Toàn tỉnh hiện có trên 3.500 DN, cơ sở sản xuất, thu hút hàng nghìn lao động. Những năm qua, các DN đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm ngăn ngừa nguy cơ gây tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tạo môi trường làm việc an toàn, bảo đảm sức khỏe cho người lao động.
Nhiều công ty chú trọng từ khâu thiết kế, xây dựng để hoàn chỉnh hạ tầng theo hướng khoa học, hợp lý |
Công ty TNHH Sunrise Spinning (Khu công nghiệp Bảo Minh, Vụ Bản) là ví dụ điển hình. Đây là DN 100% vốn đầu tư nước ngoài, chuyên sản xuất, kinh doanh sợi, dệt vải xuất khẩu chất lượng cao. Với đặc thù của ngành sợi, dệt vải là môi trường làm việc chịu nhiều tác động của các yếu tố như bụi, tiếng ồn, ánh sáng và tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ… nên ngay từ khi đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, công ty đã đặt ra mục tiêu xây dựng cảnh quan môi trường sạch đẹp. Theo đó, công ty đã chú trọng từ khâu thiết kế, xây dựng để hoàn chỉnh hạ tầng theo hướng khoa học, hợp lý.
Nhằm hạn chế ảnh hưởng của những yếu tố độc hại đối với người lao động, công ty còn đầu tư trang thiết bị, dây chuyền công nghệ hiện đại, có năng suất, chất lượng và độ an toàn cao; bố trí các dây chuyền may hợp lý, đầu tư hệ thống thiết bị thông gió, hút bụi làm giảm nhiệt độ trong nhà xưởng từ 4-5 độ C so với nhiệt độ ngoài trời, giảm thiểu bụi, tiếng ồn trong quá trình sản xuất; trang bị hệ thống ánh sáng đúng tiêu chuẩn nhằm đảm bảo đủ ánh sáng cho người lao động...
Cũng như Công ty TNHH Sunrise Spinning, nhiều DN trên địa bàn tỉnh cũng đã cung cấp đầy đủ trang thiết bị, bảo hộ lao động cho người lao động; kiểm tra định kỳ máy móc thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; đồng thời quan tâm, đầu tư, cải thiện môi trường làm việc, đảm bảo an toàn thiết bị, nhà xưởng, phòng chống cháy nổ (PCCN), xử lý khói bụi, khí thải, nước thải, tiếng ồn…; tổ chức hệ thống y tế cơ sở chăm lo đời sống, sức khỏe người lao động. Thực hiện nghiêm túc các hướng dẫn về quy tắc an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động; thực hiện quan trắc môi trường lao động, có biện pháp xử lý chất thải cải thiện môi trường làm việc.
Với những DN sử dụng nhiều lao động, có yêu cầu cao về ATVSLĐ đã thành lập Hội đồng bảo hộ lao động hoặc bộ phận ATVSLĐ; xây dựng mạng lưới an toàn vệ sinh ở các bộ phận sản xuất, kinh doanh; hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra người lao động thực hiện các quy định về ATVSLĐ, đặc biệt là quy trình vận hành, sử dụng máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ.
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Nam Định, thành công trong công tác ATVSLĐ của tỉnh thời gian qua có vai trò quan trọng của DN. Cùng với đầu tư sản xuất, kinh doanh, các DN, cơ sở sản xuất đã thực hiện các biện pháp ATVSLĐ, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động.
Để đạt được điều đó, hàng năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành triển khai thực hiện nghiêm túc công tác ATVSLĐ, duy trì tổ chức Tuần lễ quốc gia ATVSLĐ- PCCN; chỉ đạo ngành chức năng, địa phương, DN xây dựng, triển khai các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án về ATVSLĐ. Qua đó, nâng cao ý thức trách nhiệm của các đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh và người lao động. Cùng với công tác tuyên truyền, các ngành chức năng, huyện, thành phố cũng tăng cường phổ biến, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra DN, cơ sở sản xuất thực hiện quy định về ATVSLĐ; tập huấn, huấn luyện cho người lao động về công tác ATVSLĐ. Qua đó đã thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của DN, cơ sở sản xuất.
Bên cạnh đó, có sự nỗ lực của Ban quản lý các khu công nghiệp trong việc yêu cầu DN thực hiện nghiêm túc quy định về thành lập Hội đồng bảo hộ lao động; thiết lập mạng lưới an toàn vệ sinh viên; xây dựng và triển khai kế hoạch bảo đảm ATVSLĐ, cải thiện điều kiện làm việc cung cấp bảo hộ lao động, phương tiện bảo hộ cho người lao động, khám sức khỏe định kỳ, phát hiện và điều trị kịp thời bệnh nghề nghiệp cho người lao động…