Công thương - Vì vậy, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới ngày càng gắn bó chặt chẽ về nhu cầu hàng hóa, nền kinh tế thế giới không những có thể trở nên rất dễ tổn thương trước khủng hoảng mà còn tiếp tục tác động bất lợi đến quá trình phục hồi sau khủng hoảng.
Tuy nhiên, năm qua, những làn gió từ phương Đông đã giúp xua tan cơn bão tài chính khủng khiếp nhất trong vòng bảy thập kỷ trở lại đây, đồng thời thổi một luồng sinh khí mới vào hệ thống tài chính thế giới cũ kỹ được hình thành từ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2. Cảm nhận rõ nhất hơi ấm này là Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
IMF đã có một "sự khởi đầu mới" có thể nói là tốt đẹp khi Ban lãnh đạo định chế tài chính đa phương toàn cầu này nhất trí thông qua một quyết định lịch sử ủng hộ đề xuất của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G-20) về cải tổ IMF.
Theo lời ông Dominique Strauss-Kahn - Giám đốc điều hành IMF, đây là đợt cải tổ cơ cấu quản trị cơ bản nhất trong lịch sử 65 năm của IMF và là sự thay đổi có tầm ảnh hưởng lớn nhất từ trước tới nay.
Cơ quan quyền lực tối cao của IMF đã phê chuẩn kế hoạch điều chỉnh quyền đại diện và chi phối định chế tài chính này theo hướng có lợi cho các nền kinh tế mới nổi và những nước đang phát triển nhằm thừa nhận vai trò ngày càng quan trọng của họ trong nền kinh tế toàn cầu.
Thực chất của sự cải cách này nằm ở chỗ, các cường quốc kinh tế mới nổi sẽ nhận hai ghế trong Ban điều hành IMF, đồng thời có thêm 6% hạn ngạch bỏ phiếu trong các quyết định của quỹ. Với động thái điều chỉnh bất ngờ và lớn chưa từng có này, Trung Quốc từ vị trí thứ 6 nhảy lên ba bậc để trở thành một trong ba cổ đông lớn nhất của IMF, chỉ sau Mỹ và Nhật Bản.
Thỏa thuận này cũng khỏa lấp phần nào khoảng cách giữa nhóm các nước phát triển và đang phát triển khi tăng quyền bỏ phiếu cho các thành viên thuộc nhóm sau và đưa các cường quốc mới nổi là Ấn Độ, Brazil và Nga - các đối tác của Trung Quốc trong khối BRIC - vào tốp 10 cổ đông lớn nhất của IMF.
Trong khi đó, theo các chỉ số mới nhất công bố ngày 23/12, kinh tế Mỹ đang vượt qua giai đoạn khó khăn và có những dấu hiệu cho thấy, nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ đạt tốc độ tăng trưởng tích cực trong năm 2011.
So với cùng thời điểm năm 2009, kinh tế Mỹ trong những tháng cuối năm 2010 đã được cải thiện đáng kể, nhưng sự phục hồi này vẫn còn bấp bênh do tỷ lệ thất nghiệp cao. Những số liệu mới nhất cho thấy chi tiêu của người tiêu dùng đúng như dự báo đã cải thiện rất nhiều trong quý IV/2010.
Trong cuộc họp báo tổng kết năm, Tổng thống Mỹ Barack Obama nhấn mạnh kinh tế Mỹ đã vượt qua giai đoạn khủng hoảng nghiêm trọng. Các số liệu công bố một ngày trước Giáng sinh về tình trạng thất nghiệp, lạm phát, chi tiêu tiêu dùng và khu vực sản xuất dường như ủng hộ đánh giá của ông Obama.
Theo số liệu của Bộ Thương mại Mỹ, chi tiêu tiêu dùng của Mỹ trong tháng 11 năm nay tăng 0,4% so với tháng trước và đây là tháng thứ 5 liên tiếp chỉ số tiêu dùng tăng. Có nhiều dấu hiệu đáng khích lệ khác như thu nhập của người dân Mỹ tiếp tục tăng, chỉ số lòng tin của người tiêu dùng cũng tăng nhẹ trong tháng 12 và là mức tăng cao nhất kể từ tháng 6/2010.
Các số liệu về tình trạng thất nghiệp cũng khả quan hơn. Cụ thể, tỷ lệ thất nghiệp trong tuần từ ngày 12 đến 18/12 đã giảm xuống gần mức thấp nhất (tính theo tuần) trong năm 2010. Các báo cáo về tình hình sản xuất cũng khá sáng sủa, một dấu hiệu hứa hẹn khu vực chế tạo sẽ tiếp tục dẫn dắt kinh tế Mỹ phục hồi.
Trong khi đó, kim ngạch thương mại của Mỹ cũng tăng mạnh trong 10 tháng đầu năm, đạt 3.397 tỷ USD, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngày 23/12, số liệu của Bộ Thương mại Mỹ cho biết tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của nước này trong 10 tháng đầu năm đạt gần 1.493 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2009. Xuất khẩu tăng trưởng cao với sự hỗ trợ của đồng USD giảm giá và sự hồi phục ở hầu hết các nền kinh tế lớn.
Các lĩnh vực và ngành hàng xuất khẩu chủ lực bao gồm năng lượng sạch, công nghệ cao, xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ thông tin. Trong khi đó, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ trong khoảng thời gian này tại Mỹ đạt 1.904 tỷ USD, tăng 19,6% so với năm trước.
Nội các của Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan hôm 24/12 đã phê chuẩn dự thảo ngân sách nước này trong tài khóa 2011 (bắt đầu từ tháng 4/2011), ở mức kỷ lục 92.410 tỷ Yên (1.110 tỷ USD) trong bối cảnh chính quyền Tokyo tăng cường chi tiêu cho chính sách then chốt, giữa lúc các khoản chi tiêu cho phúc lợi xã hội tăng cao.
Ngân sách ban đầu của tài khóa 2011 đã vượt mức kỷ lục 92.300 tỷ Yên của tài khóa 2010. Quy mô khổng lồ này trái ngược với cam kết trước đó của ông Kan, theo đó ưu tiên vực dậy tình hình tài chính của đất nước, vốn lâm vào tình trạng tồi tệ nhất trong số các nền kinh tế phát triển.
Nhật Bản sẽ giảm lượng trái phiếu chính phủ mới phát hành còn 44.298 tỷ Yên so với mức kỷ lục 44.303 tỷ Yên của tài khóa trước. Tuy nhiên, toàn bộ lượng trái phiếu chính phủ phát hành sẽ đạt mức cao kỷ lục 169.590 tỷ Yên, do lượng trái phiếu tái cấp vốn tăng lên.
Trong khi đó, tại Trung Quốc, ngân hàng trung ương nước này (PBOC) thông báo từ ngày 26/12 sẽ tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25% đối với tất cả các khoản tiền vay và tiền gửi có kỳ hạn một năm. Cụ thể, lãi suất huy động và lãi suất cho vay sẽ được nâng lên lần lượt là 2,75% và 5,81%.
Đây là lần thứ hai trong vòng hơn hai tháng qua PBOC quyết định tăng lãi suất trong bối cảnh Bắc Kinh đang đẩy mạnh các nỗ lực nhằm hạn chế hoạt động cho vay và kiềm chế tỷ lệ lạm phát - vốn đã lên mức kỷ lục hồi tháng 11.
Quyết định trên được PBOC đưa ra chỉ một ngày sau khi giới chức ngân hàng này tuyên bố Bắc Kinh sẽ sử dụng một loạt biện pháp nhằm đưa nguồn cung tiền của nước này về mức bình thường để có thể kiểm soát tình trạng lạm phát và bong bóng tài sản.
Trước đó, hôm 19/12, PBOC đã thông báo tăng lãi suất cơ bản 0,25% đối với các giao dịch cho vay và tiền gửi bằng đồng Nhân dân tệ. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn một năm sẽ tăng từ mức 2,25% lên 2,5% và lãi suất cho vay cùng kỳ hạn cũng tăng từ 5,31% lên 5,56%. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 20/10.
Chủ tịch ECB Jean-Claude Trichet mới đây đã lên tiếng bác bỏ những lo ngại về giá trị của đồng euro. Đồng tiền này vốn đang phải chịu áp lực nặng nề, sau khi Moody's đã hạ 5 bậc xếp hạng tín dụng của Ireland trong tuần trước.
Trả lời phỏng vấn đài phát thanh vài ngày sau khi các nhà lãnh đạo EU nhất trí thành lập một quỹ cứu trợ vĩnh viễn cho các nước thành viên Eurozone, ông Trichet đánh giá euro là một đồng tiền đáng tin cậy, bởi nó luôn giữ được giá trị trong suốt 12 năm qua.
Theo ông, cuộc khủng hoảng nghiêm trọng hiện nay không phải là cuộc khủng hoảng đồng euro, mà là của sự ổn định tài chính trong khu vực và liên quan tới sự bất ổn của một số quốc gia riêng lẻ. Ông Trichet cũng cho rằng, những đề xuất về việc một số nước đang trong tình trạng căng thẳng về nợ chủ quyền, như Hy Lạp, cần rút ra khỏi Eurozone là những ý kiến "nực cười" và không có cơ sở.
VnEconomy