Việc quản lý giá là trách nhiệm của Nhà nước
Ngày 11/10 vừa qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) công bố giá bán lẻ điện bình quân tăng từ mức 2.006,79 đồng/kWh lên mức 2.103,1159 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT), tương đương mức tăng 4,8% từ ngày 11/10.
Từ ngày 11/10, EVN điều chỉnh giá điện tăng 4,8% (Ảnh minh họa: TH) |
Đây là lần điều chỉnh tăng giá lần thứ 3 kể từ năm 2023. Trước đó, vào năm 2023, giá điện đã có 2 lần điều chỉnh tăng, lần thứ nhất vào ngày 4/5/2023 với mức điều chỉnh tăng hơn 55,9 đồng/kWh (tăng 3%) và lần điều chỉnh tăng thứ 2 vào ngày 9/11/2023 là 86,4168 đồng/kWh (tương ứng mức tăng 4,5%). Như vậy, giá điện tăng thêm trong năm 2023 là hơn 142,3 đồng/kWh, giá điện sau tăng giá là 2.006,79 đồng/kWh.
Chia sẻ với Vuasanca , PGS.TS Ngô Trí Long - chuyên gia kinh tế cho biết, điện là một lĩnh vực đặc quyền, do đó, trong cơ chế hiện nay, việc quản lý giá là trách nhiệm của nhà nước. Nhà nước quyết định dựa trên việc tính toán chi phí hợp lý và đảm bảo doanh nghiệp có lãi để tồn tại và phát triển. Hiện nay, giá điện được quản lý rất cẩn trọng vì điện là một mặt hàng chiến lược, ảnh hưởng lớn đến sản xuất, đời sống và nền kinh tế. Nó tác động đến lạm phát, tăng trưởng và an ninh xã hội. Trong khi chúng ta chưa có thị trường điện cạnh tranh thực sự, nhà nước vẫn phải kiểm soát thông qua việc kiểm soát chi phí và giá thành. Dựa trên những yếu tố này, nhà nước quyết định mức giá bán lẻ điện.
Hiện nay, giá điện sinh hoạt có 6 bậc và tính theo phương án lũy tiến. Tại sao lại có cơ chế lũy tiến? Theo PGS.TS Ngô Trí Long: Do sản xuất điện của Việt Nam vẫn chủ yếu sử dụng các nguồn nhiên liệu hóa thạch có giới hạn. Nếu không áp dụng cơ chế giá lũy tiến, người tiêu dùng sẽ không có động lực tiết kiệm. Càng dùng nhiều, giá càng cao, khác với các mặt hàng khác, càng mua nhiều càng rẻ. Điều này nhằm khuyến khích tiết kiệm năng lượng, vì nguồn cung điện có giới hạn trong khi nhu cầu ngày càng tăng.
Bên cạnh đó, theo báo cáo, năm 2023 EVN lỗ hơn 34.200 tỷ đồng từ hoạt động sản xuất kinh doanh điện. Ngay cả khi trừ đi thu nhập tài chính khác, số lỗ vẫn ở mức hơn 21.800 tỷ đồng.
Nguyên nhân khách quan như chi phí đầu vào tăng cao. Dù EVN đã cố gắng giảm chi phí thường xuyên và tìm kiếm nguồn năng lượng hợp lý hơn, giá mua điện vẫn cao hơn giá bán, dẫn đến tình trạng thua lỗ. Nếu không điều chỉnh giá, ngành điện không thể duy trì hoạt động.
PGS.TS Ngô Trí Long chia sẻ với phóng viên Vuasanca (Ảnh: Thu Hường) |
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 05/2024/QĐ-TTg ngày 26/3/2024 về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, đây là cơ sở để EVN quyết định thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 03 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất, có thể tăng hoặc giảm tùy vào chi phí đầu vào.
“Chúng ta phải chấp nhận điện là nguồn năng lượng cực kỳ quan trọng đối với sản xuất và đời sống. Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta không thể duy trì ổn định xã hội và kinh tế nếu thiếu điện. Vì vậy, dù giá điện có tăng, nhưng nếu được kiểm soát hợp lý bởi nhà nước, người tiêu dùng cũng cần phải chấp nhận mức giá cao hơn để đảm bảo hệ thống điện ổn định”- PGS.TS Ngô Trí Long nhấn mạnh.
Theo PGS.TS Ngô Trí Long, hiện nay, giá điện ở Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, việc này có thể gây khó khăn trong việc thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực năng lượng. Vì vậy, việc điều chỉnh tăng 4,8% trong thời gian qua là hợp lý và cần thiết, mặc dù hơi muộn khi ngành điện đã gặp phải tình trạng thua lỗ lớn.
