Bản tin tiết kiệm điện ngày 15/6/2023 Bản tin tiết kiệm điện ngày 16/6/2023 |
Nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 20/CT-TTg về tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo; Hưởng ứng phong trào Tiết kiệm điện do Bộ Công Thương phát động, bên cạnh việc xây dựng chuyên mục “Tiết Kiệm điện – Mệnh lệnh cuộc sống”, Vuasanca sẽ tổng hợp, cập nhật thông tin về tiết kiệm điện hàng ngày.
Tiết kiệm tối thiểu 2,0% tổng điện năng tiêu thụ hàng năm
Một trong những mục tiêu tiết kiệm điện đặt ra trong giai đoạn 2023 - 2025 và các năm tiếp theo vừa được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký tại Chỉ thị số 20/CT-TTg đó là: Phấn đấu hàng năm tiết kiệm tối thiểu 2,0% tổng điện năng tiêu thụ.
Giảm tổn thất điện năng trên toàn hệ thống điện dưới 6% vào năm 2025 |
Đồng thời giảm tổn thất điện năng trên toàn hệ thống điện dưới 6% vào năm 2025; giảm bớt công suất phụ tải đỉnh của hệ thống điện quốc gia thông qua thực hiện các chương trình quản lý nhu cầu điện (DSM) và điều chỉnh phụ tải điện (DR), ít nhất 1.500 MW vào năm 2025.
Phấn đấu đến năm 2030 có 50% tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (phục vụ tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia). Đến hết năm 2025, phấn đấu 100% chiếu sáng đường phố sử dụng đèn LED.
Để đạt được mục tiêu, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, tổ chức đoàn thể - xã hội phối hợp với công ty điện lực tại địa phương xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch tiết kiệm điện cho đơn vị mình, đảm bảo hàng năm tối thiểu tiết kiệm 5,0% tổng điện năng tiêu thụ trong năm.
Xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện hiệu quả nội quy về tiết kiệm điện, các quy định về sử dụng, bảo dưỡng và sửa chữa các trang thiết bị tiêu thụ điện tại cơ quan, đơn vị.
Phổ biến, quán triệt thực hiện tiết kiệm điện tới toàn thể người lao động, đưa nội dung tiết kiệm điện vào chỉ tiêu đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, chấp hành kỷ luật nội bộ và thi đua khen thưởng hàng năm. Người đứng đầu cơ quan, công sở chịu trách nhiệm với những trường hợp vi phạm các quy định về tiết kiệm điện tại đơn vị mình…
Bên cạnh đó, các tổ chức, cá nhân quản lý vận hành hệ thống chiếu sáng công cộng, hệ thống chiếu sáng cho mục đích quảng cáo, trang trí ngoài trời chủ trì, phối hợp với cơ sở cung cấp điện xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch tiết kiệm điện, theo đó, phải đảm bảo tối thiểu tiết kiệm 30% tổng điện năng tiêu thụ trong giai đoạn 2023 - 2025 cho các hoạt động chiếu sáng trên.
Triển khai giải pháp công nghệ tiết kiệm điện trong chiếu sáng công cộng, sử dụng thiết bị chiếu sáng hiệu suất cao, tiết kiệm điện cho 100% công trình chiếu sáng công cộng chuẩn bị đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp.
Nhà hàng, khách sạn, cơ sở dịch vụ thương mại, tổ hợp văn phòng và tòa nhà chung cư tắt hoặc giảm tối thiểu 50% công suất chiếu sáng quảng cáo trang trí ngoài trời vào cao điểm buổi tối của hệ thống điện theo yêu cầu của công ty điện lực tại địa phương...
Tại các hộ gia đình: Sử dụng thiết bị điện được dán nhãn năng lượng theo Quyết định số 04/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng, áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu và lộ trình thực hiện.
Tắt các thiết bị điện khi ra khỏi phòng, cắt hẳn nguồn điện nếu không sử dụng thiết bị điện; chỉ sử dụng điều hòa nhiệt độ khi thật cần thiết và sử dụng ở chế độ, mức nhiệt độ phù hợp (chế độ làm lạnh từ 26 độ C trở lên); ưu tiên mua sắm phương tiện, thiết bị điện hiệu suất cao hoặc thiết bị điện có dán nhãn năng lượng đạt mức hiệu suất cao; hạn chế tối đa việc sử dụng bóng đèn sợi đốt.
