Với nhu cầu mua sắm hiện đại, hình thức bán hàng online vượt trội với nhiều ưu điểm đã nhanh chóng thu hút được sự quan tâm của người tiêu dùng, tập trung ở giới trẻ. Vì thế, nhiều siêu thị ở Nghệ An như Big C, VinMart, HC, Hương Giang… đã mở thêm kênh bán hàng online song hành với cách bán hàng truyền thống. Cùng với đó, còn có trang bán hàng qua mạng như: Tiki, Ebay.vn, Lazada.vn, vatgia.vn... và rất nhiều cửa hàng nhỏ. Đặc biệt, các shop thời trang, mỹ phẩm sử dụng mạng xã hội như zalo, facebook cũng là mảnh đất rất màu mỡ cho các đối tượng bán hàng online, từ học sinh, sinh viên đến cả đội ngũ công chức, viên chức.
Mua hàng online ngày càng phổ biến bởi tính tiện lợi |
Các sản phẩm được rao bán qua mạng rất đa dạng, từ bình dân đến cao cấp, người tiêu dùng dễ dàng lựa chọn. Chị Nguyễn Hoàng Hà (Khu đô thị mới Vinh Tân, TP. Vinh) nói: Từ ngày kênh bán hàng online phát triển, hàng hóa đa dạng, đủ chủng loại, giá hấp dẫn, rẻ hơn thị trường khoảng 30%, nên tôi đã thành "tín đồ" mua hàng online. Hàng bán online có nhiều dịp thường rẻ hơn thị trường từ 10 - 20% vì người bán không phải thuê cửa hàng, tận dụng nhà làm kho chứa hàng và giao dịch mua bán.
Để siết chặt quản lý trong giao dịch thương mại điện tử (TMĐT), phải xác định rõ trách nhiệm của chủ sàn giao dịch để họ quản lý chặt hơn các sản phẩm sẽ được rao bán trên website.
Mua - bán online phát triển đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, nhưng chính từ đây lại nảy sinh tiêu cực vì không ít cá nhân đã lợi dụng ưu điểm này để tiêu thụ hàng giả, hàng kém chất lượng. Trong khi đó, sự quản lý của cơ quan chức năng cho loại hình mua bán này gần như bỏ ngỏ.
Chị Trần Thu Hiền - "tín đồ" mua hàng online - chia sẻ, không ít lần, chị mua hàng qua facebook nhưng sản phẩm khi nhận được không như hình ảnh quảng cáo. Liên hệ với chủ hàng shop online, thắc mắc, khiếu nại không được giải quyết - đây chính là vấn đề mà rất nhiều người tiêu dùng lo ngại khi mua hàng online.
Trả lời câu hỏi này, đại diện Cục Quản lý thị trường Nghệ An cho biết: Để chống hàng giả, hàng nhái tiêu thụ qua cách kinh doanh truyền thống, nhà quản lý có thể tiếp cận cơ sở phân phối, bán hàng để xử lý. Nhưng với bán hàng online, cơ quan kiểm tra phải đóng giả là người mua hàng, tìm đến nơi tập kết hàng mới có thể kiểm tra, chứ không thể phát hiện qua mạng. Ngoài ra, hàng giả mẫu mã, thương hiệu Việt thường dễ xử lý, nhưng với thương hiệu nước ngoài thường khó bởi không dễ tiếp cận chủ sở hữu. Công tác kiểm tra, giám sát loại hình kinh doanh này không hề đơn giản, khác hẳn phương thức thanh tra truyền thống, bởi người mua hàng đa số là cá nhân không cần lấy hóa đơn, phương thức thanh toán trực tuyến đa dạng như thẻ VISA cá nhân, thẻ điện tử… Vì vậy, để ngăn chặn tình trạng lợi dụng TMĐT, bán hàng online tiêu thụ hàng giả, hàng nhái, Bộ Công Thương cần có quy định chặt chẽ loại hình kinh doanh này để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng