Bộ đội Biên phòng Hà Giang: Chú trọng công tác dân vận Bài 1: Bộ đội biên phòng Hà Giang- lan tỏa những mô hình giúp dân phát triển kinh tế |
Thực hiện phương châm “ 3 bám, 4 cùng”
Dọc dài hơn 277 km đường biên, bước chân của những người lính Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Hà Giang vẫn ngày đêm không nghỉ men theo từng cánh rừng, ngọn đồi, từng thôn, bản nơi vùng biên để nắm bắt tình hình tại các địa bàn được phân công.
Để làm được điều đó, các anh đã thực hiện tốt phương châm “3 bám, 4 cùng” (bám trụ, bán dân, bám địa bàn; cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng dân tộc). Việc luôn sát cánh cùng đồng bào của các chiến sỹ biên phòng là yếu tố quyết định giữ bình yên nơi vùng cao biên giới, đưa đời sống của đồng bào các dân tộc ở vùng biên giới ngày càng khởi sắc.
Bộ đội Biên phòng Hà Giang đã thực hiện tốt phương châm “3 bám, 4 cùng" |
Theo Đại tá Đào Hồng Hà - Chính ủy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Hà Giang, công tác dân vận được chúng tôi hết sức quan tâm và coi đó là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi trong việc thực thi các nhiệm vụ tại cơ sở. Bộ Chỉ huy BĐBP Hà Giang đã tổ chức quán triệt các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch, hướng dẫn của cấp trên về công tác dân vận, tuyên truyền đặc biệt; đồng thời xây dựng kế hoạch, hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị cơ sở thực hiện tốt công tác dân vận, vận động quần chúng, bảo đảm an ninh, trật tự khu vực biên giới, đấu tranh hoạt động vi phạm Hiệp định quản lý, bảo vệ biên giới.
BĐBP Hà Giang đã phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh và cấp ủy, chính quyền địa phương khu vực biên giới tuyên truyền về công tác phòng, chống tội phạm về ma túy ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2022-2025; kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; kế hoạch phát động phong trào: “Thi đua xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc trên địa bàn biên giới tỉnh Hà Giang” giai đoạn 2022-2025; kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; kế hoạch thực hiện phong trào thi đua “Chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau trên địa bàn biên giới tỉnh Hà Giang” giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch công tác vận động quần chúng năm 2023 và các văn bản hướng dẫn công tác vận động quần chúng tham gia phòng, chống dịch Covid-19 và xuất nhập cảnh trái phép, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật theo Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi…
Thực tế cho thấy, hầu hết các đơn vị thuộc BĐBP Hà Giang đều đứng chân trên địa bàn có địa hình rừng núi hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt, kinh tế, văn hoá, xã hội còn chậm phát triển, tỷ lệ hộ nghèo cao… Vì thế, tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở tại các địa phương thuộc địa bàn biên giới, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP Hà Giang hết sức coi trọng việc tăng cường cán bộ Biên phòng cho các xã biên giới.
Đội ngũ cán bộ này được coi là “cánh tay nối dài” của BĐBP đến cấp ủy cơ sở ở địa bàn biên giới. Hiện, toàn tỉnh có 34 cán bộ là cán bộ BĐBP được tăng cường giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy xã, thị trấn biên giới. 177 cán bộ, đảng viên ở các Đồn Biên phòng tham gia sinh hoạt tại 172 chi bộ thôn, bản và 346 đảng viên phụ trách giúp đỡ 1.589 hộ gia đình phát triển kinh tế.
1.589 hộ gia đình đã được các chiến sỹ Biên phòng Hà Giang giúp phát triển kinh tế |
Những cán bộ trên đã và đang tích cực tham mưu cho cấp ủy địa phương xây dựng, củng cố, duy trì hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở, xây dựng các quy chế, quy định nhằm duy trì nghiêm các chế độ, nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng. Đồng thời, đẩy mạnh công tác phát triển Đảng, tạo nguồn cán bộ tại chỗ, tuyển quân, tuyển sinh quân sự.
