Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có 9 Khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư.
Trong thời gian qua, chủ đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp đã và đang tích cực hoàn thiện các thủ tục có liên quan để xây dựng hạ tầng trong khu công nghiệp và kêu gọi doanh nghiệp thứ cấp vào đăng ký hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Trong đó, khu công nghiệp Phan Thiết giai đoạn 1 (huyện Hàm Thuận Bắc) được thành lập năm 1998, với diện tích 68,36 ha, đến nay Công ty Cổ phần Vật liệu xây dựng và Khoáng sản Bình Thuận đã đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật và thu hút lấp đầy diện tích đất cho thuê.
Khu công nghiệp Phan Thiết giai đoạn 2 (TP. Phan Thiết và huyện Hàm Thuận Bắc) được thành lập từ năm 1998, với diện tích 40,70 ha, đến nay Công ty TNHH Thép Trung Nguyên đã đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật và thu hút lấp đầy diện tích đất cho thuê.
Khu công nghiệp Hàm Kiệm 1 (huyện Hàm Thuận Nam) được thành lập từ năm 2009, với diện tích 132,67 ha, Công ty Cổ phần Tư vấn thương mại dịch vụ Địa Ốc Hoàng Bình Thuận làm chủ đầu tư hạ tầng, nhưng đến nay tỷ lệ lấp đầy chỉ đạt 43,04%.
Các ngành nghề đang thu hút đầu tư vào khu công nghiệp Hàm Kiệm 1 hiện nay là công nghiệp chế biến lương thực, chế biến thịt, trái cây; công nghiệp may mặc, giày da; công nghiệp lắp ráp máy móc nông ngư cụ; công nghiệp lắp ráp điện - điện tử; sản xuất hàng tiêu dùng, hàng gia dụng, bao bì các loại; sản xuất gạch men, vật liệu trang trí nội thất; công nghiệp cơ khí, lắp ráp phương tiện vận tải; sản xuất hàng mộc, gia dụng, thủ công mỹ nghệ; sản xuất xà phòng, mỹ phẩm; cơ khí lắp ráp, sản xuất cấu kiện cơ khí; dịch vụ trung chuyển và vận chuyển kho bãi.
Bình Thuận tích cực mời gọi doanh nghiệp thứ cấp vào đăng ký hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các khu công nghiệp trên địa bàn. |
Khu công nghiệp Hàm Kiệm 2 (huyện Hàm Thuận Nam) được thành lập từ năm 2009, với diện tích là 402,06 ha, Công ty Cổ phần Đầu tư Bình Tân làm chủ đầu tư hạ tầng, nhưng hiện nay tỷ lệ lấp đầy chỉ mới đạt 28,03%.
Các ngành nghề tiếp tục thu hút đầu tư vào khu công nghiệp Hàm Kiệm 2 là kéo sợi, dệt may; chế biến thực phẩm đóng hộp, nước giải khát; sản xuất hàng tiêu dùng, hàng gia dụng, bao bì các loại, giày da; cơ khí lắp ráp, sản xuất cấu kiện cơ khí; chế biến gỗ gia dụng, thủ công mỹ nghệ; sản xuất gạch men, gốm sứ phục vụ trang trí nội thất; lắp ráp đồ điện tử, điện gia dụng, linh kiện máy tính, truyền thông và cảm biến; chế biến mỹ phẩm và các chế phẩm; chiết nạp khí hóa lỏng (LPG); dịch vụ kho bãi; sản xuất phân bón hữu cơ; sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm, tôm cá; sản xuất dược liệu; sản xuất vật liệu xây dựng, bê tông và các sản phẩm từ bê tông, xi măng và thạch cao.
Khu công nghiệp Sông Bình (huyện Bắc Bình) được thành lập từ năm 2013, với diện tích 300 ha, Công ty Cổ phần Rạng Đông làm chủ đầu tư hạ tầng, đến nay tỷ lệ lấp đầy chỉ đạt 29,61%. Các ngành nghề mà Khu công nghiệp Sông Bình hiện nay đang thu hút đầu tư là các ngành nghề chế biến sâu khoáng sản titan.
Khu công nghiệp Tuy Phong (huyện Tuy Phong) được thành lập từ năm 2013, với diện tích 150 ha, Công ty Cổ phần Tân Đại Tiền Bình Thuận làm chủ đầu tư hạ tầng, đến nay Khu công nghiệp này chưa thu hút được nhà đầu tư thứ cấp.
Các ngành nghề đang thu hút đầu tư là ngành công nghiệp cán thép, nhôm; sản xuất dược phẩm, mỹ phẩm và thiết bị y tế; chế biến nông lâm hải sản; sản xuất vật liệu xây dựng; công nghiệp cơ khí lắp ráp; công nghiệp giấy; sản xuất thiết bị hàng gia dụng; sản xuất gỗ; điện, điện tử, phần mềm tin học; công nghiệp cao su; pha chế dầu mỡ, dầu nhờn; nghề chế biến sản phẩm từ muối, sản phẩm sau sản xuất muối và các sản phẩm từ plastic; kho bãi.
Khu công nghiệp Tân Đức (huyện Hàm Tân) được thành lập năm 2021, với diện tích 300 ha, Công ty Cổ phần Sonadezi Bình Thuận làm chủ đầu tư hạ tầng, hiện nay chủ đầu tư đang thực hiện công tác đền bù giải phóng mặt bằng Khu công nghiệp.
Các ngành nghề thu hút đầu tư là các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo như: Sản xuất chế biến thực phẩm, đồ uống; dệt, may trang phục; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa; sản xuất các sản phẩm từ giấy, bao bì; sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu; sản xuất các sản phẩm từ kim loại, phi kim loại; sản xuất các sản phẩm từ cao su, plastic; sản xuất các sản phẩm điện tử, máy tính, thiết bị quang học; sản xuất thiết bị điện; sản xuất máy móc thiết bị; sản xuất ô tô, động cơ và các phương tiện vận tải; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí; một số ngành dịch vụ.
Khu công nghiệp Sơn Mỹ 1 (huyện Hàm Tân) có diện tích 1.070 ha, hiện nay Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Sơn Mỹ đã hoàn thành các thủ tục pháp lý, được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư, hiện đang triển khai các nhiệm vụ liên quan đến đền bù giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp. Chưa thu hút nhà đầu tư thứ cấp.
Khu công nghiệp Sơn Mỹ 2 (huyện Hàm Tân) có diện tích 468,35 ha, dự án đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư, hiện Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển công nghiệp Đông Sài Gòn đang chuẩn bị triển khai đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp.