Kết quả nghiên cứu gần nhất do Viện Môi trường - Tài nguyên (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) công bố cho thấy, trung bình mỗi năm, tổng phát thải khí nhà kính trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh hơn 60 triệu tấn CO2.
Trong đó, có 3 nguồn thải chính là từ hoạt động công nghiệp (khoảng gần 20 triệu tấn CO2), giao thông (khoảng hơn 13 triệu tấn CO2), còn lại là sinh hoạt và các hoạt động khác. Đồng thời, thành phố Hồ Chí Minh cũng đang phải đối mặt trước những ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, thiếu hụt nguồn lực và khủng hoảng kinh tế.
Hoạt động giao thông gây phát thải khoảng 13 triệu tấn CO2 ở thành phố Hồ Chí Minh |
Cùng với xu hướng chung của thế giới, thành phố Hồ Chí Minh cũng đã chọn tăng trưởng xanh là chiến lược phát triển tương lai, ưu tiên hàng đầu nhằm đạt được sự thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội, hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.
Để thực hiện mục tiêu đó, ngày 24/1/2024 vừa qua tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vì phát triển tăng trưởng xanh thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi cho biết, thành phố đã đặt ra mục tiêu giảm phát thải 10% vào năm 2030 trong Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 – 2030.
Vậy để đạt mục tiêu tăng trưởng xanh, giảm phát thải khí nhà kính, thành phố Hồ Chí Minh cần phải có những bước đi và giải pháp như thế nào? Phóng viên Vuasanca đã có cuộc trao đổi với ông Lê Ngọc Ánh Minh, Chủ tịch CLB Hydrogen Vietnam ASEAN. Ông Minh có 28 năm kinh nghiệm quản lý và phát triển dự án quy mô lớn tại Việt Nam, đồng thời, ông Minh còn là chuyên gia đầu tư cơ sở hạ tầng tại Việt Nam, người sáng lập Câu lạc bộ Nông nghiệp Sạch và Sáng tạo Việt Nam (VCAC), trưởng đại diện Phòng Thương mại BRICS-ASEAN tại Việt Nam và người sáng lập Câu lạc bộ Hashi Manpower (Câu lạc bộ Hydrogen Việt Nam Asean).
Thưa ông, với mục tiêu giảm phát thải 10% vào năm 2030, vậy theo ông thành phố Hồ Chí Minh nên thay đổi điều gì đầu tiên?
Như chúng ta đã biết, cùng với các hoạt động sản xuất, thì giao thông hiện đang chiếm tỷ trọng phát thải lớn đối với thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và các đô thị lớn hiện nay nói chung. Nên theo tôi, vấn đề đầu tiên mà thành phố cần thực hiện đó là: Giảm tối đa hội nghị, hội thảo quy mô lớn để dành thời lượng điều hành, thực hiện các dự án trọng điểm.
Ông Lê Ngọc Ánh Minh - Chủ tịch CLB Hydrogen Vietnam ASEAN |
Khi COP28 tổ chức tại Dubai, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, các nhà hoạt động môi trường đã chỉ ra rất rõ ràng rằng lượng khí thải tăng mạnh tại Dubai ở thời điểm tổ chức Hội nghi này. Nguyên do là các nhà lãnh đạo, các ông chủ tập đoàn đi chuyên cơ riêng đến dự hội nghị và máy bay là phương tiện phát thải rất cao.
Để giảm phát thải theo lộ trình tiến đến net-zero vào 2050, các đô thị lớn như thành phố Hồ Chí Minh có thể cân nhắc các chương trình hành động mang tính ‘thực chiến và tiết giảm tối đa việc tổ chức nhiều hội nghị trong nước cũng như quốc tế. Hoạt động này sẽ phát thải rất cao vì lượng điện năng tiêu thụ lớn, các khách mời đến dự sử dụng phương tiện máy bay, hoặc đi ô tô về họp gây phát thải thậm chí gây tắc đường đối với phương tiện ô tô...
Để hướng đến nền kinh tế xanh, tăng trưởng xanh và giảm phát thải, Thành phố có thể mạnh dạn thay đổi phương pháp làm việc hiệu quả như tăng thời gian làm việc dự án thực tế và giảm tối đa thời gian cho hội họp, hội nghị, hội thảo.
Khi di chuyển qua các con đường nội đô dịp cận tết hoặc các tuyến quốc lộ kết nối về tỉnh dịp trước và sau tết, chúng ta thấy rõ là giao thông bị quá tải, tắc nghẽn mà người làm chuyên môn cũng như lãnh đạo chuyên trách chưa ra được giải pháp thực tế để hóa giải.
Một số gợi ý về phương thức hội nghị "thực chiến": Nếu làm hội nghị về hạ tầng hay cầu đường thì có thể dựng rạp giống rạp khởi công dự án rồi tổ chức hội thảo về cầu đường ngay tại con đường hoặc cây cầu dở dang bị chậm tiến độ, hoặc nơi chưa giải phóng mặt bằng, hoặc ngay điểm nóng ùn tắc giao thông liên tục.