Khuyến khích lắp đặt và sử dụng hệ thống điện mặt trời trên mái nhà tự dùng cho nhu cầu sử dụng tại chỗ, hệ thống đun nước nóng từ năng lượng mặt trời.
Cơ sở kinh doanh thương mại và dịch vụ: Xây dựng và tổ chức thực hiện các quy định nội bộ về sử dụng điện, quy tắc về sử dụng điện tiết kiệm, an toàn và hiệu quả tại các cơ sở kinh doanh, dịch vụ (siêu thị, trung tâm thương mại, nhà hàng, cơ sở lưu trú, cửa hàng, cửa hiệu, khách sạn, cơ sở dịch vụ thương mại, tổ hợp văn phòng, chung cư)…
Doanh nghiệp sản xuất: Xây dựng và thực hiện các giải pháp sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả như: đảm bảo sử dụng đúng công suất và biểu đồ phụ tải; thực hiện kế hoạch sản xuất hợp lý; hạn chế tối đa việc huy động các thiết bị, máy móc có công suất tiêu thụ điện lớn vào giờ cao điểm; hạn chế tối đa các thiết bị điện hoạt động không tải.
Lắp đặt, tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng gió vào hệ thống năng lượng nội bộ; ưu tiên sử dụng các thiết bị được dán nhãn năng lượng hiệu suất cao.
Các cơ sở sử dụng năng lượng có điện năng tiêu thụ từ 01 triệu kWh/năm trở lên phải tiết kiệm ít nhất 2% điện năng tiêu thụ trên một đơn vị sản phẩm mỗi năm hoặc phải tiết kiệm ít nhất 2% tổng điện năng tiêu thụ trong năm, rà soát, đảm bảo việc chấp hành, tuân thủ các quy định của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và các văn bản quy phạm pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, tiết kiệm điện có liên quan…
63/63 tỉnh, thành phố đã ban hành văn bản chỉ đạo về tăng cường tiết kiệm điện
Đến nay toàn bộ 63/63 tỉnh, thành trên cả nước đã ban hành văn bản chỉ đạo đẩy mạnh, tăng cường tiết kiệm điện tại địa phương trong mùa khô và cả năm 2023.
Theo đó, lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố đã giao các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, tổ chức chính trị xã hội, cơ quan, doanh nghiệp, các hộ sử dụng điện… khẩn trương triển khai biện pháp cấp bách nhằm tăng cường tiết kiệm điện, góp phần đảm bảo cung ứng điện ngay trên địa bàn.
Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông về tình hình cung ứng điện khó khăn trong năm 2023 trên phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương để các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp và người dân biết, cùng chia sẻ khó khăn và tăng cường thực hành tiết kiệm điện.
Ngoài ra, UBND các tỉnh, thành phố cũng giao Sở Công Thương và chính quyền địa phương phối hợp cùng ngành Điện trực tiếp theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện quy định về tiết kiệm điện và sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả.
Từ cuối tháng 4 đến nay, thời tiết nắng nóng diễn ra khắc nghiệt trên diện rộng với nền nhiệt độ cao hơn trung bình nhiều năm, dẫn đến nhu cầu sử dụng điện trên toàn quốc tăng cao, gây nguy cơ thiếu điện cho sản xuất và tiêu dùng. Sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả được xem là một trong những giải pháp cấp bách, quan trọng, góp phần bảo đảm điện cho phát triển kinh tế và đời sống xã hội.
Hạn chế sử dụng nhiều thiết bị điện giờ cao điểm
Khuyến cáo của các chuyên gia, trong khoảng thời gian cao điểm từ 9h30-11h30 sáng và 17h-20h tối, các hộ gia đình chỉ nên sử dụng những thiết bị cần thiết và thiết bị tiết kiệm điện đã được chứng nhận.
Đây là khung giờ mà lượng điện được tiêu thụ nhiều nhất. Vì thế, nếu sử dụng điện năng lãng phí, dùng quá nhiều thiết bị điện cùng lúc sẽ dẫn đến tình trạng quá tải.
