Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh |
Đồng tình với những nội dung trong Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại DN và cổ phần hoá giai đoạn 2011-2016 đối với các DNNN nói chung và DN thuộc Bộ Công Thương nói riêng, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng, những nội dung lớn liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của DNNN cũng như thực hiện vốn chủ sở hữu Nhà nước đối với DNNN ngành Công Thương cũng đã có sự phân tích làm rõ và minh họa cụ thể.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc quản lý, sử dụng vốn tại các DNNN giai đoạn vừa qua bao gồm: Thứ nhất, về thể chế và quy phạm pháp luật mặc dù liên tục được cải tiến, điều chỉnh và bổ sung trên cơ sở thực tiễn cũng như từ nghiên cứu, kinh nghiệm. Tuy nhiên, hàng loạt văn bản luật và dưới luật vẫn còn những xung đột, thậm chí còn có những khoảng trống dẫn đến hiệu quả hoạt động của các DNNN cũng như quản lý phần vốn DNNN trong thời gian vừa qua còn nhiều khó khăn và bất cập. Trong đó, có sự chồng chéo giữa quản lý Nhà nước, sự chồng lấn trong quản lý Nhà nước giữa các Bộ, ngành với vai trò quản trị hay chủ quản của các DNNN. Điều này dẫn đến hiện tượng kép, một mặt hoạt động của các DNNN thiếu sự tự chủ, (do chịu sự can thiệp của các cơ quan quản lý nhà nước, của cơ quan hành chính). Mặt khác, bản thân đội ngũ quản trị DNNN có tâm lý né tránh và đẩy trách nhiệm lên cho các cơ quan quản lý Nhà nước.
Thứ hai, vẫn còn tình trạng vừa đá bóng, vừa thổi còi. Hàng loạt chủ trương lớn được phê duyệt bởi các cơ quan Nhà nước nên chất lượng dự án đầu tư không đảm bảo hiệu quả. Có dự án quy mô đầu tư lớn nhưng chất lượng không cao và quá trình thực hiện mất vốn, lãng phí, sai phạm. Phình to của bộ máy, quan liêu hóa DNNN không đáp ứng được diễn biến nhanh của thị trường thế giới.
Thứ ba, với cơ chế quản lý chồng lấn như hiện nay dẫn đến tình trạng cố tình làm sai và xảy ra những vi phạm, điển hình là 12 dự án thua lỗ kém hiệu quả, trong số này có nhiều dự án phản ánh đúng tình trạng quản lý vốn, quản trị DN yếu kém. Như vậy, không chỉ lãnh đạo các DN này mà cán bộ quản lý Bộ, ngành cũng phải chịu trách nhiệm, kể cả hình sự.
Bày tỏ sự đồng tình với các giải pháp của Quốc hội nêu, song Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng góp ý thêm quan điểm về góc độ quản lý ngành Công Thương. Theo đó, cần phải đẩy nhanh hơn nữa tiến độ, để hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp lý trong quản lý vốn Nhà nước. Tuy nhiên, trong hoạt động điều hành của Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước cũng cần phải quán triệt rõ những nguyên tắc chỉ đạo của Đảng và Nhà nước trong kinh tế Nhà nước nhằm đảm bảo vai trò chủ đạo trong kinh tế Nhà nước nhưng đồng thời vẫn gắn với nguyên tắc thị trường. Bên cạnh đó, cũng cần phải xác định rõ hiệu quả của hoạt động, để không phải là thoái vốn bán đi DN hiệu quả để lấy tiền đầu tư vào các lĩnh vực khác không đem lại hiệu quả.
Trong vấn đề cổ phần hóa DNNN, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, cần phải làm rõ các nguyên tắc cơ bản để đảm bảo khai thác và quản lý vốn Nhà nước có hiệu quả cao nhất.
"Khi giữ vốn quá cao sẽ không đảm bảo được mục tiêu thoái vốn trong các DN gắn với phát triển bền vững và lợi ích toàn diện của DN cũng như đóng góp cho nền kinh tế, xã hội. Nhưng nếu duy trì vốn Nhà nước ở mức tối thiểu thì hoàn toàn không có ý nghĩa và giá trị gì trong việc đảm bảo lợi ích của Nhà nước vì chúng ta không giữ được vai trò chi phối” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Về định hướng trong công tác quản lý, cổ phần hóa các doanh nghiệp của ngành Công Thương trong thời gian tới, Bộ trưởng cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan để thực hiện các chỉ đạo của Nhà nước, đặc biệt cả về mặt thể chế, pháp lý để hoàn thiện các quy phạm pháp luật về quản lý vốn, cổ phần hóa DNNN; làm rõ các nguyên tắc cơ bản đảm bảo khai thác, sử dụng tốt nguồn vốn đang đầu tư hiệu quả; phân định rạch ròi giữa quản lý Nhà nước với quản trị DN. Tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý, đảm bảo phát triển bền vững kinh tế trong nước, cam kết hội nhập để DNNN, tư nhân khai thác được cơ hội thị trường.
TIN LIÊN QUAN | |