Những năm gần đây, công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) đã được quan tâm đặc biệt, song số vụ tai nạn lao động và bệnh liên quan đến nghề nghiệp vẫn có xu hướng tăng. Nguyên nhân được chuyên gia an toàn lao động phân tích, do cả phía người sử dụng lao động và người lao động.
Cần có những quy định bắt buộc doanh nghiệp phải đầu tư, đổi mới công nghệ theo hướng hiện đại |
Trên thực tế, ngoài lao động tập trung trong các doanh nghiệp nhà nước thì còn nhiều lao động làm việc trong doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân, hộ gia đình, hợp tác xã... Mỗi năm có khoảng gần hai triệu lao động mới tham gia thị trường lao động, gần 100 nghìn doanh nghiệp mới ra đời. Tuy nhiên trong đó, số doanh nghiệp đầu tư cho ATVSLĐ, cả về con người, đào tạo và trang thiết bị còn hạn chế. Không ít doanh nghiệp không quy định cụ thể, công khai việc phải đảm bảo tiêu chuẩn, chế độ thế nào đối với công nhân như một tháng, một năm được trang bị những thứ gì, chất lượng ra sao, chất lượng máy móc nhà xưởng để bảo đảm an toàn, vệ sinh cho công nhân như thế nào?… Bên cạnh đó, lực lượng làm công tác thanh tra trong lĩnh vực ATVSLĐ cũng quá mỏng, dẫn đến việc quá tải khi tổ chức thanh tra.
Theo số liệu thống kê, đến thời điểm này, trên cả nước có hơn 700.000 doanh nghiệp đang hoạt động, chưa kể khu vực ngoài quan hệ lao động. Mặc dù vậy, tính cả trung ương và địa phương tập trung thanh tra ATVSLĐ nhưng chỉ thanh tra được không quá 2% số doanh nghiệp hàng năm. Trong khi đó, nhiều địa phương chưa dành ngân sách để hỗ trợ công tác ATVSLĐ được nhiều. Vì vậy, số vụ tai nạn lao động vẫn xảy ra tương đối nhiều, nhất là khu vực ngoài quan hệ lao động, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng, khai khoáng, nhất là khai thác đá...
Để cải thiện tình trạng này, các chuyên gia khuyến cáo, cùng với việc phát huy vai trò của người sử dụng lao động, cần có những quy định bắt buộc doanh nghiệp phải đầu tư, đổi mới công nghệ theo hướng hiện đại, khắc phục tình trạng gây ảnh hưởng không tốt đến môi trường và sức khỏe người lao động. Hạn chế cấp phép thành lập mới những doanh nghiệp thuộc ngành gia công có công nghệ đã qua sử dụng, lạc hậu. Đồng thời, sớm ban hành tiêu chuẩn, xây dựng các trung tâm kiểm định về chất lượng, đánh giá sự tác động của máy móc, công nghệ tới môi trường và sức khỏe công nhân trong khu vực chịu ảnh hưởng. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, giám sát doanh nghiệp trong việc chấp hành quy định về ATVSLĐ, nhằm phát hiện các mối nguy hại tại nơi làm việc để kịp thời ngăn chặn, loại trừ những rủi ro, đảm bảo an toàn trong lao động, sản xuất… Có như vậy, không chỉ giúp người lao động đảm bảo an toàn mà còn giúp doanh nghiệp phát triển ổn định, bền vững.
Minh chứng cho nhận định này có thể kể đến Công ty Cổ phần dệt may Supertex (Cụm công nghiệp Thanh Oai, Hà Nội). Với 180 công nhân lao động, trong đó lao động nữ chiếm 80%, hàng năm, công ty đều xây dựng và tổ chức thực hiện ATVSLĐ. Công ty đã quy định, phân công rõ trách nhiệm tới từng bộ phận, từng chức danh quản lý, có cán bộ bán chuyên trách làm công tác này. Lãnh đạo công ty cho biết, với đặc thù là doanh nghiệp xuất khẩu dệt may quốc tế có thị trường chủ yếu là Nhật Bản, Hoa Kỳ... đối tác luôn đòi hỏi môi trường làm việc phải đáp ứng được yêu cầu khắt khe của họ. Sau những chuyến khảo sát, phía bạn đều đánh giá cao về nơi làm việc, chất lượng trang thiết bị, vật tư, nhà xưởng, đặc biệt là sản phẩm đầu ra của công ty đã có uy tín, tạo được chỗ đứng trên thị trường.
Kết quả trong 4 năm qua, công ty không để xảy ra tai nạn lao động và cháy nổ, mất ATVSLĐ. Nguy cơ cháy nổ luôn được phòng ngừa và kiểm soát chặt chẽ, nghiêm ngặt. Cùng với đảm bảo giờ giấc làm việc, nghỉ ngơi cho người lao động, công ty thực hiện nghiêm túc việc làm thêm giờ, bồi dưỡng độc hại bằng hiện vật, ăn giữa ca và trang bị đầy đủ các phương tiện bảo vệ cá nhân như quần áo bảo hộ, mũ bảo hộ lao động tiêu chuẩn, ủng, nút chống ồn… các phương tiện cấp cứu theo quy định và duy trì thường xuyên việc kiểm tra chấp hành của người lao động.