Các đại biểu vừa thảo luận vừa có cái nhìn thực tế ngay tại công trường đó để cùng ra hướng xử lý. Sau hội thảo trực tiếp tại công trường như vậy, lãnh đạo lắng nghe các giải pháp rồi kết luận luôn các hướng tháo gỡ để triển khai và chốt luôn thời gian hoàn thành dự án với một bản tiến độ cụ thể và cử cán bộ giám sát theo dõi việc thực hiện tiến độ.
Cách làm ‘thực chiến’ như vậy sẽ giúp Thành phố thực sự giảm phát thải vì khi một con đường làm dở dang, làm hoài không biết khi nào xong như đường Lương Định Của ở Thành phố Thủ Đức, nó làm gia tăng phát thải do các tuyến nối vào con đường này luôn luôn ùn tắc và chúng tạo ra lượng khí thải gấp nhiều lần. Có một quy tắc dễ nhận ra là kẹt xe không chỉ gây thiệt hại về GDP như Ngân hàng Thế giới chỉ ra mà kẹt xe sẽ làm tăng rất mạnh phát thải và ô nhiễm không khí. Khi các dự án hạ tầng chưa được tháo gỡ và thúc đẩy tiến độ, hệ thống giao thông công cộng chưa có thì các mục tiêu giảm phát thải là rất khó thực hiện được.
Vậy đối với hệ thống giao thông thì sao thưa ông, theo ông thành phố cần có sự chuyển đổi như thế nào để giảm phát thải trong lĩnh vực này?
Thay đổi phương pháp làm việc, hạn chế phải di chuyển trên đường chỉ là một trong những giải pháp tổng thể. Theo tôi Thành phố cần đầu tư làm bãi đỗ xe, phủ thêm xe buýt xanh (điện, nhiên liệu sạch, khí hóa lỏng) và tăng tốc đầu tư metro.
Thông thường thì ở một đô thị đông dân như Thành phố Hồ Chí Minh muốn giảm phát thải thì hệ thống giao thông công cộng phải được bao phủ từ xe buýt điện đến metro. Hiện tại các hệ thống này chưa có hoặc có nhưng tần suất hoạt động nhỏ giọt (như VinBus).
Bãi đỗ xe thông minh của Nhật Bản không chiếm nhiều diện tích, tự động hoàn toàn và có thể chứa được vài chục ô tô (Ảnh: AM) |
Thành phố cần cân nhắc ra cơ chế chuyển đổi năng lượng cho xe buýt, sử dụng nhiên liệu sinh học, khí đốt, loại trừ hết xe chạy dầu và tăng xe buýt điện. Việc này cần làm khẩn trương trong thời gian sớm nhất để giảm phát thải.
Hiện tại việc đi lại của cư dân đô thị dựa trên phương tiện cá nhân là chính và các phương tiện này dùng nhiên liệu hóa thạch, mỗi ngày số phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch đăng ký mới lại tăng trưởng cao, điều đó làm cho Thành phố đang tăng phát thải chứ không hề giảm phát thải. Cần thiết lập chính sách ưu đãi cho xe nhiên liệu sạch, xe điện và tăng thuế đối với xe phát thải cao.
Thành phố hiện có các quỹ đất lớn nhỏ tại các quận huyện. Có thể bắt tay với các chuyên gia và các tập đoàn quốc tế chuyên về bãi đỗ xe thông minh để quy hoạch hệ thống đỗ xe tiện lợi trên các quỹ đất công lớn nhỏ tại các quận huyện.
Đơn cử như mô hình bãi đỗ xe nhỏ gọn và tự động như các đô thị Tokyo đến các bãi đỗ xe cao tầng tùy thuộc vào diện tích của khu đất.
Khi Thành phố sớm thực hiện quy hoạch bãi đỗ xe trên các diện tích đất công lớn nhỏ để tạo lập các bãi đỗ xe lớn nhỏ trên các khu đất công, cư dân có thể dễ dàng tìm ra nơi đỗ xe gần nhất thông qua apps chỉ dẫn và hạn chế tối đa việc đỗ xe trên lề đường. Đỗ xe bên lề đường gây cản trở giao thông, ảnh hưởng mỹ quan đô thị và làm tăng phát thải do các tuyến đường này dễ bị kẹt xe.
Lãnh đạo Thành phố hiện đang bàn bạc và lắng nghe ý kiến chuyên gia về việc đầu tư mạng lưới metro nội đô. Làm cách nào để triển khai đầu tư xây dựng hệ thống metro (200km) nhanh thần tốc để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân Thành phố?
