Người dân “khát” hội chợ OCOP
Hội chợ OCOP là một trong những hoạt động thường niên của Quảng Ninh từ chương trình Mỗi xã phường một sản phẩm, nhằm tạo ra một sản phẩm du lịch của địa phương. Hơn nữa, hội chợ còn là dịp thúc đẩy phát triển sản xuất, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP; đẩy mạnh cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam....
Năm 2017, Quảng Ninh tổ chức Hội chợ OCOP lần thứ V. Hội chợ lần này có quy mô lớn nhất với gần 230 gian hàng. Ngoài các gian hàng OCOP của Quảng Ninh, còn có sự tham gia của 38 tỉnh thành trong cả nước và các gian hàng của 3 nước: Thái Lan, Lào, Hàn Quốc. Hội chợ diễn ra trong 5 ngày đã thu hút được 54 ngàn lượt khách đến tham quan mua sắm với doanh số bán hàng đạt gần 7 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu bán hàng của các gian hàng OCOP Quảng Ninh đạt gần 3,9 tỷ đồng, tăng 28% so với Hội chợ OCOP lần trước. Doanh thu tiêu thụ hàng hóa của các gian hàng tỉnh ngoài và gian hàng quốc tế đạt xấp xỉ 3 tỷ đồng. Một số địa phương trong tỉnh có doanh thu bán hàng cao là thị xã Đông Triều đạt 6.442,5 triệu đồng, huyện Tiên Yên đạt 471 triệu đồng, TP. Móng Cái đạt 420 triệu đồng.…
Bà Nguyễn Thị Thanh - phường Hồng Hải, TP. Hạ Long cho biết: "Cứ nghe nói có Hội chợ OCOP là chúng tôi thích lắm. Hội chợ OCOP nào tôi cũng đi mấy lần, nhiều hôm đi về xách cả đống đồ không xuể. So với mọi năm, tôi thấy hội chợ năm nay không chỉ nhiều gian hàng hơn, sản phẩm phong phú hơn, đến từ nhiều vùng miền trong cả nước hơn, mà hội chợ được tổ chức trong Cung Quy hoạch vừa sang trọng, lịch sự, lại có điều hòa mát mẻ nên khách đến tham quan, mua sắm cũng cảm thấy thoải mái chứ không nóng bức, chật chội như mọi khi".
Cũng đã nhiều lần đến với hội chợ, chị Nguyễn Thị Bình (phường Hà Tu, TP. Hạ Long) khẳng định, sản phẩm OCOP của các địa phương vẫn luôn tạo ra sức hút mạnh mẽ. “Đây là lần thứ 4 tôi đến với Hội chợ OCOP. Lần nào đi dù chỉ định mua vài thứ nhưng khi về cũng mang được thêm rất nhiều đồ. Ban đầu tôi nghĩ sản phẩm tại các lần hội chợ đều giống nhau, nhưng mỗi lần tới lại thấy nhiều sản phẩm mới có mẫu mã, bao bì khá thu hút nên tôi muốn mua về dùng thử. Nói chung tôi khá hài lòng về giá cả và chất lượng”, chị Bình hào hứng nói.
Nỗ lực kết nối cung cầu
Trong khuôn khổ Hội chợ OCOP lần này, nhiều hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP đã diễn ra, trong đó, Hội thảo Giải pháp thúc đẩy xúc tiến thương mai sản phẩm chương trình quốc gia OCOP cũng đã được tổ chức. Đây là lần đầu tiên hội thảo được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với tỉnh Quảng Ninh tổ chức, lồng ghép hội chợ ở quy mô toàn quốc, với sự tham gia của lãnh đạo 59 tỉnh, thành phố, đại diện nhiều bộ, ngành Trung ương.
Đáng chú ý là hoạt động kết nối cung cầu năm nay được làm quyết liệt và thiết kế với kịch bản mới. Thực hiện chủ trương của Ban Chỉ đạo chương trình OCOP tỉnh Quảng Ninh, Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Ban Xây dựng nông thôn mới tổ chức Hội nghị kết nối cung - cầu sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp Quảng Ninh năm 2017, với sự tham gia của 48 doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh cho biết, với tốc độ phát triển cả về số lượng cùng chất lượng sản phẩm như hiện nay, Quảng Ninh sẽ hướng kết nối các sản phẩm OCOP và sản phẩm nông nghiệp tới những thị trường lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Bình Dương…, lớn hơn sẽ là các nước trong khu vực và thế giới.
Sản phẩm OCOP Quảng Ninh tham gia hội chợ tại TP. Hồ Chí Minh |
Để thực hiện mục tiêu này, Quảng Ninh tập trung kết nối các sản phẩm của chương trình với thị trường thông qua các kênh như: Tổ chức Hội chợ OCOP Quảng Ninh, tham gia các hội chợ trong và ngoài nước, quảng bá sản phẩm trên các phương tiện truyền thông. Qua đó kết nối các đơn vị sản xuất sản phẩm OCOP với thị trường tiêu thụ, phát triển các sản phẩm đảm bảo tính cạnh tranh, nâng cao giá trị nông sản địa phương.
Ông Nguyễn Đình Tuấn - Trưởng Ban Xây dựng nông thôn mới cho biết thêm, hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, tiêu thụ sản phẩm OCOP đã được các sở, ngành, địa phương và các đơn vị sản xuất hết sức coi trọng. Sau hơn 3 năm triển khai chương trình OCOP, đã tổ chức được một số hội nghị kết nối giữa những đơn vị doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất OCOP với các siêu thị lớn trên địa bàn như: Metro, BigC, VinMart và các đầu mối tiêu thụ khác nhằm đẩy mạnh hợp tác tiêu thụ sản phẩm cho người dân. Đến nay, toàn tỉnh đã có 24 trung tâm và các điểm bán hàng phục vụ nhân dân, du khách trong và ngoài tỉnh.
Hội nghị kết nối cung cầu sản phẩm OCOP và các sản phẩm nông nghiệp năm 2017 cũng nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trong và ngoài tỉnh tìm kiếm đối tác, với mục tiêu sản phẩm OCOP hướng đến thị trường rộng lớn hơn.
Tại đây, các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất đã ký kết các hợp đồng hợp tác hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, tiêu biểu như VNPost Quảng Ninh ký kết với 7 đơn vị sản xuất sản phẩm OCOP về kết nối sản phẩm OCOP lên sàn đặc sản Việt Nam; Big C ký kết với 4 đơn vị tiêu thụ sản phẩm OCOP; Trung tâm Xúc tiến thương mại Quảng NInh ký kết với 4 doanh nghiệp của các tỉnh Đồng Tháp, Hòa Bình, Lâm Đồng, Quảng Trị làm đầu mối tiêu thụ sản phẩm tại tỉnh.
Có thể nói, các sản phẩm OCOP Quảng Ninh đã và đang tiếp tục góp phần khẳng định thương hiệu của nông sản Quảng Ninh cũng như thành công của chương trình Mỗi xã, phường một sản phẩm. Đồng thời, các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu đã chắp cánh cho các sản phẩm OCOP của tỉnh Quảng Ninh không chỉ đến với người dân trong tỉnh và khách du lịch tại Quảng Ninh, mà sẽ còn vươn tới những thị trường lớn hơn.