Thưa ông, mới đây, Brand Finance - tổ chức tư vấn hàng đầu về định giá thương hiệu quốc gia đã công bố thông tin, THQG Việt Nam được định giá 247 tỷ USD, tăng 12 tỷ USD so năm 2018 và xếp hạng thứ 42/100 thương hiệu mạnh. Ông nhận định như thế nào về thông tin này?
Ông Nguyễn Quốc Thịnh - Cố vấn cao cấp Chương trình Thương hiệu Quốc gia |
Thứ nhất, tôi chưa bàn về con số vì chúng ta biết mọi phương pháp đánh giá thương hiệu chỉ mang tính chất tương đối, mà chúng ta bàn về thứ hạng của Việt Nam tăng bao nhiêu bậc so với đánh giá của năm trước đó – năm 2018. Có thể nói, năm 2019 theo đánh giá thì thứ hạng của thương hiệu Việt Nam đã có sự tăng trưởng đáng kể. Điều đó cho thấy chúng ta đã có sự nỗ lực để cải thiện hình ảnh của quốc gia Việt Nam trên thị trường quốc tế thông qua rất nhiều hoạt động, trong đó có hoạt động sản xuất, kinh doanh và thu hút đầu tư. Đây là điều tôi nghĩ rằng chúng ta đáng tự hào.
Tuy nhiên, con số tuyệt đối giá trị 247 tỷ USD chỉ hơn Campuchia và một số quốc gia lân cận khác không đáng là bao nhiêu. Còn so với một số quốc gia lớn khác thì chúng ta chỉ bằng 1/1.000 của họ. Cho nên ta vẫn cần nỗ lực nhiều.
Từ kết quả đó ông đánh giá ra sao về vai trò của Bộ Công Thương trong quá trình xây dựng và triển khai Chương trình THQG ?
Để đánh giá giá trị của một THQG người ta dựa trên rất nhiều những nhóm yếu tố. Trong đó, quan tâm nhiều đến thể chế chính trị để thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, họ còn quan tâm đến năng lực phát triển của thương hiệu cho những nhóm sản phẩm, nhóm ngành hàng và tác động của hình ảnh quốc gia đến sự tăng trưởng của các thương hiệu lớn. Vì vậy, tôi cho rằng ngoài các hoạt động của các cơ quan khác đã tham gia vào xây dựng hình ảnh THQG Việt Nam thì Bộ Công Thương đóng vai trò hết sức quan trọng.
Là một trong những đơn vị đang chủ trì Chương trình THQG và thực hiện rất nhiều các hoạt động xúc tiến thương mại để đưa hình ảnh sản phẩm Việt Nam, quốc gia Việt Nam đến gần hơn với nhóm cộng đồng tiêu dùng trên thế giới, tôi cho rằng, Bộ Công Thương trong những năm vừa qua đã có những đóng góp rất lớn. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng là đầu mối quan trọng tham gia vào các chương trình đàm phán, các hiệp định FTA mang lại cơ hội cực kỳ to lớn cho các sản phẩm của Việt Nam có thể vươn ra thị trường thế giới.
Như vậy, Chương trình THQG đã góp sức lớn vào tăng giá trị thương hiệu Việt Nam trên thị trường thế giới, tuy vậy vẫn có ý kiến cho rằng chương trình còn những hạn chế, xin ông chỉ rõ vấn đề này?
Trước khi nói tới hạn chế tôi phải khẳng định, Chương trình THQG có đóng góp lớn trong việc đưa hình ảnh quốc gia Việt Nam ra thị trường thế giới, đặc biệt là thông qua sản phẩm. Đây là chương trình mà từ đó không chỉ đơn thuần là làm thế nào đưa được nhiều hơn sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam ra thị trường mà điều quan trọng là thông qua Chương trình THQG đã hỗ trợ và giúp doanh nghiệp Việt Nam có nhìn nhận và tư duy đúng hơn về sự cần thiết để xây dựng thương hiệu. Từ đó, có được nỗ lực thực sự để nâng cao năng lực xây dựng thương hiệu của chính doanh nghiệp mình.
