Trong tình hình hiện nay, khi lĩnh vực truyền thông được hưởng lợi ích từ cách mạng công nghiệp 4.0 thì nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, lại bị tác động không mong muốn, ngoài sự kiểm soát bởi “lợi ích phi truyền thống” từ truyền thông đưa lại. Cụ thể, các thế lực thù địch, phản động và phần tử xấu đã, đang tiếp tục triệt để lợi dụng, khai thác tính lan tỏa nhằm đưa các thông tin xấu độc, giả mạo, kích động bạo lực, kêu gọi hình thành các hội nhóm trái phép, lực lượng chính trị đối lập hoạt động đối trọng với Đảng, kích động hận thù dân tộc; bôi nhọ uy tín của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, mục tiêu làm chuyển biến, thay đổi nhận thức chính trị, không phân biệt được thông tin thật và giả, dần dần tin vào những thông tin giả mạo, xấu độc dẫn đến mất niềm tin vào cuộc sống, xa rời sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, với các thủ đoạn phổ biến là:
Thứ nhất, lợi dụng trang thông tin điện tử, mạng xã hội để đăng tải, đưa các thông tin sai sự thật hoặc các thông tin có phần đúng nhưng sai lệch về bản chất thông tin trên các trang mạng xã hội để đánh lừa người đọc, làm người đọc lầm tưởng là thông tin chính thống để đăng nhập, chia sẻ trạng thái, bình luận gây hiệu ứng tâm lý xã hội trước những vấn đề có tính thời sự của đất nước. Khi đã thu hút được sự quan tâm, theo dõi của người đọc thì các thế lực thù địch và phần tử xấu sẽ đưa vào những thông tin giả mạo, xấu độc, lồng ghép với các nội dung chống Đảng, Nhà nước, xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối phát triển kinh tế của đất nước, làm người đọc không phân biệt được những thông tin thật - giả, gây hoang mang, tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn về an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội.
Thứ hai, lợi dụng tiện ích từ cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó tập trung khai thác tính lan tỏa, tương tác, chia sẻ, ẩn danh trên không gian mạng của website, trang thông tin điện tử, mạng xã hội để tán phát thông tin giả mạo, xấu độc, gắn với việc đưa thông tin bí mật đời tư, bí mật cá nhân của các đồng chí lãnh đạo cao cấp, sau đó đưa ra nhận xét, phân tích, bình luận nhạy cảm để tác động đến niềm tin của người đọc, từng bước phủ nhận, gây hoài nghi về lịch sử, truyền thống đoàn kết của dân tộc Việt Nam, tinh thần độc lập, tự chủ.
Thứ ba, lợi dụng tiến bộ khoa học của cách mạng công nghiệp 4.0, ứng dụng miễn phí trong các trang mạng xã hội để chia sẻ trạng thái, kết bạn, quản lý nhóm bạn bè trên không gian mạng. Từ đó, đưa thông tin xấu độc, thông tin thật, giả lẫn lộn nhằm tuyên truyền, gây hoài nghi trong xã hội, tác động đến tư tưởng, tình cảm, đạo đức của cán bộ, đảng viên và nhân dân, gây mơ hồ, mất cảnh giác, dao động mất niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Thứ tư, khai thác lỗ hổng bảo mật của các website, cổng thông tin điện tử để sửa chữa, chèn thêm đường dẫn (link) đăng tải nội dung, thông tin giả mạo, xấu độc, văn hóa đồi trụy, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, vi phạm thuần phong mỹ tục, văn hóa truyền thống của dân tộc; chèn, chỉnh sửa nội dung bài viết, hình ảnh trên các website, cổng thông tin điện tử làm sai lệch bản chất thông tin, làm người đọc mơ hồ mất cảnh giác, từ đó thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” tác động đến tư tưởng, đạo đức và lối sống, tâm tư, tình cảm của các giai tầng xã hội; tạo lập các blog, website, mạng xã hội kết hợp với các loại hình thông tin khác báo viết, báo hình, báo nói... để thu hút lượng người truy cập, qua đó truyền bá các quan điểm, tư tưởng phản động.
Nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của không gian mạng; thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; Kết luận số 53-KL/TW ngày 04/6/2019 của Ban Bí thư về việc chỉ đạo đấu tranh ngăn chặn, xử lý, gỡ bỏ, triệt phá tin giả, thông tin sai sự thật, xấu, độc trên Internet, mạng xã hội, Ban cán sự đảng Bộ Công Thương đã lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ triển khai thực hiện các giải pháp chủ động tăng cường phòng, chống thông tin xấu, độc trên không gian mạng, cụ thể:
Thứ nhất, ban hành các văn bản quy định về an toàn thông tin mạng, phòng, chống thông tin xấu, đốc trên không gian mạng. Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 4918/QĐ-BCT ngày 27/12/2018 về việc ban hành quy chế đảm bảo an toàn thông tin mạng Bộ Công Thương, trong đó nêu rõ nguyên tắc chung là Thủ trưởng đơn vị là người chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn thông tin mạng. Bảo đảm an toàn thông tin mạng là yêu cầu bắt buộc trong quá trình thiết kế, xây dựng, vận hành, nâng cấp, sử dụng và huỷ bỏ các hệ thống công nghệ thông tin của cơ quan nhà nước. Hàng năm, Bộ Công Thương đều có các Chỉ thị, Công văn đôn đốc chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn thông tin nhằm nâng cao năng lực phòng, chống phần mềm độc hại; tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh mạng nhằm cải thiện chỉ số xếp hạng của Việt Nam theo tinh thần Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 28/5/2018 và Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 07/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ.
Thứ hai, thường xuyên tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, bản lĩnh chính trị của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động ngành Công Thương khi sử dụng mạng xã hội. Tăng cường cung cấp thông tin chính thống, các gương điển hình tiên tiến, mô hình, cách làm hay, hiệu quả… của ngành, cơ quan, đơn vị lên Cổng thông tin điện tử của Bộ, website của các đơn vị thành viên và mạng xã hội theo phương châm “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”, góp phần xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn. Bên cạnh đó, tại các Quyết định, Chỉ thị, văn bản đôn đốc thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn thông tin đã lồng ghép các nội dung về việc yêu cầu các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc Bộ không chia sẻ, cung cấp những thông tin xấu, độc trên không gian mạng.
Thứ ba, tăng cường trách nhiệm của các cấp uỷ, người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc nắm, định hướng tình hình tư tưởng, thái độ, quan điểm của cán bộ, đảng viên, quần chúng khi chia sẻ, bình luận, đăng tải thông tin trên mạng xã hội, nhất là trong những đợt cao điểm liên quan đến tình hình an ninh chính trị; siết chặt công tác quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên chấp hành nghiêm kỷ luật phát ngôn và bảo vệ bí mật của Đảng và Nhà nước, nghiêm cấm để lộ bí mật của Đảng và Nhà nước, cơ quan, đơn vị; xử lý kịp thời, kiên quyết các trường hợp vi phạm.
Thứ tư, xây dựng, dự phòng các phương án đảm bảo an toàn thông tin cho từng hệ thống. Bộ Công Thương đã rà soát và xếp hạng cấp độ các hệ thống thông tin theo Nghị định số 85/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ, xây dựng các kế hoạch, phương án cụ thể cho các sự cố ứng cứu an toàn thông tin.
Thứ năm, đào tạo nguồn nhân lực đảm bảo an toàn thông tin mạng. Hàng năm, Bộ Công Thương đã cử các cán bộ tham gia các khóa tập huấn, diễn tập về an toàn thông tin mạng do Bộ thông tin và Truyền thông tổ chức. Bộ cũng chủ động tổ chức các khóa đào tạo nâng cao nhận thức về an toàn thông tin cho các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc Bộ. Bên cạnh đó, những cán bộ vận hành, chuyên trách về công nghệ thông tin cũng được tham gia những khóa đào tạo chuyên sâu nhằm nâng cao nghiệp vụ chuyên môn.
Trong thời gian tới, Ban cán sự đảng Bộ Công Thương sẽ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, phát huy tinh thần tự giác cho cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức, người lao động ngành Công Thương trong việc phòng, chống thông tin xấu, độc trên không gian mạng.