Bắc Ninh: Buộc tiêu hủy hơn 7 tấn lòng lợn chưa qua sơ chế Liên tiếp phát hiện các vụ thực phẩm bẩn ở Bắc Ninh, Bắc Giang Bắc Ninh: Bắt giữ gần 03 tấn thịt vịt và trứng gà non đông lạnh |
Đẩy mạnh truyền thông, tăng cường hậu kiểm
Nhìn lại công tác quản lý an toàn thực phẩm của Bắc Ninh trong thời gian qua, ông Trần Danh Phượng – Phó Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh Bắc Ninh cho biết: Năm 2022, công tác truyền thông tiếp tục được tỉnh Bắc Ninh triển khai với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, được duy trì qua nhiều kênh thông tin, với một số kênh truyền thông mới được áp dụng như: tuyên truyền tại tuyến xe bus Bắc Ninh- Lương Tài, tổ chức hội thi “Thanh niên Bắc Ninh nói không với thực phẩm bẩn”...
Sản xuất sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn giúp cho các doanh nghiệp chế biến thực phẩm của Bắc Ninh phát triển bền vững. Ảnh dây chuyền sản xuất đảm bảo vệ sinh ATTP của công ty TNHH PTK 789 Việt Nam |
Công tác thanh tra, kiểm tra được triển khai mạnh mẽ, quyết liệt theo từng chuyên đề và được gắn liền với công tác giám sát, hậu kiểm; toàn tỉnh đã thành lập 448 đoàn thanh, kiểm tra (liên ngành, chuyên ngành, đột xuất) tiến hành thanh, kiểm tra 2.201 cơ sở, trong đó cơ sở đạt là 1.856 cơ sở, chiếm 84,3%; không đạt 345 cơ sở, chiếm 15,7%.
“Năm 2022, Bắc Ninh đã ban hành quyết định xử lý, xử phạt 10 cơ sở với tổng số tiền phạt 64.000.000đ; trình UBND tỉnh xử phạt 09 cơ sở với số tiền phạt 200.750.000đ. Trong năm 2022, số mẫu giám sát mối nguy và hậu kiểm tăng gấp 1,74 lần so với năm 2021. Tiếp tục triển khai thực hiện 03 đề án và 02 mô hình về an toàn thực phẩm (ATTP) đã được phê duyệt; hướng dẫn giám sát và xác nhận 18 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh. Công tác cải cách hành chính tiếp tục được đẩy mạnh; tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến đạt 80,6%; đơn vị được đánh giá xếp thứ 2/17 các sở, ban, ngành của tỉnh, tăng 06 bậc so với năm 2021”- ông Trần Danh Phượng chia sẻ.
Năm 2023, nhằm thực hiện hiệu quả chỉ tiêu phấn đấu số vụ ngộ độc thực phẩm trên 30 người mắc ≤ 1; không có người tử vong do ngộ độc thực phẩm. Ban Quản lý ATTP tỉnh tiếp tục chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh chỉ đạo, triển khai có hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về ATTP. Trình UBND tỉnh ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật địa phương đối với 01 sản phẩm thực phẩm đặc trưng của địa phương.
Thực hiện nhân rộng mô hình “Quản lý thức ăn đường phố an toàn”, “Quản lý đảm bảo ATTP tại các bữa cỗ gia đình” trên địa bàn tỉnh. Xây dựng mô hình “Kiểm soát an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể trường học” tại huyện Quế Võ; mô hình “Chợ ATTP có kiểm soát” tại thành phố Bắc Ninh. Tiếp tục triển khai hiệu quả các hoạt động chuyên môn: công tác tuyên truyền, tập huấn, thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, thẩm định, cấp giấy chứng nhận/ký cam kết đảm bảo ATTP…
Hình thành chuỗi thực phẩm an toàn
Đặc biệt, tỉnh Bắc Ninh sẽ tăng cường xác nhận chuỗi thực phẩm an toàn và đẩy mạnh kết nối tiêu thụ sản phẩm. Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; củng cố tổ chức bộ máy, nhân lực làm công tác an toàn thực phẩm. Phối hợp vận hành có hiệu quả “Hệ thống thông tin điện tử truy xuất nguồn gốc, kết nối cung cầu hàng hóa tỉnh Bắc Ninh” đối với các sản phẩm thực phẩm trên địa bàn tỉnh, kết nối đồng bộ tới Cổng thông tin truy xuất nguồn quốc gia…
Bà Nguyễn Thị Huyên – Giám đốc điều hành Công ty TNHH PTK 879 Việt Nam (Tiên Du- Bắc Ninh) cho biết: Nhờ kiên định mục tiêu sản xuất sạch, bên cạnh tham gia vào chuỗi thực phẩm an toàn của tỉnh Bắc Ninh, hiện công ty đang tập trung giới thiệu sản phẩm Mắm tép chưng thịt ra thị trường Lào và Trung Quốc nhằm đẩy mạnh kết nối tiêu thụ sản phẩm, hướng tới xây dựng sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 5 sao.
Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm sạch đã giúp hình thành mạng lưới kết nối tiêu thụ sản phẩm sạch tỉnh Bắc Ninh. (Ảnh sản phẩm: Mắm tép chưng thịt đạt OCOP 4 sao của Công ty TNHH PTK 879 Việt Nam được giới thiệu tại thị trường nước ngoài) |
Cũng trong năm 2023, Bắc Ninh sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án “Bắc Ninh phấn đấu không còn thực phẩm không an toàn” giai đoạn 2022-2025 và các Đề án, mô hình đã được phê duyệt; bám sát để có sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa các hoạt động thông tin, truyền thông; phối hợp nghiên cứu xây dựng hệ thống tiếp nhận thông tin về ATTP một cách nhanh chóng, hiệu quả.
Tập trung củng cố nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn cho cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, hậu kiểm; xác nhận chuỗi thực phẩm an toàn, truy suất nguồn gốc và kết nối tiêu thụ sản phẩm; chú trọng công tác cải cách thủ tục hành chính; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý an toàn thực phẩm; tiếp tục triển khai có hiệu quả phần mềm hệ thống thông tin quản lý an toàn thực phẩm từ tuyến tỉnh đến tuyến cơ sở.
Năm 2023, Bắc Ninh sẽ tiếp tục triển khai các đề án, mô hình về quản lý, kiểm soát thực phẩm; đẩy mạnh, đổi mới các hoạt động truyền thông; quản lý chặt chẽ cơ sở, nâng cao chất lượng công tác thẩm định, cấp giấy chứng nhận. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số; tăng cường xác nhận chuỗi thực phẩm an toàn và đẩy mạnh kết nối tiêu thụ sản phẩm.