Những cột mốc của lòng dân
Nhờ thực hiện tốt phương châm “3 bám, 4 cùng”, năm 2022, BĐBP Hà Giang đã góp phần củng cố được 128 lượt tổ chức Đảng, bồi dưỡng, tạo nguồn và kết nạp thêm được 112 đảng viên. Đội ngũ này cũng chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể địa phương triển khai nhiều biện pháp thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ, của tỉnh Hà Giang cũng như của lực lượng BĐBP được UBND các cấp giao làm chủ đầu tư.
Bám sát phương châm: “Hướng về cơ sở, bám sát địa bàn, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương”, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chỉ đạo đội ngũ cán bộ tăng cường chủ động khảo sát tình hình, tìm hiểu mong muốn, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để giúp đỡ, hỗ trợ. Phối hợp với các ban, ngành triển khai nhiều chương trình có ý nghĩa, thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động nhằm vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp kinh phí hỗ trợ cho các hộ nghèo trên khu vực biên giới.
Năm 2022, BĐBP tỉnh đã cùng cấp ủy chính quyền địa phương các xã, thị trấn biên giới tham gia khởi công 168 ngôi nhà, hỗ trợ 3,5 tấn xi măng, 265 kg gừng giống và 1.165 ngày công; cử 285 cán bộ chiến sĩ tham gia cùng địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, di dời tài sản, vật chất cho nhân dân. Phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan đơn vị kết nghĩa tổ chức Chương trình “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản”...
Giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai, di dời tài sản |
Bên cạnh đó, BĐBP tỉnh đã tuyên truyền được 817 buổi/36.264 lượt người nghe. Phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền Luật Biên phòng Việt Nam, tuyên truyền phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trên khu vực biên giới, cửa khẩu; tuyên truyền về xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang; tuyên truyền, hướng dẫn quần chúng nhân dân phòng chống thiên tai được 118 buổi/9.350 lượt người nghe; xây dựng 01 mô hình dòng họ Lầu tự quản về an ninh trật tự gắn với xóa bỏ hủ tục lạc hậu tại thôn Trà Mần/xã Sơn Vĩ/huyện Mèo Vạc (địa bàn Đồn BP Sơn Vĩ).
Đồng thời, tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền xã Lũng Cú tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất làm đường bê tông xây dựng nông thôn mới phục vụ lao động, sản xuất và tuần tra quản lý bảo vệ biên giới tại thôn Lô Lô Chải/xã Lũng Cú/huyện Đồng Văn (Địa bàn Đồn BP Lũng Cú); kết quả tuyên truyền được 02 buổi/252 người nghe, 05 hộ tham gia hiến đất, làm 1,5 km đường giao thông nông thôn...
Cán bộ Biên phòng Bản Máy- Bộ đội Biên phòng Hà Giang giúp dân làm đường bê tông |
Phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền cho cán bộ, nhân dân các nội dung thực hiện "Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Hà Giang năm 2023 trên địa bàn 08 xã biên giới với 625 lượt người nghe; Phối hợp với Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Hoàng Su Phì, các Nhà trường tổ chức chương trình trải nghiệm, giáo dục kỹ năng sống, giới thiệu đường biên, mốc giới cho các cháu học sinh Tiểu học, Trung học cơ sở trên địa bàn. Kết quả 01 buổi/125 người nghe.
Qua đó, BĐBP tỉnh đã tham gia củng cố 13 chi bộ, 43 tổ chức đoàn thể, bồi dưỡng giúp đỡ kết nạp 76 đảng viên là người địa phương. Tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương các xã, thị trấn biên giới tổ chức Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2020-2025.
Có thể khẳng định, bằng sự tham mưu của đội ngũ cán bộ Biên phòng tăng cường mà phương pháp, tác phong công tác, ý thức trách nhiệm và lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt ở cơ sở đã có sự chuyển biến tích cực, theo hướng sát dân, gần dân và có trách nhiệm với dân. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các đảng bộ xã, thị trấn và chi bộ xóm, bản cũng được nâng lên rõ rệt. Việc chấp hành quy chế làm việc, chế độ sinh hoạt Đảng, phân công cấp ủy và cán bộ chủ trì theo dõi địa bàn, trên từng mặt công tác được chấn chỉnh và ngày càng đi vào nề nếp.
