Sơn La: Người dân vùng biên Mường Lèo vươn lên thoát nghèo Kon Tum: Phát triển kinh tế dược liệu, cầu nối mang đến no ấm |
Từ núi rừng Việt Bắc bốn mùa mây bay gió thổi, 6 anh em ruột dòng họ La của đồng bào Sán Chay quyết tâm xuống núi, vượt hàng ngàn cây số xuôi về vùng đất phương Nam tại xã Tam Lập, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương để lập nghiệp.
Với ý chí khát vọng “biến sỏi đá cũng thành cơm”, hơn 30 năm gây dựng, lập làng lập xóm nơi vùng đất kinh tế mới, cuộc sống của họ giờ đây đã khá giả, con cháu được học hành thành đạt.
Vườn cao su của đồng bào Sán Chay ở vùng đất kinh tế mới xã Tam Lập, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương đã cho thu hoạch |
“Đất lành chim đậu”
Từ trung tâm huyện lỵ Phú Giáo, tỉnh Bình Dương, chỉ mất tầm hơn nửa tiếng đồng hồ đi xe máy theo con đường nhựa băng qua cánh rừng cao su là đến nương rẫy của đồng bào Sán Chay, thuộc địa bàn xã Tam Lập, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương.
Thuở xưa, nơi đây là một vùng rừng rậm hoang vu không có bóng người, không có ánh điện và không có đường sá mà chỉ có muôn loài chim muông và thú rừng. Vùng đất Tam Lập xưa với những cánh rừng nguyên sơ hun hút tưởng chừng như không ai dám đặt chân đến nơi đây sinh sống.
Trong những năm tháng kháng chiến ác liệt nhất ở miền Nam, ông La Văn Bình - người anh trai cả trong dòng họ La của đồng bào Sán Chay (quê ở Thái Nguyên) cùng đoàn quân được điều động vào chiến trường miền Nam để đánh giặc. Một lần tình cờ theo đoàn quân băng qua cánh rừng ở vùng đất Tam Lập, nhận thấy đây là một vùng đất hiền hòa với khí hậu quanh năm mát mẻ, tiềm năng phát triển kinh tế nông nghiệp tốt hơn ở quê hương mình.
Sau khi chiến trường miền Nam không còn tiếng súng, những người lính trong đoàn quân ấy khoác ba lô trở về quê hương đoàn tụ với gia đình trong niềm vui chiến thắng. Riêng ông La Văn Bình quyết tâm ở lại Bình Dương và lựa chọn vùng đất Tam Lập để sinh cơ lập nghiệp với khát vọng làm giàu bằng chính đôi tay và sức lao động của mình.
Hồi tưởng lại những ngày đầu gian nan vất vả, ông La Văn Bình kể: “Thuở ấy vào khoảng những năm 1990, tôi biên thư về quê kêu gọi tất cả anh chị em ruột của tôi vào đây lập nghiệp. Vậy là sáu anh em ruột chúng tôi đều đồng ý bỏ lại ruộng nương cho họ hàng, làng xóm rồi rời quê hương, di cư từ Thái Nguyên vào đây khai phá, cải tạo đất rừng để sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế”.
Dẫn chúng tôi đi thăm vườn cao su bạt ngàn màu xanh mơn mởn những chồi lá non trên vùng đất đỏ ba zan của người đồng bào Sán Chay, nghỉ chân bên dòng suối Gia Huơ, ông La Văn Sự - người em trai thứ hai của ông La Văn Bình, tâm sự: “Nhận được thư anh Bình gửi về bàn bạc anh em trong gia đình vào Nam lập nghiệp. Còn nhớ lúc đó nhà tôi còn mỗi con lợn cóc van tầm vài chục ki lô gam - tài sản duy nhất của gia đình. Vợ tôi gọi thương lái vào bán rồi đưa hết số tiền bán lợn cho tôi để lo chi phí tiền tàu xe trước khi lên đường vào Nam”.
Ông La Văn Sự còn chia sẻ thêm, những ngày đầu tiên đặt chân đến vùng đất lạ, không gian nơi đây là một cánh rừng rậm nguyên sinh với những bụi cây hoang dại gai góc, không có một bóng nhà dân. Mấy anh em ông Sự vào rừng chặt cây dựng nhà, lợp mái bằng tranh và xây tường vách bằng đất ở tạm qua ngày. Sắp xếp ổn định nơi ăn chốn ở, ngày ngày mấy anh em lại đi bộ từ xã Tam Lập xuống trung tâm huyện Phú Giáo tìm việc làm thuê làm mướn để lấy tiền trang trải cuộc sống.
