Ngân hàng nước ngoài hấp dẫn tầng lớp trung lưu |
Xu hướng nới room cho nhà đầu tư
Theo lộ trình hội nhập tài chính của ASEAN, giai đoạn 2015-2020, về cơ bản sẽ loại bỏ hạn chế đối với lĩnh vực bảo hiểm, ngân hàng và thị trường vốn phân ngành; tự do hóa dòng chảy vốn đầu tư gián tiếp, tự do hóa dịch vụ môi giới và các sản phẩm tài chính… Mặt khác, nước thành viên cũng phải tạo ra sân chơi bình đẳng cho ngân hàng nước thành viên khác hoạt động trên lãnh thổ của mình bằng cách xóa bỏ khác biệt pháp lý mang tính phân biệt đối xử giữa các ngân hàng có quốc tịch khác nhau. Tất cả những yếu tố trên sẽ tác động không nhỏ tới lĩnh vực tài chính ngân hàng của Việt Nam, đặc biệt là chính sách pháp lý.
Hiện nay, đối với mức độ sở hữu nước ngoài tại các ngân hàng trong nước, Nghị định 60/2015/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 58/2012/NĐ-CP quy định: Room của công ty chứng khoán sẽ được nới hết cỡ 100% thay vì 49% như trước. Đối với các ngân hàng, tỷ lệ này tối đa là 30%.
Theo đánh giá của nhóm nghiên cứu Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội do PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn làm chủ nhiệm, mức 30% là phù hợp với cam kết mở rộng thị trường của Việt Nam theo lộ trình của WTO. Tuy nhiên, nới room cho các nhà đầu tư nước ngoài là xu hướng không tránh khỏi trong tương lai gần.
Với AEC, theo cam kết về tự do hóa dịch vụ, các nước sẽ phải mở cửa tất cả các ngành dịch vụ và nhà đầu tư trong khối có thể tham gia tới mức 70% vốn tùy thuộc vào mức độ sẵn sàng của từng nước thành viên. Có thể nói, AEC là bước tiến đòi hỏi Việt Nam phải mở cửa hơn nữa đối với lĩnh vực tài chính so với cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Áp lực cạnh tranh lớn
Mở cửa thị trường tài chính đồng nghĩa với gia tăng số lượng các ngân hàng nước ngoài (NHNN), các chi nhánh của NHNN tại Việt Nam khiến áp lực cạnh tranh trong ngày càng khốc liệt.
Qua phân tích số liệu thị phần tín dụng và huy động vốn của ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2010-2014, nhóm nghiên cứu trên đã nhận thấy: Mặc dù vẫn chiếm tỷ trọng lớn song xu hướng sụt giảm thị phần của các NHTM Việt Nam so với các NHNN khá rõ nét. Tiêu biểu, trên thị trường tín dụng, NHNN chiếm 10-15% thị phần với các sản phẩm đa dạng phong phú và chất lượng phục vụ chuyên nghiệp. Tại mảng huy động vốn, dù chỉ chiếm 5-7% thị phần, song các NHNN cũng có sức hấp dẫn nhất định đối với tầng lớp trung lưu, người có thu nhập trung bình và cao.
Thực tế này đang đặt các NHTM trong nước trước yêu cầu cấp thiết phải nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm nâng cao sức cạnh tranh. Hiện tại, các ngân hàng Việt Nam mới chỉ khai thác được 55% nhu cầu của khách hàng. Con số này của các NHNN lên tới 85%.
AEC cũng cho phép tự do dịch chuyển lao động chất lượng cao. Do đó, việc giữ chân nhân lực chất lượng cao trong cảnh hội nhập thực sự là thách thức rất lớn của tất cả các ngân hàng.
Trên thị trường tín dụng, NHNN chiếm 10-15% thị phần với các sản phẩm đa dạng phong phú và chất lượng phục vụ chuyên nghiệp. Tại mảng huy động vốn, dù chỉ chiếm 5-7% thị phần, song các NHNN cũng có sức hấp dẫn nhất định đối với tầng lớp trung lưu, người có thu nhập trung bình và cao. |