máy,...
Khảo sát cũng chỉ ra chuyển đổi số trong doanh nghiệp còn có nhiều rào cản. Cụ thể Chi phí ứng dụng công nghệ số cao; thiếu cơ sở hạ tầng; sợ rò rỉ dữ liệu cá nhân, doanh nghiệp; khó khăn trong thay đổi tập quán kinh doanh; khó khăn trong việc tích hợp các công cụ công nghệ thông tin; các quy tắc, quy định không phù hợp với số hoá; thiếu cam kết, hiểu biết của người lao động;...
Trong khi các doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn nhiều hơn liên quan đến các vấn đề nguồn lực nội bộ, thì các doanh nghiệp lớn lo sợ nhiều hơn đến các vấn đề bên ngoài khi ứng dụng công nghệ số.
Doanh nghiệp cần hiểu đúng để làm trúng
Khẳng định chuyển đổi số là quá trình không thể đảo ngược, đặc biệt là trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp và Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ. Tại Diễn đàn “Tiếp cận mới về chuyển đổi số doanh nghiệp - hiểu đúng, để làm trúng” diễn ra ngày 23/12, ông Nguyễn Trọng Đường - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Doanh nghiệp (Bộ Thông tin và Truyền thông) - cho rằng, các doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt cơ hội chuyển đổi số thành công để không tụt hậu, lệ thuộc. Và để làm được điều này, các doanh nghiệp cần chú trọng sự thay đổi trong quy trình, nhận thức, thói quen chứ không chỉ riêng vấn đề công nghệ.
Diễn đàn “Tiếp cận mới về chuyển đổi số doanh nghiệp - hiểu đúng, để làm trúng” |
Cũng theo ông Nguyễn Trọng Đường, để chuyển đổi số toàn diện các doanh nghiệp cần thay đổi tư duy nhận thức. Đồng thời tích cực tham gia nhiều chương trình hỗ trợ chuyển đổi số, cũng như định kỳ đánh giá, xác định đúng mức độ chuyển đổi số của doanh nghiệp để cập nhật kế hoạch và lộ trình trong giai đoạn tới.
Theo thống kê của Hội các nhà Quản trị doanh nghiệp Việt Nam đến thời điểm này có đến 90% doanh nghiệp chuyển đổi số không thành công. Ông Nguyễn Đức Thuận- Phó Chủ tịch Hội các nhà Quản trị doanh nghiệp Việt Nam cho biết, các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số gắn với quản trị doanh nghiệp trong 3 trụ cột chính là tài chính, nguồn nhân lực và maketting. Một doanh nghiệp có quản trị tốt hay không sẽ phụ thuộc vào ba trụ cột này.
Đưa ra giải pháp giúp hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số thành công, ông Nguyễn Đức Thuận cho rằng, cần xây dựng hệ thống tài liệu để hướng dẫn các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần hình thành hệ thống tổ chức điều phối mạng lưới để doanh nghiệp xây dựng chuyển đổi số. Hỗ trợ, đào tạo lại nhân lực khi tham gia chuyển đổi số. Khi tiến hành chuyển đổi số, doanh nghiệp cần có hệ thống chuyên gia để tư vấn. Mặt khác, hỗ trợ, dùng các phương pháp công nghệ, công cụ công nghệ gắn với chuyển đổi số được đánh giá là giải pháp quan trọng nhất giúp chuyển đổi số thành công.
Ngoài ra, khi tiến hành chuyển đổi số, hệ thống chuyên gia, doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước phải luôn luôn tạo sự hỗ trợ lẫn nhau, thúc đẩy các giải pháp chuyển đổi số với năng lực doanh nghiệp, đánh giá xem mình đặt mức độ nào theo tiêu chí đề ra.
TS. Lương Minh Huân- Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp (VCCI)- đề xuất, cần cho phép doanh nghiệp truy cập thông tin trên nền tảng các giải pháp kỹ thuật hiện có; tạo thêm cơ hội kết nối kinh doanh với các nhà cung cấp giải pháo lỹ thuật số; hài hoà các quy tắc và quy định về công nghệ số trong khu vực ASEAN; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực nội bộ doanh nghiệp; minh bạch hoá các quy tắc và quy định về quản lý dữ liệu cá nhân, doanh nghiệp; hỗ trợ tài chính trong việc ứng dụng công nghệ số; hỗ trợ chuỗi cung ứng linh hoạt, minh bạch hơn; xây dựng các quy tắc, quy định để thúc đẩy việc kinh doanh không dùng giấy tờ.
Chuyển đổi số giúp phát triển mô hình kinh doanh, sáng tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới và giúp nâng cao hiệu quả quản trị, sử dụng tài nguyên và khả năng ra quyết định. Hiện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang đẩy mạnh triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025. Sau 1 năm triển khai, đã có đến hàng triệu lượt tiếp cận các hoạt động, thông tin từ Chương trình. Trong năm 2022, Chương trình sẽ tập trung hỗ trợ bắt đầu chuyển đổi số cho có quy mô nhỏ, những doanh nghiệp bắt đầu chuyển đổi số, ngân sách nhà nước dành một phần kinh phí từ 20 - 50 triệu đồng/doanh nghiệp/năm. Tăng tốc chuyển đổi số cho các doanh nghiệp đang tăng trưởng, hỗ trợ không quá 100 triệu đồng/năm đối với các đối tượng doanh nghiệp vừa. Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số hướng đến thị trường xuất khẩu, hỗ trợ tối đa 50% kinh phí khởi tạo, duy trì tài khoản trên các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới.