Chi quỹ BHYT đang tăng nhanh |
Tăng chi phí BHYT
Theo số liệu của BHXH Việt Nam, hiện tổng quỹ khám chữa bệnh (KCB) BHYT là 28.220 tỷ đồng, tuy nhiên, tổng chi KCB đã tăng 40% so với cùng kỳ năm trước (30.372 tỷ đồng), với tổng số tiền tăng thêm 8.545 tỷ đồng. Trong đó, nếu chia theo loại hình chi phí ngoại trú, nội trú, chi phí gia tăng đột biến tại khu vực KCB nội trú là 41%; nếu chia theo khu vực chi phí thì chi phí tăng tại khu vực KCB đa tuyến đến nội tỉnh là 50%.
Về nguyên nhân của tình trạng bội chi này, theo ông Phạm Lương Sơn, do đối tượng tham gia BHYT tăng 12%, tương ứng số tiền khoảng 2.941 tỷ đồng; tăng do áp dụng giá dịch vụ y tế mới từ tháng 3 đến tháng 6 khoảng 3.173 tỷ đồng; số tiền tăng thêm do tác động của thông tuyến huyện KCB là 1.399 tỷ đồng; số tiền tăng thêm còn lại do các nguyên nhân khác là 1.032 tỷ đồng (tần suất KCB nội trú tăng cao hơn quy luật thông thường năm, đối tượng phát triển tăng mới có tỷ trọng thuộc nhóm hộ gia đình tham gia cao…).
Tình hình tăng đột biến chi phí KCB và sử dụng quỹ BHYT địa phương, theo thông tin BHXH Việt Nam: Hiện 37 tỉnh có số chi vượt quỹ KCB được giao, với tổng số tiền vượt quỹ gần 3.404 tỷ đồng, tăng 22 tỉnh so với cùng kỳ năm 2015. Đặc biệt, toàn bộ 25 tỉnh đã vượt quỹ trong năm 2015 vẫn tiếp tục vượt quỹ 6 tháng 2016. Nhiều tỉnh có số vượt quỹ rất lớn (trên 100 tỷ đồng), gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam, Cà Mau, Thái Bình, Đà Nẵng, Phú Thọ, An Giang, Bình Định, Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang… Ngoài ra, có 35 tỉnh có tốc độ gia tăng chi phí tại tỉnh cao hơn mức bình quân chung 40%, đặc biệt, 16 tỉnh có mức gia tăng rất cao trên 50% như: Cà Mau, Bắc Giang, Tây Ninh, Hà Tĩnh, Lào Cai, Lạng Sơn, Bình Thuận, Hưng Yên, Kon Tum, Nam Định, Bắc Ninh, Bạc Liêu, Nghệ An, Lai Châu, Quảng Trị…
Tăng cường kiểm soát chi phí
“Trước tình hình gia tăng chi phí KCB BHYT và lộ trình tiếp tục tăng thực hiện giá dịch vụ y tế, BHXH Việt Nam sẽ chỉ đạo kiểm soát chi phí bảo đảm thực hiện trong phạm vi dự toán Chính phủ giao (72.700 tỷ đồng)” - ông Phạm Lương Sơn khẳng định.
Theo đó, BHXH Việt Nam sẽ đẩy mạnh chỉ đạo, làm việc trực tiếp với BHXH, UBND các tỉnh, thành phố, yêu cầu BHXH các tỉnh thực hiện tổng hợp, phân tích số liệu KCB BHYT hàng tháng, hàng quý tại các cơ sở KCB BHYT; so sánh đối chiếu với tháng trước, quý trước, cùng kỳ năm trước để phát hiện bất thường tại mỗi cơ sở KCB để tìm hiểu nguyên nhân và có các giải pháp can thiệp kịp thời.
Ngoài ra, BHXH Việt Nam tăng cường làm việc với các địa phương để xác định biện pháp kiểm soát chi phí gia tăng cho phù hợp với đặc thù cơ sở cung cấp dịch vụ y tế của từng tỉnh. Cụ thể, việc quản lý sẽ chia các địa phương thành 3 nhóm để thực hiện chỉ đạo can thiệp: Nhóm các tỉnh vẫn tự kiểm soát được chi phí KCB và cân đối trong quỹ KCB của tỉnh; nhóm các tỉnh có chi phí tăng cao nhưng vẫn đạt yêu cầu cân đối quỹ theo kế hoạch của BHXH Việt Nam đã giao; nhóm các tỉnh có chi phí tăng cao đột biến, khó kiểm soát, mất cân đối quỹ KCB BHYT lớn cần chỉ đạo can thiệp, có giải pháp giám sát tình hình thực hiện ngay.
Thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ tăng cường chỉ đạo nghiệp vụ, yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố rà soát, thống kế toàn bộ chi phí dịch vụ kỹ thuật phát sinh từ ngày 1/7/2016, thực hiện trên các trang thiết bị xã hội hóa lặp đặt không đúng quy định, như: Không trúng thầu hóa chất, vật tư y tế, cho mượn máy, không xây dựng đề án, thông báo với cơ sở y tế việc cơ quan BHXH tạm thời chưa chấp nhận thanh toán các chi phí này để báo cáo xin ý kiến của liên Bộ Y tế - Tài chính.
BHXH Việt Nam đề nghị cơ sở KCB các tỉnh tăng cường chất lượng KCB, có trách nhiệm kiểm tra, khai thác tiền sử KCB để tránh cấp thuốc, điều trị trùng. |