Trên thế giới, có rất nhiều bảo tàng cà phê được thành lập ở các quốc gia như Brazil, Colombia, Ethiopia, Đức, Anh, Nhật Bản… nhưng Bảo tàng Thế giới Cà phê ở Việt Nam là bảo tàng sống lớn nhất, độc đáo nhất, đặc sắc nhất và là một phần trong tổng thể của “Thủ phủ Cà phê Toàn cầu” đang được nỗ lực hiện thực hóa tại Buôn Ma Thuột.
Thành phố Cà phê rộng trên 45ha |
Bảo tàng Thế giới Cà phê đã thành hình với kiến trúc nương theo không gian quen thuộc đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên linh thiêng: Nhà dài. Đây là một tổ hợp bao gồm các không gian trưng bày bảo tàng, không gian triển lãm, không gian thư viện ánh sáng, không gian thưởng lãm cà phê, không gian hội thảo… Các không gian được kết nối với các không gian mang tính mở trong công viên cà phê. Chính việc thiết kế có hình khối dựa trên nền tảng kiến trúc nhà dài và sóng âm từ tiếng chuông ngân được cách điệu thành những đường cong đa hình và uyển chuyển được giao thoa với nhau để tạo nên hình khối kiến trúc được đặc biệt và độc đáo mới mẻ.
Bảo tàng thiết kế theo không gian đặc trưng vùng đất Tây Nguyên |
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk - Nguyễn Hải Ninh chia sẻ: Sự kiện khai trương Bảo tàng Thế giới Cà phê được coi là hoạt động mở màn cho Lễ hội Cà phê 2019. Bảo tàng Thế giới Cà phê là một công trình kiến trúc rất đặc biệt, khác biệt với cách sắp đặt trưng bày hiện vật mang đậm nét văn hóa truyền thống của người Ê Đê tại Buôn Ma Thuột. Nếu như mục tiêu của Tập đoàn Trung Nguyên Legend là đưa Việt Nam trở thành Thủ phủ Cà phê Toàn cầu thì mục tiêu của tỉnh Đắk Lắk là từng bước đưa Buôn Ma Thuột trở thành điểm đến của cà phê thế giới. Chính vì lý do đó, tôi rất mong tỉnh Đắk Lắk sẽ đồng hành cùng Tập đoàn Trung Nguyên Legend cùng thực hiện mục tiêu chung: Đưa Buôn Ma Thuột trở thành Thủ phủ Cà phê Toàn cầu – là điểm đến của những người yêu và đam mê cà phê trên toàn thế giới.
Phục vụ cà phê trong bảo tàng |
Hiện nay, giá trị ngành cà phê toàn cầu đạt hơn 100 tỷ USD, riêng xuất khẩu đạt 20 tỷ USD. Việt Nam tuy là nước xuất khẩu cà phê nhiều thứ 2 thế giới, sau Brazil. Thế nhưng kim ngạch xuất khẩu ước tính mỗi năm, chỉ mang về xấp xỉ 4 tỷ USD – chiếm hơn 10% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam do chỉ xuất khẩu thô cà phê chưa qua chế biến.
Du khách tham quan bảo tàng |
Vì vậy, Bảo tàng Thế giới Cà phê không chỉ là điểm đến của cộng đồng yêu và đam mê cà phê trên toàn thế giới mà còn định vị lại giá trị của ngành cà phê Việt Nam trên bản đồ cà phê thế giới, góp phần đưa ngành cà phê Việt Nam đạt được con số xuất khẩu cà phê 20 tỷ USD, chiếm 20% tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê toàn cầu.