Chiều 26/3/2021, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ ra mắt Chương trình Hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp khai thác EVFTA bằng nền tảng thương mại điện tử giữa Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), Viện Khoa học Quản trị doanh nghiệp & Kinh tế số Việt Nam và Tập đoàn Kim Nam.
Tạo bước đột phá trong việc hỗ trợ các DN Việt Nam
Theo Bộ Công Thương, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) đã có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, Việt Nam là quốc gia đang phát triển đầu tiên ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương ký FTA với EU. Hiệp định được ví như tuyến đường cao tốc đã mở đối với cả Việt Nam và EU, nhất là DN hai nước.
Phát biểu tại Lễ ra mắt Chương trình Hợp tác hỗ trợ DN khai thác EVFTA bằng nền tảng TMĐT, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng khẳng định: Trong thời gian qua, Chính phủ đã có những chương trình hành động mạnh mẽ, quyết liệt nhằm triển khai hiệu quả EVFTA, mang lại nhiều lợi ích cho người dân và cho doanh nghiệp. Điển hình là Thủ tướng Chính phủ đã ban hành kế hoạch thực thi EVFTA của Chính phủ, trong đó Bộ Công Thương được giao làm cơ quan đầu mối điều phối việc triển khai Hiệp định.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng phát biểu tại Lễ Ký kết |
Bộ đã kiến nghị và triển khai một số nhóm giải pháp gồm: Công tác tuyên truyền, phổ biến về hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và EVFTA nói riêng; Xóa bỏ những rào cản đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thông qua đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách hành chính, ban hành chính sách với phương châm tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, minh bạch và bảo đảm công bằng, không có sự phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế; Nâng cao năng lực cạnh tranh; Đảm bảo cam kết cao về phát triển bền vững, cụ thể là gắn việc phát triển sản xuất và thương mại với các yêu cầu về bảo vệ môi trường; Phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất và kinh doanh.
Theo Thứ trưởng, trong cuộc cách mạng 4.0 với sự phát triển của công nghệ, những vấn đề trọng tâm như nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển cơ sở hạ tầng đã có những hướng giải pháp rất mới và mang tính đột phá.
Cụ thể hóa nhiệm vụ của Chính phủ, trong năm qua, tác động của đại dịch COVID đã thúc đẩy việc chuyển đổi số trong toàn xã hội, và trong tất cả các lĩnh vực. Thứ trưởng Cao Quốc Hưng nhìn nhận, TMĐT Việt Nam năm 2020 tăng trưởng 18%, đạt quy mô hơn 11 tỉ USD, người dân có thể mua sắm hầu hết mọi thứ mà không cần phải đến siêu thị. “Vì vậy, dựa trên những thành quả to lớn của công nghệ cần xây dựng các giải pháp mang tính nền tảng, căn cơ, tạo bước đột phá trong việc hỗ trợ các DN Việt Nam tiếp cận các thị trường quốc tế, như thị trường EU … Gần đây chúng ta đều biết câu chuyện về Alibaba, hay Amazon mang đến cơ hội cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, hay thậm chí cả các hộ kinh doanh cá thể xuất khẩu sản phẩm do chính tay họ làm ra, điều mà trước đây họ chưa từng dám nghĩ tới trước đây”- Thứ trưởng gợi mở.
Ông Đặng Hoàng Hải- Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số cho biết, Cục đã có nhiều chương trình phối hợp hành động cùng các hiệp hội, cộng đồng DN nhằm tìm các hướng giải pháp mang tính đột phá hỗ trợ DN Việt Nam đón đầu cơ hội do EVFTA mang lại |
Cung cấp cho các DN Việt Nam một nền tảng số để khai thác hiệu quả EVFTA, ông Nguyễn Kim Hùng- Viện Khoa học Quản trị DN và Kinh tế số Việt Nam (VIDEM) cho biết, trong Chương trình Hợp tác hỗ trợ DN, sàn TMĐT DN Việt Nam-EU (Vefta) là đề án trọng điểm với quy mô quốc gia được thực hiện nhằm xây dựng sàn giao dịch giữa các DN (B2B Marketplace). Đồng thời để kết nối DN Việt với các đối tác thương mại quốc tế, đặc biệt các đối tác đến từ châu Âu, qua đó giúp các DN Việt Nam, doanh nghiệp EU, cũng như các đối tác quốc tế khác có thể dễ dàng kết nối và thực hiện các hoạt động thương mại.