Theo PGS.TS Bùi Xuân Hồi - Giảng viên Kinh tế Công nghiệp, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, vào giờ cao điểm, nhu cầu sử dụng điện nhiều, hệ thống phải huy động hết hoặc gần hết công suất để đáp ứng. Ngành điện lực phải huy động nguồn từ nhiều nhà máy, thậm chí huy động cả nguồn điện chạy bằng dầu mức chi phí cao.
Hơn nữa, vào giờ cao điểm, giá bán điện có sự chênh lệch lớn so với giá bán điện giờ thấp điểm. Chính vì thế, các hộ kinh doanh, sản xuất nên hạn chế tiêu thụ điện năng vào giờ cao điểm để vừa tiết kiệm chi phí điện vừa không gây lãng phí nguồn điện năng.
Bên cạnh đó, nếu chúng ta sử dụng thiết bị tiêu tốn nhiều điện năng cùng lúc vào giờ cao điểm còn có thể làm hỏng các linh kiện bên trong thiết bị đó. Bởi khi dòng điện suy yếu cũng đồng nghĩa điện áp cung cấp không đủ để thiết bị hoạt động, chẳng hạn như tủ lạnh cần điện áp 220v mà giờ cao điểm điện áp chỉ còn 180v, như vậy sẽ khiến tủ không đông đá…
Do đó, việc hạn chế sử dụng điện trong giờ cao điểm không chỉ giúp nguồn điện năng duy trì trạng thái ổn định, nâng cao chất lượng điện mà còn tăng hiệu suất kinh doanh, sản xuất đảm bảo sự sinh hoạt của người dân.
Những cách tiết kiệm điện thiết thực, thú vị trên thế giới
Từ lâu, trên thế giới, nhiều quốc gia đã phát động các chiến dịch tiết kiệm điện với những biện pháp đơn giản, thú vị nhưng hiệu quả và thiết thực.
Ví dụ tại Nhật Bản: Chính phủ quốc gia này thường xuyên kêu gọi các gia đình và ngành công nghiệp thúc đẩy tiết kiệm điện trong mùa hè cao điểm. Nổi tiếng phải kể đến chiến dịch "Cool Biz" (Công sở mát mẻ) được phát động vào mùa hè năm 2005, khuyến khích các nhân viên ăn mặc những bộ quần áo đơn giản, mát mẻ và giảm sử dụng điều hòa trong những tháng mùa hè.
Tháp Eiffel tắt đèn sớm để tiết kiệm điện |
Trong chiến dịch Cool Biz lần thứ nhất, Nhật Bản đã cắt giảm được 460.000 tấn khí thải carbon dioxide, tương đương lượng khí thải của 1 triệu hộ gia đình thải ra trong mỗi tháng.
Nhật Bản khuyến khích nhà hàng, văn phòng trồng các loại cây xanh để tạo bóng râm và làm mát không phí bên trong; sử dụng thiết bị điện thông minh, tiết kiệm năng lượng.
Thú vị hơn, gần đây các công ty điện lực Nhật Bản đưa ra các phần thưởng để khuyến khích các hộ gia định giảm sử dụng điện. Theo báo chí địa phương, chính phủ Nhật Bản có kế hoạch thưởng khoảng 2.000 yên cho hộ gia đình tiết kiệm năng lượng.
Tại Tây Ban Nha, doanh nghiệp không được phép bật điều hóa làm mát dưới 27 độ C hoặc làm ấm trên 19 độ C vào mùa Đông. Quy định có hiệu lực đến tháng 11/2023. Nước này cũng yêu cầu ngừng chiếu sáng các tượng đài. Các cửa hàng phải tắt đèn sau 10 giờ tối và có màn hình hiển thị nhiệt độ bên trong cho người qua lại biết.
Còn Đan Mạch thì đề xuất giảm tắm nước nóng từ 15 phút xuống 5 phút, sử dụng dây phơi quần áo thay cho máy sấy, sử dụng các thiết bị như máy rửa bát vào ban đêm để tận dụng điện giá thấp hơn. Biện pháp này được cho là giúp các gia đình tiết kiệm trên 1.000 USD mỗi năm.
Đối với Indonesia, từ năm 2016, Bộ Năng lượng và Tài nguyên khoáng sản nước này cũng đã khởi xướng phong trào “Tiết kiệm 10% năng lượng điện”, kêu gọi những hành động thiết thực, hướng đến các đối tượng chủ yếu như cơ quan của chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức xã hội và mỗi cá nhân.