Truy tố Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh Lê Thanh Thản tội lừa dối khách hàng Hành trình khởi nghiệp của "đại gia điếu cày" Lê Thanh Thản Truy tố ông Lê Thanh Thản: Khách hàng mua nhà sẽ ra sao? |
Ông Lê Thanh Thản (73 tuổi), Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Mường Thanh, bị Viện Kiểm sát Nhân dân TP. Hà Nội truy tố về tội lừa dối khách hàng, theo khoản 2 Điều 198 Bộ luật Hình sự, khung hình phạt 100 - 500 triệu đồng hoặc phạt tù 1-5 năm. Ông Thản bị khởi tố, áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú từ ngày 5/7/2019.
Nội dung cáo trạng cho thấy, tại cơ quan điều tra, ông Thản khai nhận do nóng vội trong việc nắm bắt cơ hội kinh doanh nên chưa kịp hoàn thiện các thủ tục hành chính trình các cấp có thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch xây dựng chi tiết 1/500 của dự án.
Ông Lê Thanh Thản bị truy tố vì tội lừa dối khách hàng |
Ngày 31/7/2019, ông Thản có đơn đề nghị khắc phục hậu quả của vụ án theo 3 phương án. Một là chấp nhận xử phạt vi phạm hành chính theo quy định. Hai là tự thoả thuận với người mua nhà tại CT6C để di dời sang dự án khu đô thị Thanh Hà – Cienco5 (cũng do ông Thản làm chủ). Ba là tự thoả thuận với cư dân CT6C để mua lại căn hộ hoặc trả lại tiền mua nhà, sau đó sẽ tự phá dỡ.
Trong quá trình điều tra, ông Thản lựa chọn phương án tự thỏa thuận với người mua nhà tại tòa CT6C Kiến Hưng để mua lại nhà hoặc trả lại tiền mua nhà, sau đó sẽ tự phá dỡ nhà CT6C Kiến Hưng.
Tuy nhiên, đến nay Công ty Bemes không thỏa thuận được với khách hàng. Do đó, ông Lê Thanh Thản đề nghị Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - chi nhánh Nam Hà Nội bảo lãnh số tiền bị can phải trả lại cho khách hàng theo quy định của pháp luật. Đến ngày 27/11/2019, Ngân hàng BIDV - chi nhánh Nam Hà Nội đã phát hành Công văn xác nhận bảo lãnh số tiền 530 tỷ đồng để khắc phục hậu quả cho bị can Lê Thanh Thản tại dự án CT6 Kiến Hưng.
Sau khi Cơ quan điều tra ra bản kết luận điều tra, kết luận số tiền thu lợi bất chính của bị can Thản là hơn 534 tỷ đồng, ngày 20/10/2020, ông Thản có đơn đề nghị xem xét lại khoản tiền thu lợi bất chính; vì bị can phải chi phí cho việc đầu tư xây dựng công trình CT6 Kiến Hưng gồm các khoản chi hơn 632 tỷ đồng. Tuy nhiên, kết quả điều tra bổ sung chỉ có căn cứ xác định số tiền thuế giá trị gia tăng của 488 căn hộ không được cấp sổ đỏ bị can đã nộp hơn 53 tỷ đồng được đối trừ với số tiền thu lợi bất chính. Hành vi của bị can Thản bị Viện Kiểm sát xác định đã thu lợi bất chính hơn 481 tỷ đồng, cũng chính là số tiền gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho 488 khách hàng.
Về quyền lợi quyền lợi của khách hàng cũng như việc cấp sổ đỏ cho các căn hộ sai phạm tại dự án CT6 Kiến Hưng, ngày 24/4, trả lời Vuasanca , Luật sư Nguyễn Hưng (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội), cho rằng, việc xử lý hình sự ông Lê Thanh Thản và việc cấp sổ đỏ cho khách hàng đã mua nhà của Tập đoàn Mường Thanh là hai việc hoàn toàn khác nhau.
Theo Luật sư Nguyễn Hưng, trách nhiệm của ông Thản là bồi thường thiệt hại và khắc phục hậu quả cho người mua nhà do hành vi lừa dối khách hàng gây ra. Ông Thản sẽ phải bồi thường số tiền đã được cơ quan điều tra xác định là hơn 480 tỷ đồng. Tuy nhiên, ở đây có vấn đề phát sinh là một số người đang ở trong các căn hộ hiện nay lại không phải là người mua nhà từ đầu, mà họ chỉ mua lại của những người trước đó, giá mua lại cũng cao hơn giá ông Thản bán rất nhiều.
Bên cạnh đó, giá thị trường của các căn hộ hiện nay cũng tăng lên so với giá thời điểm ông Thản bán. Vì vậy rất khó thực hiện được phương án ông Thản trả lại tiền để người mua trả lại nhà.
“Vụ án này trước mắt sẽ chỉ giải quyết được phần hình sự là trách nhiệm của ông Thản, còn quyền lợi của khách hàng cũng như việc cấp sổ đỏ cho các căn hộ sai phạm này phải chờ các cơ quan chức năng giải quyết”, Luật sư Nguyễn Hưng nói.
Vẫn theo cáo trạng, ngoài truy tố ông Lê Thanh Thản, Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh, tội “lừa dối khách hàng” liên quan sai phạm liên quan dự án CT6 Kiến Hưng (Hà Đông, Hà Nội). Viện Kiểm sát cũng truy tố 6 cán bộ về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.