Hé lộ những lý do có thể lạc quan hơn về tương lai khí hậu toàn cầu Giảm phát thải cho thành phố Hồ Chí Minh: Nên bắt đầu từ đâu? |
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã cam kết số vốn tài trợ khí hậu ở mức kỷ lục với 10 tỷ USD, nhằm giúp các quốc gia thành viên đang phát triển tại châu Á và Thái Bình Dương cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính và thích ứng với tác động của một hành tinh đang ấm lên.
Năm ngoái, ADB đã cam kết 9,8 tỷ USD tài trợ khí hậu từ nguồn vốn của mình, gồm 5,5 tỷ USD cho giảm nhẹ và 4,3 tỷ USD cho thích ứng, tăng hơn 46% so với các cam kết tài trợ khí hậu năm 2022.
Biến đổi khí hậu tác động nặng nề đến cuộc sống của người dân |
Với các cam kết tài trợ thích ứng khí hậu của ngân hàng trong năm 2023, ADB đã cung cấp lũy kế hơn 10,4 tỷ USD tài trợ thích ứng khí hậu trong giai đoạn từ năm 2019 đến 2023, vượt mục tiêu 9 tỷ USD cho giai đoạn 2019–2024 sớm một năm. Tài trợ thích ứng biến đổi khí hậu là rất quan trọng ở châu Á và Thái Bình Dương, nơi đang phải hứng chịu nhiều đợt nắng nóng, hạn hán và mưa lớn hơn, trong khi đầu tư cho thích ứng biến đổi khí hậu vẫn chỉ chiếm tỉ lệ rất nhỏ so với nhu cầu.
Chủ tịch ADB, ông Masatsugu Asakawa, nhận định: “Biến đổi khí hậu đe dọa tương lai của mọi công cuộc phát triển. Năm 2023 là năm nắng nóng kỷ lục, với hàng loạt tác động khí hậu cực đoan gây chết người trong khu vực của chúng ta. Cuộc khủng hoảng này đe dọa an ninh năng lượng và lương thực, đồng thời tạo ra những thách thức tài chính. Với vai trò là ngân hàng khí hậu cho châu Á và Thái Bình Dương, ADB cam kết sâu sắc vào việc giúp các quốc gia thành viên đang phát triển loại bỏ nhiên liệu hóa thạch khỏi nền kinh tế, tiến triển theo lộ trình chuyển dịch năng lượng và đạt được các mục tiêu phát thải ròng bằng không”
Châu Á và Thái Bình Dương tạo ra hơn một nửa lượng khí thải carbon toàn cầu, đồng thời cũng rất dễ bị tổn thương trước những tác động của biến đổi khí hậu. Khu vực này cần đầu tư ước tính khoảng 3,1 nghìn tỷ USD mỗi năm chỉ cho các công trình năng lượng và giao thông để đạt mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050, cao hơn khoảng 50% so với mức hiện tại.
Là ngân hàng khí hậu của châu Á và Thái Bình Dương, ADB đặt mục tiêu cung cấp 100 tỷ USD tài trợ khí hậu từ nguồn vốn riêng của ngân hàng trong giai đoạn từ năm 2019 tới 2030. Trong năm 2022, ADB đã cam kết 6,7 tỷ USD tài trợ khí hậu từ nguồn vốn của mình, trong đó gồm 4 tỷ USD cho giảm nhẹ và 2,7 tỷ USD cho thích ứng biến đổi khí hậu.
Các dự án khí hậu trọng điểm của ADB trong năm 2023 bao gồm khoản vay chính sách trị giá 400 triệu USD để giúp Bangladesh thực hiện kế hoạch thích ứng quốc gia và theo đuổi kế hoạch phát triển tập trung vào khí hậu; khoản vay 1 tỷ USD để giúp triển khai hệ thống xe buýt điện quy mô lớn đầu tiên của Philippines tại thành phố Davao; và khoản viện trợ trị giá 18 triệu USD từ Quỹ Phát triển châu Á (ADF) để cải thiện khả năng thích ứng, tính bao trùm và bền vững của các dịch vụ cấp nước và vệ sinh ở Liên bang Micronexia. Quỹ ADF cung cấp viện trợ cho các quốc gia thành viên đang phát triển có thu nhập thấp hơn của ADB nhằm thúc đẩy giảm nghèo và cải thiện chất lượng cuộc sống.
ADB cam kết đạt tới một khu vực châu Á và Thái Bình Dương thịnh vượng, đồng đều, thích ứng và bền vững, trong khi duy trì nỗ lực xóa nghèo cùng cực.