Khai mạc Tuần lễ giới thiệu các sản phẩm OCOP, nông đặc sản của Sóc Trăng tại TP. Hồ Chí Minh Khai mạc Tuần lễ giới thiệu các sản phẩm OCOP, đặc trưng của Bình Dương tại TP. Hồ Chí Minh |
Sản phẩm OCOP phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng
Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) chính thức triển khai trên cả nước từ năm 2018 với trọng tâm là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường.
Sản phẩm OCOP phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng (Ảnh: Thanh Minh) |
Tại Bình Dương, thời gian qua, Chương trình OCOP được tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh triển khai thực hiện, đồng thời xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Qua đó, góp phần khai thác tiềm năng của địa phương, nâng tầm giá trị hàng hóa nông sản, phát triển kinh tế khu vực nông thôn.
Theo ghi nhận, sản phẩm OCOP của Bình Dương phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng qua hằng năm. Cụ thể, tính đến cuối năm 2023, toàn tỉnh Bình Dương có 49 chủ thể kinh tế (15 doanh nghiệp, 11 hợp tác xã, 6 trang trại, 1 tổ hợp tác, 16 cơ sở sản xuất - hộ kinh doanh) có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP với 103 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên.
Doanh nghiệp, hợp tác xã kết nối trực tiếp với các doanh nghiệp phân phối, đầu mối xuất nhập khẩu và các chợ đầu mối trong Tuần lễ kết nối, giới thiệu quảng bá sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng, công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh Bình Dương tại TP. Hồ Chí Minh(Ảnh: Thanh Minh) |
Đến nay, toàn tỉnh Bình Dương có 219 sản phẩm OCOP của 99 chủ thể, gồm: 31 công ty, 14 hợp tác xã, 8 trang trại, 45 hộ kinh doanh và 1 tổ hợp tác. Trong đó có 207 sản phẩm OCOP 3 sao, 12 sản phẩm 4 sao. Các sản phẩm OCOP có chất lượng tốt, bảo đảm an toàn thực phẩm, mẫu mã đẹp, nguồn gốc sản xuất rõ ràng, tạo được niềm tin của người tiêu dùng.
Ông Võ Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương - cho biết, nhằm tiếp tục nâng cao giá trị sản phẩm, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn bền vững tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn năm 2021-2025.
Theo đó, đến năm 2025, phấn đấu 100% số xã trong toàn tỉnh có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP. Trong đó, có thêm 150 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên và ít nhất có 40% chủ thể OCOP là hợp tác xã, 30% chủ thể là doanh nghiệp nhỏ và vừa và ít nhất 50% làng nghề truyền thống có sản phẩm OCOP…
Tăng cường xúc tiến thương mại nâng cao giá trị sản phẩm OCOP
Thời gian qua, tỉnh Bình Dương đã có nhiều giải pháp thực hiện có hiệu quả chương trình OCOP. Sau khi các chủ thể được công nhận OCOP tỉnh đã tạo điều kiện cho các sản phẩm được quảng bá, tiêu thụ tốt hơn.
Thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, Bình Dương đưa các sản phẩm OCOP của địa phương đến gần hơn với người tiêu dùng trong và ngoài nước (Ảnh: Thanh Minh) |
Đáng chú ý, cùng với việc tạo điều kiện để các sản phẩm đạt chứng nhận, tỉnh Bình Dương tiếp tục xây dựng chính sách hỗ trợ các chủ thể và các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP, bảo đảm đạt chứng nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên.
Đặc biệt, để tiếp tục mở rộng thị trường, đưa sản phẩm OCOP vươn xa, hướng đến xuất khẩu, UBND tỉnh Bình Dương chỉ đạo các sở ngành liên quan phối hợp tăng cường quảng bá, giới thiệu, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, nâng cao giá trị sản phẩm. Qua đó, hỗ trợ cho các doanh nghiệp tìm kiếm, phát triển mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, khai thác một cách bền vững, hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của địa phương, góp phần triển khai thực hiện có hiệu quả mục tiêu của Bộ Công Thương về việc đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa và hoạt động xuất khẩu, trong đó phát triển thị trường ổn định và bền vững.
Trả lời phóng viên Vuasanca , bà Phan Thị Khánh Duyên - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương - cho biết: Để nâng cao giá trị và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP, Sở đã và đang đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, truyền thông rộng rãi cho sản phẩm OCOP.
Bình Dương đẩy mạnh xúc tiến thương mại, giới thiệu quảng bá sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng, công nghiệp nông thôn tiêu biểu tại TP. Hồ Chí Minh (Ảnh: Thanh Minh) |
Theo đó, Sở phối hợp với các đơn vị liên quan cùng doanh nghiệp đồng hành để phối hợp tổ chức các chương trình hội chợ, hội nghị, tuần lễ giới thiệu, triển lãm sản phẩm, giúp doanh nghiệp, cơ sở sản xuất liên kết, kết nối với hệ thống siêu thị, nhà phân phối để nông dân, hợp tác xã ký gửi và tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm.
Cùng với đó, đẩy mạnh xúc tiến thương mại trên môi trường công nghệ số, các trang mạng, sàn thương mại điện tử uy tín cho các sản phẩm OCOP của tỉnh. Đồng thời, xây dựng bộ cẩm nang sản phẩm OCOP của tỉnh hoặc lồng ghép với các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư, du lịch, thương mại để giới thiệu sâu các sản phẩm thế mạnh, tiêu biểu của tỉnh đến khách hàng trong ngoài nước.
Theo ghi nhận, nhiều sản phẩm sau khi được công nhận đạt chuẩn OCOP đã xây dựng được thương hiệu và có thị trường tiêu thụ ngày càng rộng mở, tạo được niềm tin của người tiêu dùng. Đặc biệt doanh số bán ra ngày càng tăng, góp phần nâng cao lợi nhuận cho các chủ thể. Đơn cử như sản phẩm OCOP 3 sao tổ yến của Công ty TNHH yến Hiếu Hằng tại huyện Phú Giáo (tỉnh Bình Dương). Đây là một trong những sản phẩm OCOP và mô hình OCOP tiêu biểu của tỉnh Bình Dương.