Đó là chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải tại Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi đối thoại.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải tại Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân |
Hỗ trợ DN xuất khẩu nông sản
Ông Lầu Sỳ Nịp, dân tộc Nùng, nông dân thôn 5, xã Long Bình, huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước – cho biết: Gia đình ông hiện đang trồng 28ha bưởi da xanh. “Tôi được biết, hiện nay ngành chức năng đã có chương trình hỗ trợ các DN nhỏ và vừa trong tiếp cận với thông tin thị trường xuất khẩu đối với các hiệp định thương mại tự do FTA. Nông dân chúng tôi, nhất là những nông dân sản xuất quy mô tương đối lớn hiện đang rất thiếu thông tin về vấn đề nay. Chẳng hạn như tôi muốn xuất khẩu trái bưởi da xanh, hay các nông dân khác muốn xuất khẩu trái xoài, trái bơ, cà phê...thì phải sản xuất theo tiêu chuẩn nào, cơ quan nào hỗ trợ về các thủ tục này?”- ông Nịp hỏi.
Ông Đỗ Quý Toán - Xã Ea Na, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk, chuyên sản xuất cà phê chồn theo đơn đặt hàng của Tập đoàn Lộc Trời - cho biết: Vừa qua, lô cà phê đầu tiên đã được xuất khẩu sang châu Âu theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Châu Âu, với thuế suất 0%. Đây là cơ hội tốt mở ra cho ngành sản xuất, chế biến cà phê, nhất là khi trong số 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được EU cam kết bảo hộ, trong đó có cà phê Buôn Ma Thuột. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho ngành cà phê Việt Nam. Xin hỏi Thủ tướng, Chính phủ có giải pháp gì để phát triển ngành chế biến, xuất khẩu cà phê bền vững?
Được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao trả lời câu hỏi trên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng: Dù đạt được nhiều thành tựu nhưng nền nông nghiệp Việt Nam vẫn dựa trên sản xuất nông hộ, với 10,6 triệu hộ, rất manh mún, nên mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng nông dân vẫn còn gặp nhiều thiệt thòi. “Về vấn đề tiêu thụ sản phẩm, việc tiêu thụ phải dựa trên cung - cầu thị trường. Chúng tôi xác định, đầu ra là hết sức quan trọng nên đây là nhiệm vụ trọng tâm, cần ưu tiên, hỗ trợ cho DN, người dân sản xuất kinh doanh”, Thứ trưởng Hải nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, từ đầu năm đến nay, do dịch Covid-19 nên xuất khẩu nông sản gặp nhiều khó khăn, kể cả những mặt hàng có thế mạnh. Xác định rõ những vướng mắc về thị trường, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương vào cuộc tháo gỡ. Một trong những giải pháp Chính phủ thúc đẩy là xúc tiến, đẩy mạnh ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) như CPTPP, EVFTA.
“Phải nói rõ, khi ra các nước, các DN, người dân ghen tỵ với nông dân, DN Việt Nam sao có nhiều nghị định thương mại tự do, được hưởng nhiều ưu đãi như vậy. Vậy làm thế nào để tận dụng được thế mạnh từ các FTA? Đây là việc Bộ Công Thương đang phối hợp với các bộ ngành tích cực triển khai, cung cấp thông tin về các FTA cho doanh nghiệp và người dân, để DN có thể tận dụng tốt cơ hội về ưu đãi thuế quan”, Thứ trưởng Hải nhấn mạnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cùng các đại biểu chủ trì hội nghị |
Đối với từng thị trường, Bộ Công Thương cũng đã có chương trình xúc tiến thương mại riêng, hỗ trợ các DN nhỏ và vừa. Do dịch Covid-19, các phương thức kinh doanh truyền thống bị ảnh hưởng, thay vi trực tiếp sang các thị trường xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị trực tuyến với nhiều thị trường trên thế giới như EU, Trung Quốc, Mỹ,...
Theo Thứ trưởng, hiện nay, một xu hướng bảo hộ thương mại đang gia tăng, kể cả thị trường lớn như Mỹ, các biện pháp phòng vệ thương mại tăng rất nhanh. Do vậy, Bộ Công Thương sẽ tích cực phối hợp với các DN đối phó với các vụ kiện chống phá giá. Ngược lại chúng tôi cũng nghiên cứu đưa ra những vụ chống bán phá giá của các DN nước ngoài.