Tuy nhiên có những ý kiến cho rằng Chương trình vẫn còn những hạn chế, tôi cho rằng bất kỳ một chương trình nào được tổ chức đều có hạn chế nhất định, không có một chương trình nào được coi là hoàn hảo và chương trình THQG cũng vậy.
Điểm qua một số hạn chế, đầu tiên có thể thấy Chương trình THQG là chương trình duy nhất của Chính phủ để hỗ trợ doanh nghiệp nâng đỡ hình ảnh thương hiệu của Việt Nam, từ đó tạo dựng hình ảnh quốc gia Việt Nam trên thị trường thế giới. Nhưng có điều hơi tiếc là chương trình chưa làm tốt công tác truyền thông cho chính mình. Cho nên, vẫn còn một bộ phận nhất định doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng trong và ngoài nước chưa thực sự hiểu nhiều về Chương trình THQG của Việt Nam. Có lẽ trong thời gian tới, các bộ phận liên quan phải tìm cách nâng cao hoạt động truyền thông, làm cho cộng đồng hiểu rõ hơn về Chương trình THQG như một cách chứng thực cho sản phẩm đạt THQG.
Thứ 2, vấn đề Chương trình THQG cần quan tâm là còn một bộ phận không nhỏ sản phẩm đang xuất khẩu ra thị trường thế giới, nhất là nông sản của Việt Nam ít mang thương hiệu riêng của doanh nghiệp Việt mà thường mang hình ảnh chung của Việt Nam. Do vậy, đã đến lúc chúng ta đang cần tính toán làm thế nào điều chỉnh cơ chế xét chọn để có thể đưa được các các thương hiệu mạnh, thương hiệu tập thể, đặc biệt là các thương hiệu liên quan đến nông sản và các sản phẩm chỉ dẫn địa lý của Việt Nam để cộng đồng thế giới có thể biết đến nhiều hơn các sản phẩm của Việt Nam chúng ta.
Vấn đề thứ 3, tôi nghĩ rằng có lẽ đây là điều chúng ta cần lưu ý nhất và bản thân chúng tôi những người làm THQG cũng đã trăn trở rất nhiều năm, đó là tần suất hoạt động của các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp của những khu vực xa trung tâm vẫn còn những hạn chế nhất định. Chính vì vậy, cần phải có một chương trình sâu hơn và rộng hơn. Làm thế nào để hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc cung cấp thông tin, cung cấp các kiến thức, kỹ năng, cũng như thay đổi nhận thức về vấn đề xây dựng thương hiệu.
Chương trình THQG giai đoạn 2020 - 2030, Bộ Công Thương đặt ra nhiều mục tiêu như đạt 1.000 sản phẩm đạt THQG... |
Trong Chương trình THQG Việt Nam giai đoạn 2020 - 2030, Bộ Công Thương đã đặt ra nhiều mục tiêu như đạt 1.000 sản phẩm đạt THQG, 90% số doanh nghiệp trên cả nước có nhận thức về THQG… Mục tiêu này liệu có tham vọng, thưa ông?
Bộ Công Thương đã đưa ra chỉ tiêu như vậy chắc chắn đã có sự tính toán dựa trên sự khảo sát trong 2 năm vừa qua về mức độ nhận thức về THQG cũng như khả năng triển khai về THQG. Tuy nhiên chúng ta nhớ lại, năm 2018 Việt Nam mới có 97 THQG vì vậy để từ 97 đạt con số 1.000 là vấn đề khá xa. Tôi nghĩ rằng Bộ Công Thương đã xác định mục tiêu rõ ràng dựa trên căn cứ khoa học và thực tiễn thì chắc chắn cũng phải có lộ trình thực hiện sát sao và có sự nỗ lực không ngừng để có thể đạt được mục tiêu.
