Cần thực hiện nhiều giải pháp để phát triển đối tượng tham gia BHXH |
Tại Hội nghị triển khai công tác lao động, người có công và xã hội năm 2018 mới đây, đại diện Bộ LĐ-TB&XH cho biết, năm 2017, Bộ đã chú trọng thực hiện tốt chính sách tiền lương, BHXH, BH thất nghiệp và cải thiện quan hệ lao động. Đặc biệt đã triển khai Chỉ thị số 34/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp phát triển đối tượng tham gia BHXH.
Theo đó, năm 2017, tổng số người tham gia BHXH đạt 13,811 triệu người chiếm 25,2% lực lượng lao động; 11,4 triệu người, tham gia BH thất nghiệp. Ngoài ra, Bộ LĐ-TB&XH đã cùng ngành BHXH giải quyết trên 9 triệu lượt người hưởng BHXH, trên 660.000 lượt người hưởng BH thất nghiệp. Đồng thời, đã trình Chính phủ điều chỉnh mức đóng BHXH bắt buộc vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động. Công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được tăng cường, tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực như: Người có công, BHXH; công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục chính sách pháp luật được chú trọng...
Tuy nhiên, Bộ LĐ-TB&XH cũng nêu những tồn tại, hạn chế đang phải đối diện như: Đổi mới giáo dục nghề nghiệp còn chậm, chưa thực sự gắn với nhu cầu của xã hội; chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế; nhất là quản lý nhà nước về BHXH còn bất cập, việc tuân thủ pháp luật về BHXH của nhiều đơn vị chưa nghiêm. Đời sống một bộ phận dân cư còn khó khăn, đặc biệt là đối tượng bảo trợ xã hội. Trong khi đó, công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý các lĩnh vực của ngành còn hạn chế; đầu mối các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, ngành còn lớn; hoạt động cung cấp dịch vụ công của các đơn vị hiệu quả chưa cao.
Với những khó khăn trước mắt, năm 2018, Bộ LĐ-TB&XH sẽ có những giải pháp cụ thể để hoàn thành các nhiệm vụ đề ra. Đồng thời, đặt chỉ tiêu, kế hoạch là giải quyết việc làm cho 1,6 triệu người lao động; tỷ lệ tham gia BHXH trong lực lượng lao động đạt 26,5-28%. 99% hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú; 100% đối tượng bảo trợ xã hội đủ điều kiện được hưởng trợ cấp hàng tháng… Ghi nhận những kết quả mà ngành LĐ-TB&XH đạt được, đồng thời chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần khắc phục, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, Bộ LĐ-TB&XH cần đặc biệt chú trọng thực hiện tốt chính sách tiền lương, BHXH, BH thất nghiệp, an toàn vệ sinh lao động, cải thiện quan hệ lao động. Đặc biệt, cần tập trung xây dựng, hoàn thiện Đề án cải cách chính sách BHXH và chính sách tiền lương trong khu vực sản xuất, kinh doanh; hướng dẫn, phổ biến, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về lao động, tiền lương.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ LĐ-TB&XH cần chủ động theo dõi, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan giải quyết kịp thời các tranh chấp lao động, giảm thiểu các vụ đình công của người lao động. Tăng cường thực hiện các giải pháp phát triển đối tượng tham gia BHXH, BH thất nghiệp. Nghiên cứu, xây dựng đề án giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH vào chỉ tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của từng địa phương.
Ngành LĐ-TB&XH cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về cải cách tiền lương, chính sách bảo hiểm và một số nội dung liên quan đến lĩnh vực ngành quản lý trình Hội nghị Trung ương lần thứ 7. |