Đề nghị thu hồi giấy phép hoạt động điện lực nếu thủy điện không đền bù cho dân Một cửa hàng xăng dầu tại tỉnh Kon Tum bị rút giấy phép hoạt động |
“Lưu viện tối thiểu 3 ngày, chi phí 1,5 triệu đồng/ngày đêm”?
Trong vai khách hàng có nhu cầu đi phẫu thuật thẩm mỹ, nhóm phóng viên Vuasanca đã nhiều lần đến cơ sở của Bệnh viện Thẩm mỹ Kangnam tại địa chỉ 190A-B đường Trường Chinh, quận Đống Đa, TP. Hà Nội. Vừa bước vào bên trong, một nữ nhân viên niềm nở đón tiếp và hướng dẫn khách ngồi chờ. Ít phút sau, nữ nhân viên khác đến mời khách lên tầng 2 để bác sĩ thăm khám.
Sau màn tự giới thiệu, tư vấn và thăm khám cho khách có nhu cầu thẩm mỹ nha khoa, người phụ nữ tên Phạm Thị Kim Th, tự xưng là nhân viên tư vấn của Bệnh viện Thẩm mỹ Kangnam cho biết: “Nếu phẫu thuật xương hàm thì mình sẽ phải gây mê và phải lưu viện tối thiểu 3 ngày ở tại đây. Một phòng sẽ có 2 giường, phòng khép kín, có điều hòa tủ lạnh, phòng tắm”.
Theo nữ nhân viên này, bất kỳ khách nào đến sử dụng dịch vụ phải tiến hành gây mê (như phẫu thuật xương hàm và phẫu thuật ngực) thì phải nằm ở lại viện. Bởi theo quy trình gây mê, khách phải nằm theo dõi tối thiểu trong vòng 24 giờ sau khi phẫu thuật.
Khi phóng viên đặt vấn đề lo ngại về điều kiện nằm lưu trú tại bệnh viện, nhân viên này liền trấn an: “Bệnh viện thẩm mỹ này có liên kết với Hàn Quốc, nên chị yên tâm về chất lượng. Chị có thể ở lại tối đa 3 ngày, nhưng có thể ra viện sớm hơn. Có người ở hôm trước, hôm sau đã ra viện, nó phụ thuộc vào sức khỏe mỗi người khác nhau. Trước khi ra viện, bác sĩ sẽ khám sức khỏe, nếu đủ điều kiện thì mới được ra viện. Còn bình thường, nếu chỉ cắm implant (kỹ thuật trồng răng giả), thì nằm 2 ngày thôi”.
Khám bệnh nhưng không đeo bảng tên (Ảnh cắt từ Clip) |
Sau khi xong xuôi phần khám răng, biết tại đây có dịch vụ thẩm mỹ nâng ngực đang được quảng cáo với nhiều mỹ từ, phóng viên đã đề cập đến nhu cầu muốn thẩm mỹ nâng ngực, thì được nhân viên Th. đon đả: “Thời gian phẫu thuật nâng ngực chỉ mất khoảng 1,5-2 giờ. Chị sẽ ở lại nằm viện theo dõi 2-3 ngày. Chị cứ yên tâm, từ ăn uống đã có đội ngũ chăm sóc hậu phẫu cho chị. Phần này đã tính trong chi phí, chứ không tính thêm nữa. Sau phẫu thuật nâng ngực khoảng 10 ngày trở ra là bình thường”.
Tư vấn một hồi, nữ nhân viên này dẫn nhóm phóng viên đến một căn phòng ở tầng 2 và giới thiệu có bác sĩ thăm khám sàng lọc trước khi phẫu thuật nâng ngực. Qua quan sát, nam bác sĩ này không đeo bảng tên.
Nhìn thấy khách hàng, nam bác sỹ nhẹ nhàng bắt chuyện và tư vấn nhiệt tình. Thấy khách hàng tỏ vẻ lo lắng về sự an toàn khi tiến hành phẫu thuật nâng ngực tại bệnh viện, thì vị bác sĩ này khẳng định: “Phẫu thuật phải an toàn vì liên quan đến giải phẫu. Em sẽ được khám tổng quát về sức khỏe, sau đó sẽ bàn tiếp có làm được không. Nếu khách làm thì sẽ phải gây mê và ở lại. Thời gian 2-3 hôm đầu tiên là thời điểm phức tạp nhất, em đã ở đây rồi”.
Vị bác sĩ này thông tin thêm, khi khách hàng thực hiện dịch vụ nâng ngực, thì người thân không phải ở lại trông coi, vì bệnh viện sẽ chăm sóc hết. “Ai cũng phải ở lại, gây mê xong phải theo dõi ít nhất 24 giờ mới được về. Không phải tiểu phẫu xong là về ngay đâu” – bác sĩ này cho hay.
Nữ nhân viên tư vấn tại bệnh viện cho biết, chi phí sẽ là 1,5 triệu đồng/ngày đêm. (Ảnh cắt từ Clip) |
Để khách hàng yên tâm sử dụng dịch vụ, đứng bên cạnh, nữ nhân viên tên Th. cũng “chêm” thêm vài câu quảng cáo về chất lượng dịch vụ, cũng như uy tín của bác sĩ trực tiếp phẫu thuật để tạo “niềm tin” khách hàng.
Khi đề cập đến việc, sau khi phẫu thuật nếu bệnh nhân muốn ở lại thêm thì có được không? Nữ nhân viên Th. cho biết, mọi chi phí đã có trong gói dịch vụ bao gồm: Gây mê, ăn uống, truyền dinh dưỡng, truyền giảm đau khi nằm viện… “Còn nếu bác sĩ bảo ra viện sau 2 ngày nhưng nếu chị muốn ở lại thêm 3-4 ngày chẳng hạn, thì chi phí sẽ là 1,5 triệu đồng/ngày đêm”.
Những ngày sau, nhóm phóng viên khác tiếp tục tìm đến Bệnh viện Thẩm mỹ Kangnam để trải nghiệm dịch vụ. Nhân viên tại đây tiếp tục khẳng định, khách hàng có thể lưu trú qua đêm tại cơ sở của bệnh viện ở địa chỉ 190A-B, đường Trường Chinh, quận Đống Đa, TP. Hà Nội.
Nhân viên nói “có”, đại diện bệnh viện nói “không”?
Để xác minh thông tin việc Bệnh viện Thẩm mỹ Kangnam có được phép điều trị lưu trú hay không, nhóm phóng viên Vuasanca đã có buổi làm việc với Sở Y tế Hà Nội. Ông Nguyễn Quang Trung – Trưởng Phòng Quản lý hành nghề y dược tư nhân cho biết, theo giấy phép hoạt động cấp năm 2018, Bệnh viện Thẩm mỹ Kangnam có quy mô 20 giường bệnh, không có lưu trú qua đêm.
Ông Trung cho hay, tính đến thời điểm này, Bệnh viện Thẩm mỹ Kangnam chưa được phép chuyển đổi mô hình bệnh viện quy mô 20 giường nằm điều trị trong ngày thành điều trị nội trú tại cơ sở số 190A-B, đường Trường Chinh, quận Đống Đa, TP. Hà Nội. “Từ năm 2018 đến giờ, bệnh viện này không có thay đổi gì về quy mô, tính chất hoạt động theo Bộ Y tế cấp phép”, ông Trung thông tin.
Cũng theo ông Trung, nếu có việc quảng cáo, tư vấn cho khách hàng lưu trú tại bệnh viện là việc quảng cáo quá phạm vi được cấp phép. “Còn về tổ chức thực hiện có lưu trú thực sự hay không cần đủ thông tin. Nếu các bạn nhân viên tư vấn như vậy có thể cũng phải xử lý. Thanh tra Sở Y tế sẽ xử lý, thậm chí Bộ Y tế cũng xử lý nếu có sai phạm” – ông Trung nói.
Tại buổi làm việc, Sở Y tế Hà Nội cung cấp nội dung cấp phép hoạt động của Bệnh viện Thẩm mỹ Kangnam. |
Liên quan đến những thông tin trên, bà Nguyễn Diệu Linh – Phụ trách truyền thông Bệnh viện Thẩm mỹ Kangnam cho biết: “Hiện tại bên mình chưa cho lưu trú qua đêm. Một số khách có nhu cầu lưu trú qua đêm, thì bên mình sẽ chuyển qua một số bệnh viện có hợp tác như Bệnh viện Đại học Y và Bệnh viện đa khoa Hồng Hà. Mình cũng đã gửi hồ sơ lên UBND TP. Hà Nội xin chuyển đổi và đang chờ câu trả lời của cơ quan chức năng”.
Trước thông tin phóng viên cung cấp việc nhiều người tự xưng là bác sĩ, nhân viên tư vấn tại cơ sở của Bệnh viện Thẩm mỹ Kangnam khẳng định, khách hàng có nhu cầu sẽ được lưu trú qua đêm tại bệnh viện, bà Linh phân trần: “Việc tư vấn đó là phát ngôn của mọi người. Tôi chưa nhận được phản hồi gì về việc này. Trong trường hợp có, bên mình sẽ tổ chức kiểm điểm lại các bạn nhân viên, bác sĩ đã tư vấn như vậy”.
Khi phóng viên cung cấp thông tin việc tại các thời điểm khác nhau, nhiều cá nhân tư vấn về việc bệnh viện điều trị nội trú, bà Linh lý giải: “Việc này mình sẽ báo cáo lại lãnh đạo để cùng nhau xem xét phương án kỷ luật nhân sự, cũng như mức độ họ đã tự động phát ngôn và sẽ thông tin lại”.
Liên quan đến những nội dung trên, phóng viên đã liên hệ Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), nhưng nhiều ngày trôi qua, đại diện đơn vị này chỉ “hứa hẹn” sẽ trả lời và đến nay chưa có phản hồi.