Cùng với đó, chất lượng hoạt động của tổ chức chính quyền các xã, thị trấn biên giới cũng được nâng cao… Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số ở địa bàn biên giới đã từng bước được cải thiện. Lòng tin và sự đồng thuận trong nhân dân được nâng lên giúp họ yên tâm gắn bó, tham gia xây dựng và bảo vệ biên cương, góp phần củng cố tình đoàn kết quân - dân, xây dựng thế trận biên phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và thế trận quốc phòng toàn dân trên địa bàn biên giới ngày càng vững chắc.
Chăm sóc sức khỏe đồng bào dân tộc tại các xã vùng biên |
Anh Sình Dỉ Gai – Trưởng thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn chia sẻ: "BĐBP luôn gần gũi với nhân dân, cùng với nhân dân xây dựng phát triển sản xuất. Qua công tác tuyên truyền của cán bộ, chiến sĩ biên phòng, bà con đồng bào dân tộc chúng tôi đã tự giác chấp hành tốt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước chủ động tham gia giữ gìn, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia”.
Chia sẻ thêm Đại tá Đào Hồng Hà, công tác dân vận không chỉ góp phần củng cố, tăng cường hệ thống cơ sở chính trị, giúp đồng bào vùng biên phát triển mọi mặt đời sống, mà còn tạo thuận lợi để các cơ quan, đơn vị, đồn biên phòng nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên giới, duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội vùng biên. Hằng năm, người dân khu vực giáp biên đã cung cấp hàng nghìn nguồn tin có giá trị phục vụ cho công tác tuần tra bảo vệ biên giới và đấu tranh phòng, chống tội phạm.
“Các cột mốc, đường biên giới thuộc các thôn, bản của tỉnh Hà Giang chẳng mấy khi vắng người. Khi đi chăn thả gia súc hay lên làm nương ở khu vực giáp biên này người dân trong thôn lại dành thời gian đi một vòng khu vực biên giới được giao phụ trách, phát quang dọn dẹp quanh các cột mốc”- ông Dương Ngọc Đức, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Đồng Văn cho biết.
Cũng theo ông Dương Ngọc Đức, phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và giữ gìn an ninh trật tự thôn khu vực biên giới của huyện Đồng Văn nói riêng và của tỉnh Hà Giang nói chung thật sự mang lại kết quả tích cực và trở thành phong trào của toàn dân. Các tổ tự quản này là "cánh tay nối dài" giữa bộ đội với nhân dân các dân tộc vùng biên giới, góp phần giữ vững chủ quyền an ninh biên giới quốc gia; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho thôn, bản khu vực biên giới phát triển kinh tế, xã hội, vươn lên thoát nghèo.
Bộ đội Biên phòng Hà Giang phối hợp với tuần tra biên giới |
Thông qua hoạt động, các "Tổ tự quản đường biên mốc quốc giới và an ninh trật tự", BĐBP đã kịp thời nắm tình hình, dư luận xã hội để tham mưu, phối hợp với cho cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo định hướng về công tác quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới.
“Đặc biệt, các "Tổ tự quản đường biên quản mốc quốc giới và an ninh trật tự" góp phần cùng lực lượng chức năng ngăn chặn tình trạng xuất nhập cảnh trái phép và phòng, chống dịch Covid-19 xâm nhập qua đường biên giới; phòng, chống buôn lậu và các loại tệ nạn xã hội. Qua đó, mang lại nhiều kết quả thiết thực, góp phần kiềm chế và đẩy lùi các loại tội phạm, giữ vững trật tự xã hội và nâng cao đời sống người dân khu vực biên giới”- Đại tá Đào Hồng Hà nhấn mạnh.
Thời gian tới, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Hà Giang sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng, các ban, ngành, đoàn thể, trực tiếp là Ban Dân vận Tỉnh ủy đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân, cán bộ, chiến sĩ thực hiện tốt chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân vận, dân tộc, tôn giáo. Đa dạng các mô hình, hình thức hỗ trợ đồng bào vùng biên. Đồng thời, coi trọng tăng cường mối quan hệ giữa cán bộ, chiến sĩ BĐBP với nhân dân; qua đó góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững mạnh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội gắn với phát triển kinh tế - xã hội vì một tuyến biên giới bình yên.
Bài 3: Không để lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo gây mất trật tự an ninh biên giới