Trong đó có tới 1.993 kiến nghị (chiếm 95% tổng số kiến nghị cử tri) quan tâm tới công tác điều hành của Chính phủ tập trung vào 9 nhóm vấn đề như: nông nghiệp, nông thôn; giải quyết việc làm, an sinh xã hội; văn hóa, giáo dục, y tế; kế hoạch, đầu tư, tài chính, ngân hàng; sản xuất, kinh doanh, quản lý thị trường; giao thông vận tải, xây dựng; tài nguyên và môi trường; tinh giản biên chế, cải cách thủ tục hành chính; quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Cho đến nay, trong số 1.993 kiến nghị của cử tri, Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ... đã trả lời bằng việc cung cấp thông tin 1.474 kiến nghị (chiếm 73,96%); tiếp thu, giải quyết xong 162 kiến nghị (chiếm 8,13%) và còn 357 kiến nghị (chiếm 17,91%) đang được nghiên cứu để giải quyết.
Báo cáo giám sát của Ban dân nguyện cũng ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ, các Bộ ngành trong việc tiếp nhận, giải quyết các kiến nghị của cử tri. Đối với nhóm kiến nghị về sản xuất, kinh doanh, quản lý thị trường, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành có liên quan đã trả lời cử tri về: quy định doanh nghiệp, hợp tác xã, các đơn vị liên quan tham gia chương trình bình ổn thị trường; kiểm soát hoạt động nhập khẩu qua đường tiểu ngạch và tạm nhập, tái xuất các mặt hàng nông sản; phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; về thực hiện việc thông tin, thông báo, cảnh báo xả lũ, xả nước phát điện,...
Bộ Công Thương cũng đã nghiên cứu, giải quyết xong các ý kiến của cử tri Thừa Thiên - Huế, Bắc Giang về những bất cập trong việc cấp giấy chứng nhận đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài, cụ thể: Nghị định số 23/2007/NĐ-CP ngày 12/2/2007 quy định cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư phải lấy ý kiến của Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương); còn Nghị định 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư (2014) quy định nhà đầu tư có hồ sơ hợp lệ, mục tiêu của dự án không thuộc ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh và dự án đáp ứng điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài thì được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Nhận thấy kiến nghị của cử tri có căn cứ, Bộ đã nghiên cứu, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 09/2018/NĐ-CP ngày 15/01/2018 quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại và Luật Quản lý ngoại thương, trong đó đã quy định thống nhất cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép kinh doanh, giấy phép lập cơ sở bán lẻ và quản lý sau cấp phép là Sở Công Thương,... kịp thời tháo gỡ vướng mắc cho nhiều nhà đầu tư.
Đánh giá về công tác giải quyết kiến nghị cử tri của Chính phủ, các Bộ, ngành đã được 59/59 đoàn đại biểu Quốc hội đánh giá cao, tất cả các ý kiến nhận xét đều cho rằng đã có sự thay đổi, chuyển biến rõ rệt về chất lượng giải quyết cũng như nội dung, số lượng các văn bản trả lời, bảo đảm kịp thời, đầy đủ. Nhiều Bộ, ngành đã được một số đoàn đại biểu Quốc hội khen ngợi, đánh giá cao vì đã rất tích cực giải quyết một số kiến nghị cụ thể của cử tri tại địa phương, như các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Công Thương; Giao thông Vận tải; Tài chính; Lao động Thương binh và Xã hội; Thông tin và Truyền thông; một số Bộ, ngành có số lượng kiến nghị cử tri nhiều, khối lượng công việc cần xem xét, giải quyết rất lớn nhưng Bộ trưởng đã dành nhiều thời gian trực tiếp chỉ đạo, giải quyết và ký toàn bộ văn bản trả lời cử tri nên chất lượng trả lời, số lượng các vấn đề được giải quyết dứt điểm khá nhiều, được cử tri đồng tình nhất trí, điển hình là Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (208 kiến nghị), Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (171),... Đặc biệt, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Y tế, cùng với việc trả lời kiến nghị cử tri còn cung cấp thêm số điện thoại nóng (ngay trong văn bản trả lời cử tri) để kịp thời tiếp nhận, xử lý những vấn đề vướng mắc mà cử tri kiến nghị.
Theo đánh giá của các đoàn đại biểu Quốc hội, điểm nhấn trong công tác giải quyết kiến nghị cử tri của các Bộ, ngành kỳ này là có đến 83,5% (298/357) các kiến nghị chưa thể giải quyết được ngay đều đã được các Bộ, ngành xây dựng lộ trình giải quyết (tăng 4 lần so với kỳ trước), đây là một nỗ lực lớn, đáng ghi nhận, thể hiện tinh thần Chính phủ phục vụ, Chính phủ hành động,..
Việc giải quyết kiến nghị về tính hiệu quả của các chính sách đầu tư cho nông nghiệp; các giải pháp để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đã được Chính phủ đặc biệt quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năng động, linh hoạt trong triển khai thực hiện, đã phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các Bộ: Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính,... trình Chính phủ ban hành nhiều cơ chế, chính sách, đề ra nhiều giải pháp rất hiệu quả, nên tăng trưởng của khu vực nông nghiệp quý I/2018 đạt 3,76%, cao nhất trong 12 năm qua; tiếp thu kiến nghị của cử tri nhiều tỉnh, thành phố,... ngày 9/4/2018, Thủ tướng lần đầu tiên đã có buổi đối thoại trực tiếp với hơn 500 nông dân.
TIN LIÊN QUAN | |