Minh bạch về giá, tăng khả năng tồn tại của doanh nghiệp
Hoạt động trong ngành dược với nhiều cạnh tranh gay gắt, Nhà thuốc Thân Thiện phải đối với không ít khó khăn. Tuy nhiên, đơn vị này đã vươn lên nhờ thương mại điện tử.
Dược sĩ Phạm Văn Quí, đại diện Nhà thuốc Thân Thiện cho biết các hệ thống nhà thuốc lớn, mới mở có ưu điểm về công nghệ, thu hút hết thị phần khiến các nhà thuốc offline có nguy cơ phải đóng cửa.
Vì vậy, khi tiếp cận với thương mại điện tử, các nhà thuốc, đặc biệt là đơn vị nhỏ tăng cơ hội cạnh tranh và tồn tại hơn nhờ có khả năng tiếp cận được nhiều khách hàng hơn với chi phí thấp hơn. Đồng thời, để tồn tại được trên môi trường mạng, các nhà thuốc phải chuyên nghiệp hơn, cung cấp dịch vụ và sản phẩm tốt hơn.
Thế nhưng, thuốc là mặt hàng đặc biệt. Nhiều loại chỉ được bán dựa trên toa thuốc đã được bác sĩ kê. Vì vậy, với thương mại điện tử trong ngành dược, thuốc kê đơn là rất quan trọng.
Theo ông Quí, mô hình bán thuốc kê đơn online chính là khách hàng chụp ảnh đơn thuốc đã được bác sĩ kê rồi gửi qua cho nhà thuốc, và nhà thuốc giao hàng cho khách sau khi có hệ thống lưu trữ đơn. Mô hình này có rất nhiều tác dụng.
Ông Quí phân tích với thuốc kê đơn truyền thống, giá chỉ niêm yết tại cửa hàng, và mỗi cửa hàng có mức giá khác nhau, khách hàng rất khó biết để so sánh. Việc bán online sẽ giúp giá cả công khai, minh bạch hơn. Người tiêu dùng có thể tiếp cận được mức giá đúng với giá kê khai với Bộ Y tế.
Bán thuốc kê đơn online dù chưa được “luật hóa” nhưng đã bộc lộ nhiều lợi ích cho cả người bệnh và doanh nghiệp khi giá bán minh bạch hơn. Ảnh minh hoạ. |
Tuy nhiên, Luật Dược 2016 không có quy định cụ thể nào về bán dược trên không gian mạng. Chính vì vậy, doanh nghiệp kỳ vọng việc bán thuốc kê đơn online sẽ không bị cấm.
“Còn không cho bán thuốc kê đơn online thì đến đợt dịch bệnh hoặc khan hiếm, hoặc vùng xa thành phố, các bên bán lẻ thường đội giá lên rất nhiều, người dân không biết ai bán giá rẻ ai bán đắt mà chủ động chọn lựa. Vì vậy bán thuốc kê đơn online cũng là cách để giúp người cần thuốc ở xa đô thị tiếp cận được các loại thuốc đúng đơn, đúng giá”, ông Quí nhận định.
Chuyển đổi số để phát triển ngành dược
Phát biểu tại phiên họp đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội cho rằng cần bổ sung các quy định về nội dung chuyển đổi số trong các hoạt động của ngành dược ở Việt Nam.
Ông Nguyễn Anh Trí đánh giá chuyển đổi số cần được bổ sung vào Điều 7 quy định về chính sách của Nhà nước đối với phát triển ngành dược.
Một trong vấn đề nổi bật của chuyển đổi số trong ngành dược là việc kê đơn qua mạng. Theo ông Nguyễn Anh Trí, bên cạnh kê đơn qua mạng, chữa bệnh từ xa dần phát triển và việc kê đơn điện tử, tức đưa thuốc đến tận nhà cho người bệnh, là thương mại điện tử và sớm muộn sẽ diễn ra mạnh mẽ. Trong đó, hầu hết các loại thuốc được kê đơn.
Do đó, ông đề xuất nên cho phép áp dụng trong trường hợp khám, chữa bệnh từ xa với điều kiện thuốc do nhà thuốc có uy tín (được cho phép cung cấp) và người vận chuyển (shipper) có đăng ký do nhà thuốc có danh sách quản lý.
Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội “hoàn toàn đồng ý cho việc bán thuốc bằng giao dịch điện tử như trong dự thảo”. Theo ông Hiếu, việc này cấm không được mà cần phải quy định chặt chẽ.
Ông Hiếu đánh giá sau khi Luật Dược sửa đổi thông qua, nếu Bộ Y tế có thông tư hướng dẫn, chắc chắn các bệnh viện sẽ triển khai được, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân cũng như hạn chế tình trạng lộn xộn như hiện nay. Theo chiều ngược lại, không quản lý được thì cấm khiến rất nhiều người sẽ bị vi phạm pháp luật khi luật có hiệu lực.