Bài 1: Phát triển cụm công nghiệp: Từ chủ trương đúng đắn của Đảng đến quyết liệt trong triển khai thực hiện Bài 2: Bộ Công Thương nỗ lực "xây nền chính sách" cho phát triển cụm công nghiệp |
Để phản ánh rõ ràng nhất nội dung, điểm mới và tác động của Nghị định 32/2024/NĐ-CP về quản lý phát triển cụm công nghiệp (Nghị định 32) tới phát triển cụm công nghiệp (CCN), phóng viên Vuasanca đã phỏng vấn ông Ngô Quang Trung - Cục Trưởng Cục Công Thương địa phương, Bộ Công Thương - đơn vị chủ trì soạn thảo Nghị định.
Ông có thể cho biết điểm mới nổi bật và những thay đổi của Nghị định số 32/2024/NĐ-CP về quản lý, phát triển cụm công nghiệp (CCN) vừa được Chính phủ ban hành so với những Nghị định số 68, Nghị định số 66?
Để tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý, phát triển CCN; đảm bảo quy hoạch, phát triển CCN bền vững, trật tự, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, kịp thời tháo gỡ những bất cập phát sinh trong thực tiễn, vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị định số 32/2024/NĐ-CP ngày 15/3/2024 về quản lý, phát triển CCN (Nghị định số 32) thay thế Nghị định số 68 và Nghị định số 66. Nghị định số 32 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/5/2024, có một số điểm mới nổi bật, thay đổi so với các Nghị định về quản lý, phát triển CCN trước đây.
Cụ thể, để phù hợp với quy định của Luật Đất đai hiện hành (khoản 2 Điều 149) về cơ chế cho thuê đất đầu tư kinh doanh hạ tầng CCN và hiệu quả hoạt động của các CCN do doanh nghiệp làm chủ đầu tư hạ tầng thời gian qua, Nghị định số 32 quy định mô hình chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN là doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức được thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh hạ tầng kỹ thuật CCN.
Ông Ngô Quang Trung - Cục trưởng Cục Công Thương địa phương, Bộ Công Thương. Ảnh Cấn Dũng |
Đối với các đơn vị đã được giao làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định số 68 tiếp tục hoạt động đến khi có quyết định sắp xếp, xử lý của cơ quan có thẩm quyền; thực hiện các quyền, nghĩa vụ của chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN tại Nghị định này và pháp luật liên quan.
Để phù hợp với Luật Đầu tư; kế thừa, giữ nguyên các nguyên tắc, nội dung quản lý đã được quy định tại Nghị định số 68, Nghị định số 66 đang phát huy hiệu quả; tiếp tục thể chế hóa tinh thần chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, tăng cường trách nhiệm cho cơ quan quản lý Công Thương địa phương trong quản lý CCN… Nghị định số 32 tiếp tục quy định thủ tục thành lập, mở rộng CCN (trong đó có lựa chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN) và đồng thời giao trách nhiệm Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, đề xuất cơ quan có thẩm quyền quy định dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN phù hợp với nội dung Báo cáo đầu tư thành lập, mở rộng CCN đã được phê duyệt không phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư theo pháp luật về đầu tư.
Phân cấp cho Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định (tại Quyết định thành lập, mở rộng CCN) việc điều chỉnh về tên gọi, vị trí thay đổi trong địa giới hành chính cấp huyện, diện tích tăng không quá 5 ha so với quy hoạch được phê duyệt và phù hợp với quy hoạch sử dụng đất cấp huyện và quy hoạch khác trên địa bàn; đồng thời cập nhật nội dung thay đổi để báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại kỳ lập, phê duyệt quy hoạch tỉnh tiếp theo.
