Thời gian gần đây, dư luận xôn xao, bức xúc trước nhiều vụ việc các nhà sư có sức ảnh hưởng lớn đến nhiều Phật tử lại có những phát ngôn thiếu chuẩn mực, thậm chí gây phản cảm.
Sự việc nổi lên khi 02 vị sư Thượng toạ Thích Chân Quang và Đại đức Thích Nhuận Đức gây chú ý trên mạng xã hội với những bài thuyết giảng Phật pháp được nhiều Phật tử quan tâm, các phát ngôn gây tranh cãi này nhận nhiều phản ứng gay gắt từ dư luận xã hội. Hai vị tu sĩ đã biến tấu thiếu chuẩn mực những giáo lý đạo Phật qua các bài giảng ít nhiều làm tổn hại đến hình ảnh thanh tịnh của nền Phật giáo nước nhà.
Cụ thể, trong một buổi giảng đạo Đại đức Thích Nhuận Đức nói: “Mấy cô niệm Phật riết, mấy cô đẹp quá, nên mấy cô ngồi trước mặt Nhuận Đức, tự nhiên nhìn thấy mấy cô chảy nước miếng” và mới đây vị này còn bị đào lại clip nhạy cảm nói về đồng bào Khmer...
Được biết, ngày 6/6, Văn phòng II Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có thông báo về hình thức kỷ luật đối với Đại đức Thích Nhuận Đức vì những video thuyết giảng trên không gian mạng bị dư luận phản ánh, cho là phản cảm.
Theo đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam nghiêm cấm Đại đức Thích Nhuận Đức thuyết giảng trong mọi hình thức trong một năm. Không những thế, Đại đức Thích Nhuận Đức phải sám hối chư Tăng và Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đồng thời bị kỷ luật biệt chúng tổ đình Hộ Pháp (thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu).
Còn vị Thượng toạ Thích Chân Quang trong một buổi thuyết giảng có phát biểu: "Cái võng là nơi tiêu diệt hết công đức của chúng sinh" hay "Ai hát karaoke nhiều, người đó có nguy cơ chết làm ma câm", "người câu cá là những người lừa đảo"...
Đối với Thượng tọa Thích Chân Quang, ngày 19/6, Thượng tọa Thích Phước Nguyên - Phó tổng Thư ký Hội đồng trị sự, Chánh Văn phòng II Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã thay mặt Ban Thường trực Hội đồng Trị sự ấn ký thông báo về việc xử lý kỷ luật đối với Thượng tọa Thích Chân Quang.
Theo đó, Thượng tọa Thích Chân Quang không được thuyết giảng dưới mọi hình thức, không chủ trì tổ chức các sự kiện tập trung đông người tại Thiền tôn Phật Quang và các địa điểm khác trong thời gian 02 năm.
Thiền tôn Phật Quang và Thượng toạ Thích Chân Quang phải thu hồi tất cả các Phái Quy y Tam bảo có nội dung tự sửa 1 trong 5 giới không đúng với Ngũ giới do Đức Phật chế trong giới luật Phật giáo. Gỡ bỏ tất cả các bài giảng có nội dung gây hoang mang xã hội.
Thượng tọa Thích Chân Quang và Ban quản lý Thiền tôn Phật Quang phải chấn chỉnh sinh hoạt của các đạo tràng, chúng thanh niên Phật Quang tại các tỉnh, thành phố. Không đưa các bài giảng của Thượng tọa Thích Chân Quang lên các nền tảng mạng xã hội trong thời gian Thượng tọa Thích Chân Quang nhập thất sám hối tại Thiền tôn Phật Quang.
Có thể thấy rõ, những phát ngôn này ảnh hưởng tới hành vi, ứng xử của không ít Phật tử bởi những vị này đều là những tu sĩ có tầm ảnh hưởng nhất định trong xã hội.
Thượng toạ Thích Chân Quang và Đại đức Thích Nhuận Đức là hai trong số những vị tu sĩ có nhiều phát ngôn gây tranh cãi suốt thời gian qua. |
Trước thực trạng trên, vai trò của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là rất quan trọng trong việc quản lý những tổ chức, cá nhân có dấu hiệu sai phạm trong lĩnh vực của Giáo hội quản lý.
Những động thái vô cùng quyết liệt và mạnh mẽ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thời gian qua đối với 02 nhà sư trên đã chứng tỏ sự quyết tâm giữ vững uy tín của Phật giáo trước Đảng và Nhà nước cũng như quần chúng nhân dân.
Việc đưa ra hình thức kỷ luật này của Giáo hội Phật giáo cũng là để thực hiện nghiêm Thông tư 206/2020/TT-HĐTS, ngày 19/9/2020 của Ban thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam hướng dẫn việc sinh hoạt của tăng ni, trong đó có việc sinh hoạt trên không gian mạng.
Theo Thông tư này nêu rõ, tăng ni được quyền sử dụng không gian mạng để nâng cao kiến thức, tu học, nghiên cứu, tương tác, chia sẻ thông tin, phát huy tính mẫu mực đạo đức, lối sống của người xuất gia với các pháp lữ và tín đồ, cư sĩ Phật tử.
Tuy nhiên, tăng ni sử dụng không gian mạng không được thực hiện các hành vi: Phê phán pháp môn khác, tạo mâu thuẫn trong truyền thống tu học của Phật giáo Việt Nam, thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, xuyên tạc lịch sử Phật giáo Việt Nam và tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam, chia sẻ cảm xúc và hình ảnh cá nhân, tương tác và các hành vi khác không phù hợp với giáo pháp.
Từ những sự việc trên, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần có cơ chế giám sát minh bạch, chặt chẽ về các hoạt động thuyết giảng của tu sĩ, ngăn chặn những phát ngôn gây phản cảm và thiếu chuẩn mực.
Phát ngôn của nhà sư không chỉ là vấn đề riêng của giới tu hành, mà còn ảnh hưởng đến bộ phận người dân trong xã hội. Trước khi phát ngôn, các vị tu sĩ cần thực hiện đúng những quy định của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn và phát huy những giá trị Phật giáo, đồng thời xây dựng một hình ảnh tích cực, đáng tin cậy trong dư luận.
Bởi lẽ, "chiếc áo không làm nên thầy tu", mỗi tu sĩ cần tự ý thức về vai trò, trách nhiệm. Sự phát triển của Giáo hội Phật giáo không chỉ góp phần vào sự phát triển văn hóa tinh thần của đất nước, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn.
Những vụ việc vừa qua, những hình thức kỷ luật nghiêm khắc của Giáo hội Phật giáo là bài học lớn về sự cẩn trọng trong phát ngôn, thuyết giảng với quần chúng của các vị tu sĩ để tránh gây nên những dư luận xấu và việc phát huy giá trị truyền thống cao đẹp của Phật giáo Việt Nam.