Tại đây, các đại biểu đều cho rằng, xúc tiến thương mại là một trong những khâu yếu nhất trong chuỗi sản xuất nông sản của Việt Nam. Chương trình OCOP không thể thành công nếu chưa hóa giải được khâu này. Vậy Quảng Ninh giải quyết khâu yếu nhất này thế nào?
Đưa các sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng
Theo ông Nguyễn Mạnh Hà - Giám đốc Sở Công Thương Quảng Ninh, sau gần 4 năm triển khai, có thể khẳng định thành công lớn nhất mà chương trình Mỗi xã, phường một sản phẩm của Quảng Ninh mang lại là việc hình thành mạng lưới kết nối sản xuất, kinh doanh, tạo lập, phát triển mở rộng thị trường cho các sản phẩm OCOP phát triển bền vững.
Việc quảng bá các sản phẩm OCOP được tỉnh Quảng Ninh chú trọng. Tỉnh đã quy hoạch và xây dựng 21 trung tâm, điểm bán các sản phẩm OCOP trên địa bàn, tập trung tại các điểm du lịch, khu vực đông dân cư, thuận tiện về giao thông, thương mại, nhằm đưa các sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng.
Giải pháp này đã mang lại hiệu quả rõ nét, tiêu biểu nhất là các cửa hàng OCOP tại các điểm du lịch như: Khu di tích Yên Tử, Đền Cửa Ông, điểm dừng chân tại huyện Tiên Yên, Đầm Hà, tại TP. Móng Cái.... Đặc biệt, Trung tâm OCOP TP. Uông Bí thu hút hàng nghìn lượt người mua sắm, doanh thu đạt từ 200-300 triệu đồng/tháng, được đánh giá là trung tâm OCOP đạt hiệu quả cao nhất trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Giới thiệu sản phẩm OCOP tại Điểm dừng chân du lịch huyện Tiên Yên |
Ông Hà cho biết, trong thời gian tới, Quảng Ninh sẽ tiếp tục định hướng phát triển các cửa hàng OCOP tại các điểm du lịch thu hút đông du khách như: Cảng Tuần Châu, khu du lịch Bãi Cháy, khu dừng nghỉ tại thị xã Đông Triều, tại khu vực Cửa khẩu Móng Cái..., tạo ra thị trường sản phẩm OCOP Quảng Ninh để du khách cũng như người dân biết và mua sắm.
Giới thiệu sản phẩm OCOP tại nhiều hội chợ lớn của vùng và khu vực
Ngoài giải pháp đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng trên địa bàn, Quảng Ninh còn tích cực giới thiệu trực tiếp sản phẩm OCOP tại các hội chợ gắn với các hoạt động lớn của địa phương, của vùng, khu vực và quốc tế như: Hội chợ Thương mại ASEAN tại Nam Ninh (Trung Quốc), Hội chợ Thương mại và du lịch quốc tế Việt - Trung tại Móng Cái, Triển lãm quốc tế Công nghiệp thực phẩm Việt Nam (TP. Hồ Chí Minh), Hội chợ quốc tế Thương mại, du lịch và đầu tư hành lang kinh tế Đông Tây (TP. Đà Nẵng), Hội chợ Đặc sản vùng miền tại Hà Nội, Lễ hội Hoa anh đào - Mai vàng Yên Tử....
Thông qua các chương trình hội chợ, triển lãm, hội nghị kết nối cung cầu đã giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã trong tỉnh kết nối được với các nhà phân phối, đưa các sản phẩm có thương hiệu, sản phẩm nông sản tiêu biểu của Quảng Ninh như: Ngọc trai Hạ Long, chả mực giã tay, mực khô, sá sùng khô, rượu Ba Kích, trà Hoa Vàng, các loại trà thảo dược... đến với người tiêu dùng trong nước và quốc tế
Đặc biệt, qua 4 kỳ Hội chợ Mỗi xã, phường một sản phẩm tính từ năm 2014 và lần này là lần thứ V-2017 đã khẳng định các sản phẩm OCOP của Quảng Ninh ngày càng thu hút được sự quan tâm của người dân. Kỳ hội chợ sau được tổ chức quy mô hơn, tốt hơn, hiệu quả cao hơn kỳ trước. Bình quân mỗi kỳ hội chợ thu hút từ 60-70 ngàn lượt người tới tham quan, mua sắm. Doanh thu bán hàng trực tiếp của các gian hàng ngày càng tăng cao, từ 2-3 tỷ đồng đến nay đạt trung bình 5-6 tỷ đồng.
Các kỳ hội chợ Mỗi xã, phường một sản phẩm thu hút sự quan tâm của người dân |
Những con số trên đã minh chứng vấn đề kết nối tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm đầu ra cho các hợp tác xã, các hộ sản xuất được Quảng Ninh làm rất tốt. Qua đó cũng thể hiện sức hút mạnh mẽ của các sản phẩm OCOP nói riêng và Hội chợ OCOP Quảng Ninh nói chung.
“Chúng tôi cũng đánh giá rằng, việc tổ chức hội chợ và hoạt động xúc tiến thương mại ở các địa phương là cách làm nhanh nhất, kinh tế nhất và hiệu quả nhất để đưa sản phẩm OCOP đến với thị trường và người tiêu dùng” - ông Nguyễn Mạnh Hà khẳng định.
Phó chủ tịch thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh Đặng Huy Hậu: Xúc tiến thương mại đúng là khâu yếu nhất và khó thực hiện. Mỗi địa phương một cách làm. Đối với Quảng Ninh, chúng tôi làm vấn đề này rất tích cực và đã đạt những kết quả tích cực. Ví dụ như thông qua các hội chợ để kết nối được các nhà cung cấp, nhà sản xuất. Mỗi kỳ hội chợ tạo cơ hội cho nhà sản xuất và nhà cung ứng gặp nhau. Hội chợ OCOP lần thứ V-2017 không chỉ dừng lại ở kết nối sản phẩm của Quảng Ninh, mà còn cả sản phẩm của các tỉnh thành khác và vượt qua biên giới quốc gia sang các nước khu vực…. |