Tiếp tục các giải pháp trọng tâm "mở lối" cho DN tiếp cận thị trường lớn
Theo Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương), TMĐT là một trong những kết cấu hạ tầng quan trọng của lĩnh vực thương mại và của xã hội thông tin; là phương thức giúp DN Việt Nam đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước và xuất nhập khẩu, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Chia sẻ về cơ hội do ứng dụng nền tảng TMĐT mang lại, ông Đặng Hoàng Hải- Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số cho biết, Cục đã có nhiều chương trình phối hợp hành động cùng các hiệp hội, cộng đồng DN nhằm tìm các hướng giải pháp mang tính đột phá hỗ trợ DN Việt Nam đón đầu cơ hội do EVFTA mang lại. Cụ thể, Cục đã kết nối cộng đồng DN Việt Nam với các đối tác thương mại quốc tế, đặc biệt các đối tác đến từ châu Âu.
Ký Hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp khai thác EVFTA bằng nền tảng thương mại điện tử giữa 3 bên: Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), Viện Khoa học Quản trị doanh nghiệp và Kinh tế số Việt Nam, Tập đoàn Kim Nam. |
Trên cơ sở đó, xây dựng một cơ sở dữ liệu quốc gia về hồ sơ năng lực của DN Việt. Qua đó trở thành một nguồn dữ liệu tham khảo, thẩm định đáng tin cậy cho các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các đối tác thương mại quốc tế; Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về nguồn gốc xuất xứ, minh bạch hóa thông tin sản phẩm dịch vụ của các doanh nghiệp Việt. Nhằm tạo dựng niềm tin của các đối tác thương mại quốc tế đối với các sản phẩm dịch vụ mang thương hiệu Việt, giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của các DN.
Bên cạnh đó, xây dựng một cổng thông tin về các hiệp định thương mại cũng như các chính sách nhà nước liên quan đến hoạt động thương mại. Giúp cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết cho cộng đồng DN Việt cũng như các đối tác quốc tế. Kết nối các giải pháp số liên quan nhằm tạo một hệ sinh thái số hoàn thiện giúp cho DN thực hiện các hoạt động kết nối như: Thực thi nghiệp vụ xuất nhập khẩu; thanh toán và bảo lãnh quốc tế; Logistics; các giải pháp chữ ký số và hợp đồng điện tử; truy xuất nguồn gốc và xác thực thông tin sản phẩm…
“Quan trọng hơn là kết nối các cổng dịch vụ của các cơ quan quản lý nhà nước như hải quan, thuế, cổng dịch vụ công quốc gia. Giúp doanh nghiệp và các đối tác thương mại quốc tế thuận tiện trong các hoạt động giao thương trao đổi hàng hóa…”- ông Đặng Hoàng Hải thông tin thêm.
Trao chứng nhận doanh nghiệp tham gia thành viên sàn thương mại điện tử VN- EU |
Thứ trưởng Cao Quốc Hưng nhấn mạnh, Bộ Công Thương đã và đang triển khai nhiều biện pháp để hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu, đặc biệt thông qua việc ứng dụng TMĐT trong giai đoạn hoạt động trao đổi thương mại gặp nhiều khó khăn như hiện nay đồng thời tăng cường công tác đối thoại, trao đổi với cộng đồng DN nhằm tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện nền tảng sàn TMĐT dành cho DN make in Việt Nam, hướng tới xuất nhập khẩu. Phối hợp triển khai các chương trình cụ thể hỗ trợ DN nhỏ và vừa từng bước tiếp cận và khai thác hiệu quả sàn TMĐT. Nghiên cứu tìm giải pháp tích hợp với các hệ thống của các cơ quan liên quan như Hải quan nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho DN; Chú trọng việc thực hiện các giải pháp kỹ thuật, bảo đảm an toàn và bảo mật trong quá trình vận hành”- Thứ trưởng chia sẻ.