Giao Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ thẩm quyền, quy định của pháp luật quyết định việc điều chỉnh nội dung hoặc bãi bỏ Quyết định thành lập, mở rộng CCN cho phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
Đối với điều chỉnh chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN, nếu CCN có công trình hạ tầng kỹ thuật hình thành từ ngân sách nhà nước thì UBND cấp tỉnh giao cho chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật được lựa chọn để quản lý, sửa chữa và vận hành phục vụ hoạt động chung của CCN. Kinh phí xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật CCN từ ngân sách nhà nước không được tính vào giá cho thuê đất, giá sử dụng hạ tầng kỹ thuật chung của CCN; chi phí quản lý, sửa chữa, vận hành công trình hạ tầng kỹ thuật được tính vào giá sử dụng hạ tầng kỹ thuật chung của CCN. Trường hợp pháp luật chuyên ngành quy định nội dung này thì thực hiện theo pháp luật chuyên ngành.
Về ưu đãi đầu tư đối với dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN và dự án đầu tư sản xuất kinh doanh trong CCN, Nghị định số 32 quy định CCN là địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN là ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư. Việc áp dụng ưu đãi đối với dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN, dự án đầu tư sản xuất kinh doanh trong CCN được thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành (về đất đai, pháp luật về thuế, pháp luật về tín dụng và quy định khác của pháp luật có liên quan) để đảm bảo đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật. Trường hợp pháp luật quy định các mức ưu đãi khác nhau thì áp dụng mức ưu đãi cao nhất.
Nghị định tiếp tục quy định chuyển tiếp về xử lý thành lập CCN hình thành trước Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg theo hướng đơn giản, linh hoạt xử lý cho địa phương nhưng vẫn phải đảm bảo nguyên tắc chung quản lý về CCN (thống nhất các nội dung của Quyết định thành lập CCN, xử lý trường hợp đối với CCN trên 75 ha, việc lựa chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN và xử lý công trình hạ tầng kỹ thuật hình thành từ ngân sách nhà nước - nếu có). Theo đó, Nghị định giao Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ tình hình thực tế, hiệu quả hoạt động của CCN, tổ chức rà soát lại hiện trạng đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hồ sơ pháp lý liên quan của CCN để làm rõ sự cần thiết, phù hợp quy định pháp luật, tính khả thi và quyết định việc thành lập CCN…
Thưa ông, ở Nghị định số 32, vai trò của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và Bộ Công Thương được “định vị” ra sao trong công tác quản lý, phát triển CCN?
Nghị định 32 quy định rất rõ vai trò của Bộ Công Thương cũng như Uỷ ban nhân dân tỉnh và các đơn vị liên quan trong quản lý, phát triển CCN.
Có thể nói, Nghị định số 32/2024/NĐ-CP đã thể chế hóa được tinh thần chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, tăng cường phân cấp quản lý cho chính quyền địa phương, cơ quan quản lý Công Thương địa phương (trong đó, đã phân cấp hoàn toàn cho chính quyền địa phương từ công tác xây dựng phương án phát triển CCN đến thành lập/mở rộng CCN, quản lý quy hoạch chi tiết xây dựng CCN, quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng và dự án đầu tư sản xuất kinh doanh trong CCN; ban hành quy chế, quy định theo thẩm quyền và tổ chức thực thi các chính sách, pháp luật về CCN…) để có đủ công cụ, điều kiện thực hiện vai trò, chức năng quản lý CCN trên địa bàn theo tinh thần của Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước.
Cụ thể, Nghị định số 32 quy định quyền hạn, trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh như sau: Chỉ đạo xây dựng, thực hiện phương án phát triển CCN trên địa bàn; quyết định thành lập, mở rộng, điều chỉnh hoặc bãi bỏ quyết định thành lập, mở rộng CCN; quy định hoặc trình cơ quan có thẩm quyền quy định việc hỗ trợ đầu tư từ ngân sách địa phương để xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài các CCN trên địa bàn; tổ chức thực thi các chính sách, pháp luật, kế hoạch hoạt động phát triển CCN trên địa bàn.
Chính phủ giao nhiệm vụ cụ thể cho Bộ Công Thương trong quản lý, phát triển cụm công nghiệp |
Ban hành Quy chế quản lý CCN, giải quyết các thủ tục triển khai dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và dự án sản xuất kinh doanh trong CCN theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông.
Chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức, cơ sở sản xuất triển khai dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, sản xuất kinh doanh trong CCN, thực hiện giải phóng mặt bằng, bồi thường, tái định canh, tái định cư, xây dựng hệ thống giao thông, cấp điện, cấp thoát nước, bưu chính viễn thông; bố trí quỹ đất trên địa bàn để xây dựng nhà ở cho người lao động của các CCN trong trường hợp cần thiết; tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư các CCN trên địa bàn.
Tổ chức rà soát, có kế hoạch, giải pháp xử lý dứt điểm các CCN, dự án đầu tư trong CCN gây ô nhiễm môi trường, sử dụng đất không hiệu quả, vi phạm pháp luật; có biện pháp xử lý, quản lý hiệu quả đối với các CCN trên địa bàn hình thành trước Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg ngày 19/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý CCN và không có chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật.
Chỉ đạo các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất việc chấp hành pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng, bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và các quy định khác của Nhà nước về CCN trên địa bàn; xử lý các vi phạm theo thẩm quyền.
Định kỳ hoặc đột xuất báo cáo Bộ Công Thương về tình hình CCN trên địa bàn; khen thưởng, đề xuất khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích về phát triển CCN; thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác về CCN theo quy định.
Trong vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về CCN trên phạm vi cả nước, Nghị định số 32 cũng quy định quyền hạn, trách nhiệm cụ thể của Bộ Công Thương.
Theo đó, Bộ Công Thương xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các chính sách, pháp luật, chương trình, kế hoạch, các mẫu văn bản, chế độ báo cáo thống kê, cơ sở dữ liệu về quản lý, phát triển CCN cả nước; có ý kiến đối với phương án phát triển CCN của các địa phương theo quy định.
Hàng năm xây dựng kế hoạch, dự toán kinh phí hoạt động phát triển CCN từ nguồn ngân sách trung ương, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt.
Thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế, hỗ trợ xúc tiến đầu tư phát triển CCN.
Định kỳ hoặc đột xuất kiểm tra, đánh giá hiệu quả thực hiện phương án phát triển, chính sách quản lý, phát triển CCN trên địa bàn cấp tỉnh; khen thưởng, xử lý kiến nghị, vi phạm pháp luật về CCN theo thẩm quyền, quy định của pháp luật liên quan.
Nghị định số 32 bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/5/2024, Bộ Công Thương có kế hoạch cụ thể như thế nào để nhanh chóng hướng dẫn thực hiện nhằm giúp các địa phương sớm triển khai áp dụng Nghị định vào thực tế thưa ông?
Ngay sau khi Nghị định số 32 được Chính phủ ban hành, Bộ Công Thương đã ban hành Công văn số 1817/BCT-CTĐP ngày 22/3/2024 gửi UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị chỉ đạo công tác quản lý, phát triển CCN trên địa bàn theo quy định của pháp luật, chủ động tổ chức thực hiện các nội dung quy định của Nghị định, nâng cao hiệu quả quản lý, đầu tư phát triển CCN; đã ban hành Quyết định công bố thủ tục hành chính mới ban hành trong lĩnh vực CCN thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Công Thương.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đang chuẩn bị tổ chức Hội nghị trực tuyến phổ biến Nghị định số 32 tới các địa phương, Bộ, ngành, tổ chức, cá nhân liên quan (dự kiến trong tháng 4/2024); đồng thời tập trung xây dựng, ban hành Thông tư quy định, hướng dẫn một số nội dung của Nghị định số 32 và thực hiện công tác quản lý khác theo thẩm quyền, quy định.
Xin trân trọng cám ơn ông!
Bộ Công Thương đang rốt ráo triển khai các hoạt động nhằm sớm phổ biến Nghị định số 32/2024/NĐ-CP giúp các địa phương áp dụng vào thực tế quản lý, phát triển CCN. |