Cải cách TTHC tạo lợi ích cho xã hội và người dân |
Đặc biệt, thời gian thực hiện các TTHC để tham gia và hưởng các chế độ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) của các đơn vị, doanh nghiệp (DN) được rút ngắn từ 235 giờ xuống còn 81 giờ. Theo nhận định của đại diện lãnh đạo ngành BHXH Việt Nam - cho biết, kết quả này mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng DN và người dân. Tuy nhiên, để đồng bộ với việc cải cách TTHC, đòi hỏi phải ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) để tiến tới tự động hóa trong xử lý và giải quyết các chế độ chính sách trong ngành.
Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 19-2016/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020. Cùng với các bộ, ngành khác, ngành BHXH đã và sẽ tiếp tục nỗ lực để đạt được các mục tiêu đề ra trong Nghị quyết. Cụ thể, phấn đấu các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh đạt tối thiểu bằng trung bình của nhóm nước ASEAN 4; đến năm 2017 đạt mức trung bình của nhóm nước ASEAN 4 trên một số chỉ tiêu về năng lực cạnh tranh thuộc nhóm chỉ số nâng cao hiệu quả; mục tiêu đến năm 2020, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh đạt mức trung bình của các nước ASEAN 3 trên một số chỉ tiêu thông lệ quốc tế.
Theo đó, ngành BHXH Việt Nam đề ra mục tiêu giảm số giờ giao dịch điện tử xuống còn 45 giờ vào năm 2016. Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu này rất cần phải có sự phối hợp của các đối tác giao dịch. Bởi, đến nay, giao dịch điện tử với các đơn vị sử dụng lao động mới chỉ đạt 75%; còn 25% nữa rơi vào những DN nhỏ ít có giao dịch. Vì vậy, đòi hỏi nhà nước phải có giải pháp hỗ trợ để làm sao toàn bộ 100% DN thực hiện giao dịch điện tử. Hoặc, nếu 12.777 cơ sở khám chữa bệnh cũng đều thực hiện giao dịch điện tử thì chắc chắn chúng ta sẽ đạt được mục tiêu mà Chính phủ giao.
Để thực hiện thành công Nghị quyết 19-2016/NQ-CP, BHXH Việt Nam cũng đã công khai các thủ tục hành chính lĩnh vực BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp được chuẩn hóa trên cơ sở dữ liệu quốc gia. Đồng thời, điện tử hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành; kết nối chia sẻ thông tin giữa các cơ quan, tổ chức quản lý, kiểm tra chuyên ngành với Cổng thông tin một cửa quốc gia. Triển khai thiết lập hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý kiến nghị và kết quả giải quyết thủ tục hành chính để người dân và DN đánh giá, phản ánh về chính sách, thủ tục hành chính BHXH. Đẩy mạnh tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua mạng hoặc dịch vụ bưu điện. Đặc biệt, sẽ thúc đẩy xây dựng năng lực, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước lĩnh vực BHXH. Thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến; thực hiện hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO vào hoạt động của ngành. Thường xuyên kiểm tra, kết quả thực hiện; xử lý nghiêm cán bộ, công chức và người đứng đầu thiếu trách nhiệm, gây phiền hà cho người dân và DN.
Được biết, hiện BHXH Việt Nam đang tích cực phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xây dựng cơ chế liên thông kết nối thông tin về DN, tạo điều kiện thuận lợi cho DN đăng ký lao động thực hiện BHXH, BHYT; triển khai thực hiện việc sử dụng mã số DN duy nhất, sử dụng chữ ký số trong tất cả các quan hệ với các cơ quan quản lý nhà nước và trong các hoạt động của DN. Nâng cao năng lực phân tích chính sách cho khu vực tư nhân, nhất là các chính sách tác động tới hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Ngành BHXH Việt Nam kỳ vọng, từ nay đến cuối năm, sau khi quyết liệt thực hiện cải cách thủ tục hành chính sẽ giúp giao dịch điện tử giảm xuống còn 45 giờ. |