Nói về chính sách giá điện, ông cho rằng, chính sách quản lý giá điện ở một số quốc gia khác, mỗi nước có cơ chế khác nhau tùy thuộc vào điều kiện kinh tế - xã hội của họ. Ví dụ, có những nước áp dụng cơ chế giá điện thống nhất, không phân biệt theo mức tiêu dùng, nhưng điều này không khuyến khích tiết kiệm năng lượng và không bảo đảm an sinh xã hội. Ở Việt Nam, việc áp dụng cơ chế giá điện lũy tiến giúp thúc đẩy tiết kiệm và hỗ trợ người tiêu dùng có thu nhập thấp.
Nền kinh tế Việt Nam đang chuyển đổi theo hướng thị trường
Theo TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, điện là yếu tố cực kỳ quan trọng, không chỉ cho sản xuất mà còn là nền tảng đảm bảo an sinh xã hội, phục vụ đời sống người dân. Điều này liên quan trực tiếp đến câu chuyện về giá điện và cách người dân phản ứng. Từ xưa đến nay, đảm bảo nguồn cung điện luôn đòi hỏi những khoản đầu tư lớn, vì vậy cần có mức giá phù hợp với cơ chế thị trường.
Vấn đề lớn hiện nay là đảm bảo tính minh bạch trong quản lý giá điện, tách bạch giữa giá thành sản xuất và hỗ trợ cho các đối tượng khó khăn (Ảnh minh họa: Thu Hường) |
Trước đó, chia sẻ với phóng viên Vuasanca bên lề hội thảo về góp ý Dự thảo Luật điện lực sửa đổi do Hội Dầu khí Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, TS. Võ Trí Thành cho rằng: “Ở Việt Nam, nền kinh tế đang dần chuyển đổi theo hướng thị trường, nhưng cũng cần có giải pháp hỗ trợ cho các nhóm dân cư khó khăn. Một trong những giải pháp quan trọng là hỗ trợ trực tiếp cho các gia đình nghèo, đặc biệt trong giai đoạn khủng hoảng hiện tại”- TS. Võ Trí Thành nói.
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, giữ ổn định kinh tế vĩ mô rất quan trọng và khẳng định: “Chúng ta đều biết, năm 2024 có nhiều yếu tố tác động đến giá điện, trong đó có cả những thay đổi về khung giá điện và các yếu tố bên ngoài như dịch bệnh. Mục tiêu của Chính phủ là phải vừa kiểm soát lạm phát, vừa đảm bảo nguồn cung điện, đồng thời giữ giá điện ở mức hợp lý để duy trì sự cạnh tranh của doanh nghiệp”.
TS. Võ Trí Thành cho hay: Theo các tổ chức quốc tế như IMF và Ngân hàng Thế giới, Việt Nam vẫn đang giữ được mức ổn định kinh tế dưới mục tiêu đề ra, bất chấp các thách thức. Vấn đề lớn hiện nay là đảm bảo tính minh bạch trong việc quản lý giá điện, tách bạch giữa giá thành sản xuất và hỗ trợ cho các đối tượng khó khăn. Nhà nước cần rõ ràng trong việc phân định phần nào là kinh doanh thuần túy và phần nào là trách nhiệm xã hội.
Việc phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt ở các khu vực hải đảo và vùng xa, cũng là một thách thức lớn. Giá điện cần phải dần dần tăng lên để phản ánh đúng chi phí sản xuất, nhưng đồng thời cũng không thể để giá quá cao khiến việc đầu tư trở nên không hấp dẫn. Chính phủ cần có các biện pháp cải cách mạnh mẽ, bao gồm cả việc tăng cường tính cạnh tranh trong thị trường điện và minh bạch hóa các quy trình kinh doanh, quản lý.
TS Võ Trí Thành (Ảnh: Thu Hường) |
Nói về chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với hộ nghèo về tiền điện, đại diện EVN cho biết, các hộ nghèo được hỗ trợ tiền điện hàng tháng tương đương với lượng điện sử dụng 30 kWh/hộ/tháng, đây là mức quy định theo Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 7/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ.
Đối với các hộ chính sách xã hội có mức sử dụng điện không quá 50 kWh/tháng, mức hỗ trợ cũng tương đương với số lượng điện sử dụng 30 kWh/hộ/tháng. Mức hỗ trợ hộ nghèo, hộ chính sách (áp dụng theo Quyết định 2941/QĐ-BCT ngày 08/11/2023 của Bộ Công Thương) là 59.500 đồng/hộ/tháng. Nếu áp dụng theo giá mới, mỗi hộ nghèo được hỗ trợ tiền điện khoảng 62.500 đồng/hộ/tháng.
“Chính sách này nhằm giảm bớt gánh nặng chi phí điện cho các hộ nghèo và hộ chính sách xã hội, giúp đảm bảo an sinh xã hội và thực hiện chủ trương của Chính phủ về hỗ trợ cho các đối tượng khó khăn”- đại diện EVN cho hay.