Cứ ba ngày đi làm thuê kiếm tiền đủ mua gạo ăn trong tuần rồi nghỉ việc và đi vào rừng phát cây, cuốc đất khai phá đồi nương. Khi nào trong nhà hết gạo thì lại tạm dừng lên nương và tiếp tục xuống huyện đi làm phụ hồ thuê kiếm tiền. Công việc hàng ngày như thế cứ trôi dần theo năm tháng, nương rẫy của đồng bào Sán Chay ngày càng được mở rộng bằng những giọt mồ hôi và đôi tay chai sạn của người lao động cần mẫn và ý chí. “Cuộc sống lúc đó khổ sở và thiếu thốn vô cùng nhưng anh em chúng tôi luôn động viên cùng nhau cố gắng vượt qua tất cả”, ông Sự tâm tình.
“Có công mài sắt, có ngày nên kim”, sau vài năm, sáu anh em ruột trong đại gia đình ông La Văn Bình đã mở rộng diện tích đồi nương khoảng hơn 50 mẫu đất bằng sức lao động thủ công của mình. Họ chia đều diện tích đất cho nhau để trồng cây, phát triển kinh tế.
Trò chơi tung còn của người Sán Chay thường được tổ chức trong Lễ hội Cầu Mùa vào dịp đầu năm, giúp thế hệ trẻ của đồng bào Sán Chay ở Tam Lập hiểu thêm về cội nguồn văn hóa dân tộc |
Biến đất cằn phải “nở hoa”
Có được thành quả đầu tay là những đồi nương đất trống đương trong thời gian cày xới và cải tạo, anh em người Sán Chay tìm đến cán bộ kỹ thuật nông nghiệp huyện Phú Giáo để được hướng dẫn lựa chọn cây trồng, cách chăm sóc cây đúng kỹ thuật. Nhận thấy, chất đất và khí hậu ở vùng này rất thích hợp trồng và phát triển cây lâu năm cho giá trị kinh tế cao như cây cao su, cây điều và cây hoa màu, sáu anh em dòng họ La của người Sán Chay thống nhất lựa chọn cây cao su và cây điều làm cây chủ lực để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, để có tiền đầu tư mua phân, giống, anh em họ lại tiếp tục đi làm thuê. Số tiền đi làm thuê tích cóp được bao nhiêu lại đầu tư mua giống cây về trồng dần bấy nhiêu, ông Bình cho biết.
Thiên nhiên đã không phụ công những con người hăng say, miệt mài lao động, giàu nghị lực vượt qua gian khó để thoát nghèo. Sau 10 năm khai hoang lập nghiệp, rừng cao su, rừng điều của bà con đồng bào Sán Chay trên vùng đất kinh tế mới xã Tam Lập, huyện Phú Giáo đã đâm chồi nảy lộc, xòe tán phủ xanh vùng đồi đất đỏ bazan khô cằn này.
Khi cây điều trên nương vừa bắt đầu trổ bông mùa vụ đầu tiên, sáu anh em ruột dòng họ La của người Sán Chay lần lượt về quê đón vợ con vào sinh cơ lập nghiệp. Họ yêu thương, đoàn kết và đùm bọc lẫn nhau, cùng nhau lập thành xóm thành làng, an cư gây dựng cuộc sống nơi vùng đất kinh tế mới…
Ông Nguyễn Anh Vũ, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tam Lập, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương, cho biết: “Trụ sở UBND xã Tam Lập được hình thành sau khi vùng đất này có người dân đến đây ở, đa phần họ là người đồng bào dân tộc thiểu số đến từ nơi khác về đây sinh sống. Nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của đồng bào, địa phương luôn gần gũi, sát cánh chăm lo đời sống vật chất cũng như văn hóa tinh thần nhằm động viên đồng bào yên tâm phát triển kinh tế. Hàng năm, chúng tôi hỗ trợ cộng đồng người Sán Chay duy trì tổ chức Lễ hội Cầu Mùa để khuyến khích họ gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống độc đáo của người đồng bào”. |
Bài 2: Thắm tình quê hương miền đất đỏ phương Nam