Chị Trịnh Thị Yến ở xã Lạc Vệ (Tiên Du, Bắc Ninh) cho biết: Trong một lần bơm thuốc trừ sâu cho lúa, chủ quan không mặc áo bảo hộ, do bình bơm bị rò nên đã bị thuốc ngấm vào da. Phun xong 2 sào ruộng về, người chị nổi mẩn đỏ toàn thân, chân tay bủn rủn. Thấy sức khỏe bất thường, chị đến bệnh viện khám và phải điều trị một tuần sức khỏe mới ổn.
Tai nạn lao động trong sản xuất nông nghiệp ngày càng có chiều hướng gia tăng |
Còn anh Nguyễn Văn Huyên (Ý Yên, Nam Định), vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại vụ bị điện giật trong khi sử dụng máy tuốt lúa gần một năm trước, do dây dẫn của máy tuốt bị hở. Rất may, được người nhà kịp thời phát hiện, nên anh thoát khỏi lưỡi hái “tử thần”. Song cánh tay phải bị điện giật của anh không được bình thường như trước đây.
Hai ví dụ nêu trên cho thấy, chỉ một phút sơ sẩy, tai nạn lao động có thể xảy ra với những hậu quả khôn lường. Và khi lao động nông nghiệp bị tai nạn, họ vừa mất đi thu nhập, vừa đẩy kinh tế gia đình vào hoàn cảnh khó khăn, vô hình trung số lao động bị tai nạn đã góp phần gia tăng tỷ lệ đói nghèo ở nông thôn.
Trong một điều tra về hiện trạng lưu thông và sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật cho thấy, hơn 70% số hộ nông dân mua thuốc ở thị trường tự do; 94% số hộ sử dụng thuốc không có hướng dẫn và chỉ 19,3% có hiểu biết về độc hại của các loại thuốc sử dụng.
Các chuyên gia trong lĩnh vực an toàn lao động nhận định, tai nạn lao động trong sản xuất nông nghiệp ngày càng có chiều hướng gia tăng. Nguyên nhân là do trình độ nhận thức của người nông dân về an toàn lao động còn hạn chế. Nhiều người dân không sử dụng phương tiện bảo vệ khi tiếp xúc với thuốc bảo vệ thực vật, lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng vượt mức khuyến cáo. Máy móc, thiết bị nông nghiệp đưa vào sử dụng thiếu các bộ phận che chắn an toàn, trong khi nhiều lao động lại chưa hiểu rõ, cũng như nắm được nguyên tắc về an toàn trong sử dụng điện và máy móc nông nghiệp. Họ chủ yếu làm theo thói quen.
Bên cạnh đó, vấn đề an toàn lao động trong sản xuất nông nghiệp cũng chưa được chính quyền địa phương, ngành chức năng quan tâm đúng mức; chưa có hệ thống văn bản pháp luật quy định, hướng dẫn cụ thể việc thực hiện an toàn lao động cho nông dân, cũng như quy trách nhiệm, quyền hạn của các cấp chính quyền về công tác này. Công tác huấn luyện vệ sinh, an toàn lao động chưa được thực hiện kịp thời, thường xuyên… Hậu quả, mỗi năm cả nước xảy ra hàng trăm vụ tai nạn lao động trong sản xuất nông nghiệp khi bà con nông dân vận hành các loại máy móc; bị thương do giẫm phải vật sắc nhọn, trâu, bò húc; nhiễm độc do sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng cách… và tiềm ẩn nguy cơ bệnh tật lâu dài.
Ðể người nông dân hạn chế tai nạn, tránh được những rủi ro khi tham gia sản xuất, chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng cần nâng cao nhận thức cho người nông dân; tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hướng dẫn quy trình, nguyên tắc vận hành máy móc, thiết bị đúng cách, đúng liều lượng, thời gian quy định.
Về lâu dài, nhà nước cần triển khai những biện pháp đồng bộ trong nghiên cứu, xây dựng hệ thống pháp luật; lực lượng cán bộ chuyên môn hướng dẫn nông dân thực hiện những biện pháp bảo đảm an toàn vệ sinh lao động trong sản xuất nông nghiệp, tránh được những tai nạn lao động xảy ra. Các ngành, địa phương cần có biện pháp bảo đảm an toàn cho nông dân trong sử dụng máy kéo, máy làm đất, máy gieo, cấy và chăm sóc bảo vệ cây trồng và các biện pháp bảo đảm an toàn trong sử dụng máy thu hoạch, vận chuyển...
Thuốc bảo vệ thực vật là những hợp chất hữu cơ độc hại đứng đầu danh sách 12 loại độc chất nguy hiểm, tồn tại rất bền trong môi trường nên khó phân hủy sinh học. Khi những hóa chất này theo nước mưa ngấm sâu vào nguồn nước sinh hoạt, trong không khí, thức ăn là một trong những tác nhân gây các bệnh ung thư điển hình cho con người. |