Tuy nhiên, để 90% số doanh nghiệp hiểu được về THQG đây là mục tiêu không quá xa xỉ, nhưng muốn nâng cao nhận thức về THQG chắc chắn phải nâng cao hoạt động truyền thông.
Để thực hiện các mục tiêu này, ông có khuyến nghị gì với Bộ Công Thương cũng như với cộng đồng doanh nghiệp trong nước?
Thời gian qua, tôi nhận thấy hạn chế rất lớn là dù chúng ta muốn xúc tiến mạnh hơn, truyền thông mạnh hơn, giới thiệu nhiều hơn về chương trình để cộng đồng doanh nghiệp hiểu, nâng cao nhận thức và hỗ trợ doanh nghiệp nhưng điều cực kỳ khó khăn là kinh phí. Có lẽ, đã đến lúc thay vì sử dụng ngân sách nhà nước để thực hiện chương trình truyền thông như vậy có thể dùng nguồn xã hội hóa, thông qua sự đóng góp của doanh nghiệp có sản phẩm đạt THQG . Chúng ta có câu lạc bộ THQG, vì vậy có thể kêu gọi họ đóng góp kinh phí, từ đó tạo sức lan tỏa ít nhất là trong ngành hàng của doanh nghiệp. Cùng với đó, tăng cường hoạt động truyền thông làm cộng đồng doanh nghiệp biết nhiều hơn về chương trình và nỗ lực theo đuổi chương trình này.
Vấn đề nữa, đã đến lúc Bộ Công Thương cần có chiến lược thực sự liên quan đến phát triển THQG. Hiện nay chúng ta đang tập trung nhiều hơn cho hoạt động truyền thông, hỗ trợ doanh nghiệp thông qua hoạt động đào tạo nâng cao kiến thức, bình chọn sản phẩm đạt THQG. Tất cả những điều đó là chưa đủ mà cần có định hướng mang tính chiến lược. Chương trình THQG Việt Nam giai đoạn 2020 – 2030 cần xây dựng chiến lược với lộ trình cụ thể để huy động tối đa nguồn lực của xã hội, cộng đồng để cùng tham gia vào xây dựng hình ảnh quốc gia Việt Nam và bước đầu nhấn mạnh làm cho Chương trình THQG mạnh hơn.
Về cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta nói về 97 DN đã đạt THQG trong năm 2018, có câu lạc bộ THQG vậy chúng tôi rất mong câu lạc bộ THQG với sự góp mặt của những thương hiệu rất mạnh cần có chương trình hành động ráo riết hơn, thiết thực hơn như tổ chức sự kiện, tập huấn hỗ trợ cho truyền tuyền về Chương trình THQG, nâng cao năng lực xây dựng thương hiệu cho các doanh nghiệp trong ngành hàng cũng như doanh nghiệp có liên quan.
Trong thời gian qua, có rất nhiều sự hỗ trợ từ phía Chính phủ liên quan đến chương trình nhưng rất tiếc mới chỉ đến với được một số doanh nghiệp, còn quá nhiều doanh nghiệp chưa có cơ hội tiếp cận. Vì vậy cộng đồng doanh nghiệp, trước hết là cộng đồng doanh nghiệp THQG cần có sự chung tay với chương trình để truyền thông mạnh hơn cho Chương trình THQG và hỗ trợ nhiều hơn cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, bản thân mỗi doanh nghiệp cũng cẫn nỗ lực không ngừng. Không phải chúng ta xác định mục tiêu chắc chắn bao giờ sẽ trở thành THQG mà quan trọng nhất là thông qua hỗ trợ của chương trình, hoạt động xúc tiến… Mỗi doanh nghiệp cần đầu tư thời gian, tiền bạc nâng cao kỹ năng xây dựng thương hiệu và thay đổi tư duy để thương hiệu của mình ngày càng trở lên mạnh hơn trên thị trường, dần dần góp mặt vào câu lạc bộ THQG.
Xin trân trọng cảm ơn ông!