Ảnh chụp từ vệ tinh |
Do ảnh hưởng của bão số 4, trong đêm qua và sáng sớm nay trên khu vực các tỉnh Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi tiếp tục có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 50 - 100mm, một số nơi lớn hơn như: Nam Đông, Thượng Nhật (Thừa Thiên Huế) 240mm; Nông Sơn (Quảng Nam) 150mm; Sông Vệ (Quảng Ngãi) 170mm; Trà Bồng, An Chỉ (Quảng Ngãi) 140mm...
Tại thời điểm đổ bộ, đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã có gió mạnh cấp 8, giật cấp 9. Đảo Cồn Cỏ có gió mạnh cấp 6, giật cấp 9. Cửa Tùng (Quảng Trị) có gió giật mạnh cấp 10. Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Hội An (Quảng Nam), Lăng Cô (Huế) có gió giật mạnh cấp 8 - 9.
Đến sáng sớm nay, bão số 4 đã tan thành áp thấp nhiệt đới. Lúc 6h sáng, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 15,8 độ Vĩ Bắc; 107,8 độ Kinh Đông, trên đất liền Quảng Nam - Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9.
Trên đất liền các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam sáng nay còn có gió giật mạnh cấp 6-9.
Sáng 13/9, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP. Đà Nẵng đã có báo cáo nhanh về tình hình thiệt hại do bão số 4 gây ra. Theo đó, không có thiệt hại về người. Về ngập, có 145 hộ với 571 nhân khẩu ở Hòa Vang. Ngoài ra, ngập cục bộ tại một số tuyến đường nội thị. Bão cũng làm 1 nhà tại thôn 5, xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang tốc mái; 2 tàu bị chìm và 1 tàu vận tải bị hỏng, mắc cạn. Cụ thể, tàu của ông Lê Văn Sang, công suất 400CV và tàu ĐNa 20524, công suất 24CV của ông Phạm Tấn Kim bị chìm tại khu vực biển Thành Vinh, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà.
Về giao thông, bão số 4 làm gãy 25 biển báo, trụ tên đường, sạt lở 25m2 vỉa hè, sạt lở 100m đường bê-tông dân sinh tại thôn Hòa Khê, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, sạt lở gây bồi lấp 200m đường ĐT 601, khoảng 155 cây xanh bị ngã đổ.
Đường phố Đà Nẵng |
Đặc biệt, trận mưa lớn diễn ra trong khoảng từ 8 giờ đến 11 giờ ngày 12/9 đã làm nhiều tuyến đường nội thành của TP. Đà Nẵng ngập sâu, việc lưu thông bị ảnh hưởng. Trong đó, tại khu vực ngã tư đường Lê Đình Dương - Hàm Nghi, Nguyễn Văn Linh, đường Đỗ Quang, Quang Trung … nước ngập sâu từ 25- 40cm.
*Thừa Thiên Huế: Nhiều cây xanh bật gốc, mất điện cục bộ sau bão số 4
Sáng nay (13/9), Văn phòng thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai (PCTT) và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Do ảnh hưởng của bão số 4 nên từ đêm 12/9 đến rạng sáng 13/9, khu vực ven biển Thừa Thiên Huế đã có gió bão mạnh cấp 8, giật cấp 9, cấp 10; trong đất liền tại trạm sân bay Phú Bài có gió mạnh cấp 7, giật cấp 8, cấp 9.
Nhiều cây xanh trên các tuyến nội thị thành phố Huế bị bật gốc |
Lúc 1h30 ngày 13/9, tại trạm Huế gió giật cấp 7, kèm theo mưa to đến rất to và dông, lượng mưa phổ biến từ 100 - 400mm, một số nơi mưa rất to như trạm Nam Đông 426mm, trạm Bạch Mã 593mm... Mực nước trên sông Hương tại trạm Kim Long dưới báo động 1 là 0,13m, trên sông Bồ tại trạm Phú Ốc dưới báo động 1 là 0,85m. Mực nước tại các hồ thủy lợi, thủy điện đều nằm trong ngưỡng an toàn. Đặc biệt, tại các hồ chứa nước thủy lợi trên địa bàn tỉnh hiện nay đang trong giai đoạn tháo cạn để sẵn sàng đón lũ và đã tiến hành mở các cửa đập Thảo Long, Công Quan, Cửa Lác và các cống qua đê để tăng khả năng thoát lũ.
Sau khi bão số 4 đổ bộ vào đất liền, trên các tuyến đường nội thị TP. Huế như Nguyễn Trãi, Ngô Đức Kế, Trần Cao Vân, Hùng Vương, Đống Đa gió mạnh đã làm đổ gãy một số cây xanh, một số pano, áp phích và bảng hiệu quảng cáo bị hư hỏng. Đặc biệt, do mưa to nên tuyến thi công đường cao tốc La Sơn - Túy Loan (huyện Nam Đông) bị bùn đất chảy tràn vào hơn 25 hộ dân sống ven tuyến đường này, không gây thiệt hại về người. Bên cạnh đó, bão số 4 cũng đã làm ngập úng, đổ ngả một số diện tích lúa vụ hè thu chưa thu hoạch xong.
Sau bão các đơn vị chức năng đã tiến hành cắt gọn, thu gom cây ngã đổ |
Sáng 13/9, đại diện Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế (PC Thừa Thiên Huế) cho biết: Từ 18 giờ ngày 12/9 mưa to kèm theo gió lớn làm cho lưới điện trên địa bàn tỉnh bắt đầu mất ổn định gây mất điện nhiều xuất tuyến, nguyên nhân chủ yếu do cây cao ngã đổ hoặc bay vướng vào đường dây, trong đó có vị trí cột bị đổ thuộc XT 478 Cầu Hai (Phú Lộc). Đặc biệt, tại xuất tuyến Huế - A Lưới, do đây là tuyến độc đạo, địa hình rừng núi nên sau khi bị sự cố do bão đến sáng 13/9 vẫn chưa đóng điện. Theo phòng điều độ PC Thừa Thiên Huế dự kiến đến 15g ngày 13/9 công ty sẽ tổ chức khắc phục xong và đóng điện khôi phục toàn tỉnh. Ước công suất mất đến thời điểm hiện tại là 31,2MW và ước sản lượng mất đến thời điểm hiện tại 800.000kWh.
Trước đó, khoảng 19h30 ngày 12/9, tàu QNg 0279 (Quảng Ngãi), trên tàu có 3 người thuộc Công ty Mạnh Cường đang nạo vét luồng lạch tại cửa biển Tư Hiền, trên đường di chuyển từ cảng Chân Mây vào Đà Nẵng đã bị gió to, sóng lớn đánh chìm, vị trí bị chìm cách mũi Chân Mây Đông khoảng 500m. Các cơ quan chức năng đã cứu thành công 3 người trên tàu.
Theo dự báo của Trung tâm khí tượng Trung Trung bộ, trong ngày và đêm nay, vùng mưa vừa, mưa to tiếp tục mở rộng ra các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế; riêng các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế có mưa to đến rất to (phổ biến 50-150mm). Khu vực Bắc Tây Nguyên sáng nay có mưa to (phổ biến 50mm). Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1 - 2. Ngoài ra, khu vực Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển Bình Thuận - Cà Mau tiếp tục có mưa dông và gió mạnh cấp 6, giật cấp 7 - 9, sóng biển cao từ 2 - 3m, biển động. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1. |
TIN LIÊN QUAN | |