Ảnh: Internet
CôngThương - Theo nhận định của Công ty Nghiên cứu thị trường hàng đầu thế giới RiResearch and Markets, thị trường bảo hiểm Việt Nam có sự tham gia ngày càng nhiều của các các hãng bảo hiểm quốc tế. Điều này giúp kích thích cạnh tranh thị trường và có lợi cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, bên cạnh tốc độ phát triển mạnh mẽ của các loại hình bảo hiểm thì bảo hiểm du lịch ở Việt Nam vẫn còn giậm chân tại chỗ với tốc độ phát triển chậm chạp, chưa hấp dẫn khách du lịch.
Mặc dù chi phí dành cho việc mua bảo hiểm du lịch chiếm một phần rất nhỏ trong giá thành tour nhưng lại được đánh giá là có vai trò cốt yếu khi du khách phải đối mặt với những sự cố có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Nhưng du khách và doanh nghiệp lữ hành hầu như không quan tâm tới loại hình bảo hiểm này.
Vì vậy, khi có sự cố xảy ra trong quá trình tham gia tour du lịch như: ngộ độc thực phẩm, tai nạn, mất tài sản... thì khách du lịch không được hưởng các chế độ bảo hiểm nào. Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam: Năm 2010, ngành du lịch thu hút được hơn 4,5 triệu khách du lịch quốc tế, hơn 15 triệu khách du lịch nội địa và hơn 3 triệu khách Việt Nam. Nhưng đến 95% khách du lịch lữ hành trong nước và quốc tế do các công ty du lịch lữ hành ở Việt Nam đứng ra bán sản phẩm du lịch không mua bảo hiểm cho khách du lịch.
Theo quy định của Luật Du lịch, bảo hiểm du lịch không bắt buộc với khách du lịch nội địa. Bên cạnh đó, do lịch trình tour nội địa phần nhiều là ngắn ngày nên tâm lý khách thường chủ quan, cho rằng bảo hiểm du lịch là không cần thiết. Họ chỉ quan tâm đến giá thành hợp lý chứ không nghĩ tới độ an toàn và tránh rủi ro trong suốt hành trình.
Thực tế hiện nay, không chỉ với các tour nội địa mà ngay cả các tour nước ngoài, khách du lịch cũng không mấy mặn mà với bảo hiểm du lịch mà chỉ coi là điều kiện bắt buộc khi tham gia tour. Hơn nữa, đến nay vẫn chưa có chế tài xử phạt những công ty lữ hành làm trái quy định, mặc dù theo Luật Du lịch quy định các công ty kinh doanh bảo hiểm du lịch lữ hành trong nước và quốc tế phải mua bảo hiểm cho khách hàng…
Hiện rất nhiều doanh nghiệp lữ hành tìm cách né tránh mua bảo hiểm này, bởi theo họ, chi phí bảo hiểm tính vào giá thành khiến giá tour tăng lên, trong khi, các công ty đang cố gắng cắt giảm mọi chi phí để giảm giá thành, thu hút khách.
Theo Hiệp hội Bảo hiểm, với mức thu như hiện nay (1.500đ/ngày/khách nội địa và 1,5USD/ngày/khách nước ngoài) chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong giá thành tour. Nếu nói cắt giảm chi phí bảo hiểm để giảm giá thành thì chưa hợp lý, bởi để có giá cạnh tranh, các hãng lữ hành hoàn toàn có thể điều chỉnh, cắt giảm các chi phí khác. Hơn nữa, bảo hiểm du lịch cho khách hàng là nghĩa vụ của các công ty du lịch lữ hành chứ không phải là lựa chọn hay là dịch vụ gia tăng mà phí bảo hiểm đã được tính trong giá tour.
Để khắc phục những tồn tại, giúp khách du lịch an tâm đi du lịch, Hiệp hội Bảo hiểm cho rằng, cần tuyên truyền cho các doanh nghiệp cũng như khách du lịch thấy sự cần thiết của bảo hiểm du lịch. Đồng thời, Đại sứ quán Việt Nam khi cấp VISA cho khách nước ngoài vào Việt Nam cũng nên bắt buộc họ phải mua bảo hiểm du lịch như hầu hết các đại sứ quán các nước đang thực hiện.