Ngoài việc tổ chức các hội thảo cùng các chuyên gia trong nước và quốc tế để bàn bạc, Thành phố có thể tham khảo thủ đô Bình Nhưỡng làm metro: CHDCND Triều Tiên xây dựng tuyến metro đầu tiên vào năm 1965 và đến năm 1969 đã đưa vào khai thác. Thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên khi ấy khai thác sức mạnh của các nước Xã hội chủ nghĩa anh em như Trung Quốc và Liên Xô và hoàn thành các tuyến metro mang tính cạnh tranh với Hán Thành (Seoul) về tiến độ thực hiện.
Nhà ga metro ở Thủ đô Bình Nhưỡng (Ảnh: AM) |
Thành phố có thể tham khảo phương pháp làm này để huy động nguồn lực không chỉ trong nước hoặc chỉ giới hạn bởi một quốc gia cấp viện trợ mà có thể tổng hợp nguồn lực của các nước đã có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam để hỗ trợ thực hiện mạng lưới metro một cách thần tốc như Triều Tiên đã làm trước đây.
Vì sao lấy tham khảo là Bình Nhưỡng mà không phải là Tokyo hay quốc gia hiện đại khác? Vì xuất phát điểm của Bình Nhưỡng là ở môi trường kinh tế khó khăn mà họ có thể huy động nguồn lực trong và ngoài nước làm thành công trong thời gian ngắn nhất và đó là một minh chứng tạo động lực cho Việt Nam tham khảo thực hiện.
Nhiên liệu xanh cho vận tải chúng ta đã triển khai được khá lâu rồi, vậy theo ông chính quyền cần làm gì để thúc đẩy các phương tiện sử dụng nhiên liệu xanh?
Một giải pháp cũng rất quan trọng và được đánh giá đóng vai trò then chốt trong giảm phát thải khí nhà kính đó là nhiên liệu xanh cho hoạt động giao thông. Do vậy, thành phố cần đẩy mạnh sử dụng nhiên liệu xanh để giảm phát thải, hợp tác nghiên cứu ứng dụng chuyển đổi nhiên liệu vận tải.
Khi vào trạm đổ xăng, chúng ta dễ thấy gần như không có khách ghé trụ xăng E5 (xăng sinh học trộn 5% vào xăng truyền thống làm tăng công suất và giảm phát thải) để nạp nhiên liệu cho xe của mình.
Thành phố có thể ra chính sách ưu đãi, khuyến khích người dân sử dụng nhiên liệu sinh học và các chương trình truyền thông tuyên truyền về việc sử dụng xăng sinh học giảm phát thải, tăng tuổi thọ động cơ.
Từ tháng 1 năm 2023, Hãng xe buýt Go-ahead của Singapore đã lắp thí điểm tích hợp solar áp mái vào 50 xe buýt và các xe này chạy hoàn toàn bằng năng lượng mặt trời được tích hợp trên mái (Ảnh:AM) |
Vì khi phát thải nhiều thì toàn bộ cư dân của Thành phố đều chịu ảnh hưởng về vấn đề hô hấp, sức khỏe. Các hãng taxi truyền thống và công nghệ nên được khuyến khích và cơ chế để khai thác xe điện hoặc chuyển đổi chạy xăng qua khí hóa lỏng như Bangkok làm rất tốt. Xe chạy bằng khí hóa lỏng sẽ làm giảm đáng kể khói thải độc hại ra môi trường.
Thành phố có thể đàm phán với các hãng sản xuất ô tô, các nhà sản xuất xăng sinh học để cùng tạo lập hệ sinh thái từ khâu sản xuất, tiêu thụ ô tô, tiêu thụ xăng sinh học và bảo trì ô tô sử dụng xăng sinh học với cơ chế phối hợp tốt.
Cần làm các định nghĩa đổi mới về ‘đô thị thông minh’: Một đô thị thông minh là đô thị mà người dân và doanh nghiệp có thể tương tác, phối hợp với nhau chặt chẽ để tạo môi trường sống đảm bảo sức khỏe tốt: Nhà sản xuất xăng sinh học bắt tay với nhà sản xuất ô tô xe máy, nhà buôn bán ô tô xe máy phối hợp tốt với bên bán lẻ xăng dầu sinh học để đảm bảm cung ứng, bảo trì phương tiện sử dụng nhiên liệu sinh học hiệu quả và chế độ bảo trì tốt.
Ngoài ra, có thể tham khảo Singapore, đã có phương tiện xe buýt công cộng sử dụng điện mặt trời áp mái trên nóc xe. Thành phố có thể chỉ đạo các trường đại học nghiên cứu ứng dụng tích hợp điện mặt trời vào xe buýt và nghiên cứu ứng dụng chuyển đổi nhiên liệu sạch như hydrogen, xăng sinh học cho ô tô và xe máy sử dụng động cơ nhiên liệu hóa thạch.
Khi nghiên cứu ứng dụng chuyển đổi dạng này thành công thì người dân đang sở hữu ô tô xe máy nhiên liệu hóa thạch dễ dàng tiếp cận nhiên liệu sạch mà không phải tốn chi phí mua sắm lại ô tô điện hoặc ô tô động cơ pin nhiên liệu hydrogen.
Xin cảm ơn ông!