Bộ Công Thương là cơ quan Bộ được Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận là cơ quan Chính phủ đi đầu trong cải cách thủ tục hành chính, hướng mạnh tới việc cắt giảm, đơn giản hóa điểu kiện đầu tư, kinh doanh, Bộ Công Thương thêm một lần nữa khẳng định là cơ quan bộ quyết tâm đi đầu trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia.
Quyết định 2194/QĐ-BCT thành lập Tổ công tác xây dựng Đề án “Chuyển đổi số Bộ Công Thương” do Bộ trưởng Trần Tuấn Anh ký ngày 18/8/2020 nêu rõ: Tổ công tác do Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An làm Tổ trưởng. Tổ công tác được giao nhiệm vụ khẩn trương hoàn thiện Đề án “Chuyển đổi số Bộ Công Thương” trình lãnh đạo Bộ phê duyệt.
Việc xây dựng Đề án chuyển đổi số Bộ Công Thương trong nhiệm kỳ 2021 – 2026 được đặt trong khung khổ chung chiến lược chuyển đổi số và xây dựng công nghệ thông tin của Chính phủ, đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử.
Công tác xây dưng cơ sở dữ liệu là nội dung quan trọng trong xây dựng nền kinh tế số luôn được Bộ Công Thương đặc biệt quan tâm |
Nhận thức rõ đòi hỏi của tình hình thực tế cũng như nhanh chóng cụ thể hóa các mục tiêu của “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” tại Bộ Công Thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh tại cuộc họp mới đây về Đề án chuyển đổi số Bộ Công Thương đã yêu cầu Tổ công tác nhiệm vụ xây dựng dự thảo và hoàn thiện sợ bộ Đề án cần được xong trong vòng từ 1 đến 3 tháng tới.
Tổ công tác có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch làm việc cụ thể với đơn vị tư vấn đánh giá yêu cầu, nhu cầu có tính cấp bách tại Bộ; khảo sát các mô hình Trung tâm điều hành sẵn có ở các Bộ, ngành nhằm tham khảo, học hỏi kinh nghiệm xây dựng Đề án “Chuyển đổi số Bộ Công Thương”.
Việc xây dựng Đề án chuyển đổi số Bộ Công Thương là nhằm hỗ trợ các công tác chỉ đạo, điều hành, thực hiện các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, là cần thiết và phù hợp với xu hướng vận hành của hệ thống chính trị thời gian tới.
Tiến trình chuyển đổi số trong đó một yêu cầu quan trọng là công tác điều hành chuyển từ nền tảng văn bản giấy sang nền tảng văn bản điện tử là nội dung được Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đặc biệt quan tâm. Tại nhiều chương trình giao ban định kỳ cũng như triển khai các nội dung công tác của ngành Công Thương thời gian qua, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã không ít lần nhấn mạnh yêu cầu trên để vừa thay đổi phong cách, tư duy điều hành, vừa thiết thực rút ngắn khoảng cách giữa ý tưởng điều hành và thực tiễn cuộc sống. Mục tiêu cao nhất là đưa nhanh, đưa hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước vào cuộc sống với tinh thần cái gì có lợi cho dân thì cần được ưu tiên làm trước.
Đặc biệt mới đây, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã đề xuất ý tưởng xây dựng một Trung tâm điều hành thông minh của Bộ Công Thương từ đó bảo đảm sự thông suốt và nhanh chóng nhất của quá trình quản lý điều hành các lĩnh vực của ngành Công Thương. Đây cũng có thể coi là một đột phá trong quá trình lịch sử của Bộ Công Thương mà sang năm 2021, ngành Công Thương sẽ kỷ niệm tròn 7 thập kỷ đồng hành cùng đất nước.
Có thể thấy việc Bộ Công Thương trong vai trò là bộ kinh tế vĩ mô, bộ kinh tế đa ngành đa lĩnh vực nhanh chóng triển khai tiến trình chuyển đổi số là điều rất có ý nghĩa khi năm 2020 được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khẳng định một cách mạnh mẽ rằng năm 2020 là năm chuyển đổi số quốc gia, là năm khởi động tiến trình hướng tới một "Việt Nam số".
Việc xây dựng và phát triển Chính phủ số là xu thế tất yếu nhằm nâng cao tính công khai, minh bạch của Chính phủ, đẩy lùi nạn tham nhũng, lãng phí; góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động xã hội.
Chính bởi vậy “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, đã nhấn mạnh việc 3 nội dung xây dựng gồm Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Đây cũng được coi là những định hướng lớn cho Đề án chuyển đổi số Bộ Công Thương sẽ được khẩn trương xây dựng thời gian tới đây.
Các chuyên gia đã tổng kết 5 bài học để đi đến thành công trong quá trình chuyển đổi số. Một là lãnh đạo có khả năng thúc đẩy đổi mới. Hai là xây dựng được năng động lực của tổ chức gồm khả năng nhận biết cơ hội, khả năng nắm bắt cơ hội và khả năng thực thi cơ hội. Ba là xây dựng nền tảng văn hóa phù hợp. Bốn là hiểu đúng về năng lực số trong đó năng lực số không chỉ là phần cứng ICT mà còn tổng hợp của nhiều năng lực khác. Năm là chiến lược chuyển đổi số cần đặt trọng tâm trên chủ thể là con người cùng việc dành nguồn lực.
Những bài học này cũng có thể nói là hết sức bổ ích, và trên những phương diện nhất định có thể khẳng định rằng đã được Bộ Công Thương quan tâm thời gian qua. Bộ Công Thương là một bộ đa ngành, có những đóng góp lớn cho nền kinh tế do đó trong giai đoạn tới, những kết quả trong cải cách hành chính đã đạt được, nhất là trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp dịch vụ công, thực hiện Chính phủ điện tử… cần được phát huy, “làm nền” để từ đó thực sự là cơ quan Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đi đầu trong kinh tế số.