Ảnh minh họa |
Thực tế, nhu cầu nhà ở trong các chung cư “xanh” hiện nay không ngừng tăng cao.
Quý I/2016, Hà Nội đã có 10.000 căn hộ mở bán, tăng 13% so với quý IV/2015, tập trung nhiều ở quận Thanh Xuân, Nam Từ Liêm. Bên cạnh đó, trong quý IV/2015, thị trường Hà Nội đã có nguồn cung không nhỏ nhà ở từ các dự án lớn: Gold Markcity, Sunsquare, Tràng An- Complex, FLC- Twintower, Imperia Garden...
Tại TP.Hồ Chí Minh, quận 2 đang là nơi đầu tư BĐS quan trọng vì trong tương lai nơi đây sẽ trở thành một trung tâm hành chính - kinh tế mới của thành phố.
Địa ốc quận 9, quận 7 đang rất phát triển do được nối kết với sân bay Long Thành trong tương lai qua đường cao tốc Sài Gòn - Long Thành - Dầu Giây, chưa kể các dự án khu đô thị hiện đại lớn nằm trong lòng trung tâm thành phố. Hầu hết các dự án đều hướng tới 4 chữ “văn minh, hiện đại”...
Theo kiến trúc sư Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị - Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ đô thị hóa nhanh nhất Đông Nam Á (theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới). Do vậy, chiến lược phát triển nhà ở đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030, cần phải hướng tới “xanh” và “văn minh”.
Các chuyên gia đều nhận định rằng, đô thị theo hướng thông minh, xanh và bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu sẽ là “lối thoát” cho các nhà đầu tư BĐS. Tại TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội đã có nhiều dự án theo xu hướng của thời đại, ví dụ: Time City, Ecopark, An Khánh, Gate Way, Phú Mỹ Hưng. Đây chính là các dự án đáp ứng “tiêu chuẩn sống mới” của cư dân, đặc biệt là tầng lớp trung lưu. Khách hàng sẵn sàng trả giá cao hơn cho các công trình xanh như: Vingroup, Novaland, Đại Quang Minh, FLC...
Để thị trường BĐS đáp ứng “tiêu chuẩn sống mới”, các cơ quan quản lý nhà nước cần sớm nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện khung pháp lý về đất đai, nhà ở, các cơ chế có liên quan đến đầu tư BĐS, tạo cơ sở thông thoáng cho doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư xây dựng những khu đô thị văn minh, hiện đại.