Hàng năm, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch về việc triển khai Tháng hành động ATVSLĐ, cải thiện điều kiện lao động và kiểm soát các nguy cơ rủi ro an toàn lao động tại nơi làm việc. UBND tỉnh yêu cũng cầu hoạt động của Tháng hành động ATVSLĐ được tổ chức hiệu quả, phù hợp với điều kiện lao động, sản xuất. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao ý thức, nhận thức cho người sử dụng lao động và người lao động trong việc thực hiện công tác ATVSLĐ. Kiên quyết xử lý nghiêm, kịp thời các doanh nghiệp, cá nhân vi phạm ATVSLĐ.
Tập huấn an toàn lao động được các cấp, ngành, doanh nghiệp trên địa bàn chú trọng thực hiện |
Với vai trò là cơ quan trực tiếp quản lý và chịu trách nhiệm về vấn đề an toàn lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thanh Hóa thường xuyên tổ chức tập huấn công tác ATVSLĐ; xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động cho lãnh đạo và người phụ trách lao động làm công tác ATVSLĐ của các doanh nghiệp trên địa bàn. Lớp tập huấn nhằm mục đích thông tin tuyên truyền chính sách, chế độ, quy định, tiêu chuẩn về ATVSLĐ, các yếu tố liên quan đến việc duy trì sức khỏe người lao động cho người sử dụng, phụ trách lao động hiểu, áp dụng trong đơn vị mình. Từ đó, phát huy năng lực của doanh nghiệp trong việc tự cải thiện điều kiện lao động, bảo đảm ATVSLĐ của đội ngũ làm công tác an toàn lao động tại cơ sở. Nâng cao năng lực tự kiểm tra về ATVSLĐ của đội ngũ làm công tác an toàn động. Đồng thời thông tin cho doanh nghiệp về nguyên tắc, đối tượng và hành vi vi phạm hành chính liên quan đến pháp luật về lao động, mức xử phạt của từng hành vi vi phạm…
Bên cạnh đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội còn phối hợp với y tế cơ sở tổ chức kiểm tra, hướng dẫn công tác vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe cho người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp; hướng dẫn doanh nghiệp lập hồ sơ quản lý sức khoẻ người lao động, khám phân loại sức khoẻ trước khi tuyển dụng. Hoạt động này nhằm mục đích thúc đẩy các chương trình, hoạt động cụ thể để phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cải thiện điều kiện lao động trong các doanh nghiệp; nâng cao ý thức, nhận thức cho người sử dụng lao động, người lao động trong việc thực hiện Luật ATVSLĐ. Qua các đợt huấn luyện đã góp phần nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ quản lý và kỹ năng nghiệp vụ công tác ATVSLĐ của vệ sinh viên, thực hiện mục tiêu: “An toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn”, xây dựng môi trường lao động “Xanh - sạch - đẹp”, giúp người lao động yên tâm công tác, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của đơn vị.
Với những nỗ lực chung của các cấp, ngành và doanh nghiệp, cũng như nhận thức của mỗi người dân, thời gian qua, Thanh Hóa đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong công tác ATVSLĐ, đó là: Nhận thức của chủ sử dụng lao động và người lao động trong các cơ sở lao động và người dân về ATVSLĐ có sự chuyển biến tích cực. Các cơ sở sản xuất kinh doanh đã quan tâm, triển khai tổ chức thực hiện tốt hơn quy định của pháp luật về ATVSLĐ, không ngừng đầu tư cải thiện điều kiện và môi trường làm việc. Giai đoạn 2016 - 2020, số vụ tai nạn lao động chết người tại nơi làm việc giảm 30 vụ và giảm 20 người chết so với giai đoạn 2010 - 2015.
Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cho biết, thời gian tới, công tác bảo đảm ATVSLĐ sẽ được tỉnh tập trung triển khai đồng bộ, thường xuyên các hoạt động phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật.
Theo số liệu thống kê, hàng năm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có gần 71.000 người lao động, người sử dụng lao động và cán bộ làm công tác ATVSLĐ của doanh nghiệp được huấn luyện ATVSLĐ; trong đó tập trung vào các ngành, lĩnh vực có nguy cơ cao về tai nạn lao động và sự cố cháy nổ như: Khai thác khoáng sản, xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí, hóa chất… |