Đơn cử, cách đây 6 ngày, Bộ Công Thương đang xem xét chống bán phá giá đối với mặt hàng đường của nước láng giềng xuất khẩu vào Việt Nam, khi thực hiện Hiệp định ATIGA, lượng đường nhập khẩu tăng đột biến, ảnh hưởng đến người nông dân nên ngày 22/9, Bộ Công Thương đã xem xét khởi kiện chống bán phá giá vào Việt Nam.
“Trong thời gian tới, các Sở Công Thương, Sở NNPTNT các địa phương, cơ quan tổ chức hội nhập quốc tế, các hiệp hội chủ động cung cấp thông tin về các hiệp định thương mại tự do để phổ biến cho DN, giúp DN khai thác tốt các lợi thế của các FTA”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đề nghị.
Xây dựng, quảng bá thương hiệu cho DN
Liên quan đến các câu hỏi về phát triển công nghiệp chế biến nông sản, và phát triển thương hiệu của các nông dân, DN trên địa bàn tỉnh Tây Nguyên, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, vừa qua Thủ tướng cũng đã phê duyệt chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025 tầm nhìn 2035 , trong đó có lĩnh vực cơ khí nông nghiệp hết sức được ưu tiên.
Ngày 29/1/2019 Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng đã phê duyệt danh sách các mặt hàng lĩnh vực cơ khí trọng điểm. Trong đó ngành cơ khí nông nghiệp hết sức được ưu tiên. “Tôi cũng mong các Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp các tỉnh các Hiệp hội DN, DN tiếp cận để nhận được sự hỗ trợ cần thiết”, Thứ trưởng Hải mong muốn.
Bộ Công Thương luôn hỗ trợ tối đa cho các nông dân, DN phát triển thị trường xuất khẩu |
Liên quan đến việc xây dựng quảng bá và bảo vệ thương hiệu DN. Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, các DN ở nước ta chủ yếu là DN vừa và nhỏ, do đó hiện nay theo chương trình thương hiệu quốc gia của Việt Nam thì việc xây dựng các thương hiệu quảng bá trước hết là các DN lớn phải trở thành thương hiệu quốc gia, xây dựng thương hiệu tập thể, xây dựng lĩnh vực mặt hàng. Ví dụ: Trong lĩnh vực mặt hàng gạo, Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, với mặt hàng cá tra thì giao Bộ Công Thương chủ trì.
“Rất nhiều mặt hàng các thương hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý, nhiều tỉnh thành cùng chung một mặt hàng thì chúng ta đang tập trung xây dựng mặt hàng đó. Bên cạnh đó, nhiều hoạt động liên quan từ việc phổ biến giúp cho các DN xây dựng thương hiệu thế nào, quảng bá thương hiệu, kể cả bảo vệ thương hiệu chính của DN khi DN xuất khẩu các mặt hàng tại các thị trường thế mạnh” Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.
Cụ thể, ngay tại Đắk Lắk, việc xuất khẩu cà phê Buôn Ma Thuột sang Trung Quốc nhưng chúng ta lại bị DN nước khác đăng kí trước. Trước tình hình đó, các Bộ ngành, trong đó có Bộ Công Thương, Bộ Khoa học Công nghệ đã hỗ trợ cho DN để các DN lấy lại. Các DN nếu như không đăng ký thương hiệu trước thì thực chất thương hiệu đó không phải của DN mình. “Chúng ta vẫn hiểu rằng chỉ có Việt Nam mới có cà phê Buôn Ma Thuột vì vậy chúng ta đang tìm cách đòi lại thương hiệu của chúng ta”, Thứ trưởng Hải chia sẻ.
“Trong thời gian tới, các DN xuất khẩu của Việt Nam nên chủ động hơn trong việc đăng ký những thương hiệu của mình tại các thị trường mà DN muốn xuất khẩu. Ngay cả ở khu vực trong nước các DN vẫn phải hết sức quan tâm đến việc đăng ký bảo hộ, sở hữu trí tuệ, nhất là các thương hiệu mà DN đang sản xuất và kinh doanh”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khuyến nghị.